Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Trong báo cáo "Triển vọng Năng lượng toàn cầu 2014", cơ quan có trụ sở tại Paris dự báo vào năm 2040, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 37%, trong đó nhiên liệu hóa thạch (bao gồm dầu mỏ, khí đốt và than đá) vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người.
Theo IEA, an ninh năng lượng tại thị trường dầu mỏ toàn cầu có nguy cơ bất ổn cao do các quốc gia phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn cung ngày càng hiếm từ một vài nước khai thác chủ yếu.
Trung Đông hiện vẫn là nguồn cung dầu mỏ lớn duy nhất với mức giá thấp, tuy nhiên xung đột bùng phát dữ dội tại khu vực này đang đe dọa đẩy các quốc gia tiêu thụ vào tình trạng khan hiếm nguồn hàng.
Mặc dù giá dầu hiện ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, IEA dự báo con số này sẽ dần "leo thang" khi nhu cầu dầu mỏ tăng từ 90 triệu thùng/ngày trong năm 2013 lên mức 104 triệu thùng/ngày vào năm 2040. Tuy nhiên, việc giá dầu tăng cao cùng với các chính sách mới về năng lượng cũng sẽ ghìm đà tăng của mức tiêu thụ dầu mỏ.
Trong số các nhiên liệu hóa thạch, IEA dự báo khí gas tự nhiên sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất với nhu cầu nhiều khả năng sẽ tăng hơn 50%, trở thành nguồn nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vào năm 2030.
Trước quan ngại tình hình căng thẳng tại Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng tới an ninh khí đốt, đặc biệt tại các quốc gia châu Âu, IEA nhận định nguy cơ này không quá nghiêm trọng nhờ ngày càng có nhiều nhà cung cấp khí đốt cũng như sự xuất hiện của nguồn nhiên liệu thay thế từ khí gas tự nhiên hóa lỏng.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng than đá trong tương lai sẽ giảm dần xuất phát từ các biện pháp giảm ô nhiễm và khí thải CO2 mặc dù nguồn cung tiếp tục bền vững.
Báo cáo cũng cho biết mặc dù tỷ lệ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong tổng lượng tiêu thụ năng lượng sẽ giảm xuống chỉ còn chưa đến 3% vào năm 2040, tác động của nó đối với hiện tượng ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu vẫn ở mức đáng báo động.
IEA cảnh báo lượng CO2 thải ra môi trường vào năm 2040 có thể phá vỡ mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất trong khoảng 2 độ C và kêu gọi các quốc gia sớm có hành động khẩn cấp.
Đối với các nguồn năng lượng thay thế, IEA dự báo tương lai bất ổn đối với năng lượng hạt nhân do Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu nhiều khả năng sẽ cắt giảm số nhà máy điện hạt nhân vì lý do an toàn.
Tuy vậy, công suất điện nguyên tử toàn cầu vẫn sẽ tăng khoảng 60%, trong đó riêng Trung Quốc chiếm tới 45%. Theo tổ chức này, các công nghệ năng lượng tái sinh có thể sẽ giúp "lấp chỗ trống" trong sản xuất năng lượng, cân nhắc tới thực tế chính phủ nhiều nước đã đầu tư khoảng 120 tỷ USD vào nguồn năng lượng mới này trong năm 2013.
Mức sản xuất năng lượng tái sinh-năng lượng gió, Mặt Trời, thủy điện và nhiên liệu sinh học - sẽ phát triển mạnh nhất ở các nước công nghiệp phát triển thuộc OECD, chiếm tới 37% tổng lượng sản xuất./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]