“VIETGAP LÀ GÌ VẬY?”
Gặp chúng tôi, bà M, có vườn rau được xem là điển hình nhất trong Liên tổ rau an toàn Tân Trung, khi vừa nghe đề cập đến việc tìm hiểu quy trình trồng rau VietGAP thì bà lắc đầu từ chối: “Chú cứ đi hỏi ông Hoàng, chủ nhiệm Liên tổ rau, nếu đồng ý quay lại đây chúng tôi mới dám nói. Vì mấy lần ổng cầm tờ báo xuống tận vườn của từng xã viên mắng xối xả rồi đe sẽ cắt thu mua rau hàng ngày khiến ai cũng sợ.
Hơn nữa, bữa trước tôi cũng vừa cho một người quen trồng rau “mượn” giấy VietGAP về để có đoàn quay phim chụp ảnh gì đó, đến nay tôi đã kịp lấy về đâu!”. Thực tế quan sát vườn rau VietGAP nhà bà M, mặc dù cũng được quy hoạch bài bản nhưng mùi hôi của phân, thuốc vẫn nồng nặc như vừa phun xong.
Tiếp đó chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Trọng B, một trong những người dân tham gia đầu tiên trong Liên tổ sản xuất RAT Tân Trung. Ông B tâm sự: “Các hộ dân chúng tôi đang bí đầu ra quá, mang tiếng trồng rau bán cho HTX vậy nhưng mỗi ngày họ chỉ mua được khoảng chục ký rau thì ăn thua gì. Do vậy, đa số các hộ xã viên đành phải tự tìm hướng khác tiêu thụ rau chứ để chết héo trong vườn sao được”.
Theo ông B, vườn rau của gia đình ông có diện tích 1.500 m2, trồng các loại rau dền, mồng tơi, rau đay…Tôi hỏi: “Thế gia đình ông trồng rau cho HTX chắc phải trồng theo quy trình VietGAP chứ?”. Ông B lắc đầu: “Tôi trồng rau cả hơn chục năm nay nhưng có biết quy trình VietGAP là gì đâu. Mà VietGAP là gì vậy?”. Thi thoảng ông B chỉ nghe có cuộc họp tổ rau trên xã nhưng mải làm vườn nên ông cũng chẳng có thời gian đi.
Tương tự, gần đấy là vườn rau 1.000 m2 của hộ ông Phạm Hồng M đang vào đợt thu hoạch, nhưng để rau già trổ bông héo rũ chẳng thấy ai đoái hoài. Ông M rầu rĩ: “Cả vườn rau dền, tía tô gần 1.000 m2 này mất công tôi đầu tư phân thuốc, chăm sóc hàng ngày, ấy thế mà đến kỳ thu hoạch HTX chỉ lấy khoảng 5 kg/ngày thì hỏi VietGAP hay không có nghĩa lý gì”.
Để chứng minh, ông M chỉ cho chúng tôi xem vô số những vườn rau của các hộ dân trong HTX cũng đang vào đợt thu hoạch nhưng chẳng có đầu ra khiến có hộ tiếc rẻ đã phải cắt về cho heo, bò nhà và hàng xóm cùng ăn! Theo anh N (người dẫn PV đi xem thực tế các vườn rau trên địa bàn xã Tân Phú Trung): “Mang tiếng là vườn rau VietGAP trồng cho HTX nhưng về độ đẹp của hàng rau ở đây chỉ bằng 1/10 vườn rau nhà mình trồng không VietGAP nên bị “tắc” đầu ra, không bán được là phải rồi”.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, N lúc này mới mạnh dạn thú thật: “Đến vườn nhà tôi hay mấy hộ bên cạnh cũng trồng rau như “ướp” phân thuốc, vậy mà còn có giấy chứng nhận VietGAP. Mà có giấy chứng nhận VietGAP đấy nhưng chẳng để làm gì vì ra chợ rau nào cũng như nhau hết, miễn sao hàng đẹp là ăn tiền”.
Theo lời anh N kể, thấy vườn rau nhà anh đẹp nên thỉnh thoảng lại có đoàn dẫn khách đến tham quan, quay phim, chụp ảnh chán rồi về. Thậm chí có cả nhóm sinh viên đến xin phỏng vấn, ghi chép số liệu về làm luận án thực tập, khiến anh cũng thấy ái ngại vì thực chất vườn rau “VietGAP” nhà anh không sạch như mọi người nghĩ.
Có lần N nói vui với họ rằng: “Các anh chị hãy đi chọn mô hình rau nào sạch thật mà hỏi, chứ ghi chép số liệu thực tế ở vườn nhà tôi thì chỉ có mà… rớt hết!”.
Để tìm hiểu thực tế việc tổ chức sản xuất và thu mua rau VietGAP trên địa bàn, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Hoàng, Chủ nhiệm Liên tổ sản xuất rau an toàn Tân Trung, ông cho biết: "Liên tổ được thành lập từ năm 1998, với khoảng 50 hộ xã viên, sản xuất trên diện tích 60 ha rau các loại; trong đó có 30 hộ xã viên sản xuất thường xuyên cho Liên tổ, còn 20 hộ làm theo thời vụ. Tuy nhiên, đến năm 2010 mới bắt đầu triển khai chương trình rau VietGAP cho các hộ xã viên tham gia đăng ký trồng cho HTX thu mua".
Cũng theo ông Hoàng, cứ 1 ha rau ăn lá cho sản lượng khoảng 30 tấn rau/vụ/tháng, rau ăn củ, quả là 60 tấn/vụ 2 tháng. Hiện chủ yếu lượng rau thu mua hàng ngày (3 – 4 tấn/ngày) sẽ nhập vào các siêu thị chiếm khoảng 70%, còn lại cung cấp cho các công ty sản xuất thức ăn công nghiệp và bếp ăn học sinh trên địa bàn TP.
Tôi hỏi: “Có khi nào thiếu rau khiến các anh phải đi nhập rau từ bên ngoài về bán không?”. Ông Hoàng quả quyết: “Không, vì chúng tôi sợ không quản lý được chất lượng rau”. Tuy nhiên, khi PV muốn xin địa chỉ để xuống gặp trực tiếp một số hộ xã viên thường xuyên hoặc làm thời vụ của Liên tổ thì ông Hoàng gạt phắt đi với lý do: “Họ ở rất xa bên ngoài địa bàn huyện, không thể gặp được!”.
Thậm chí khi tôi ngỏ ý muốn xin số điện thoại của một hộ dân trồng rau trong Liên tổ, ông Hoàng cũng viện lý do rồi từ chối.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các hộ dân trồng rau VietGAP là vẫn bị “mắc cạn” đầu ra cho sản phẩm nên khó vận động dân trồng rau sạch. Hơn nữa, từ khi cấp chứng nhận VietGAP cho các mô hình đạt chuẩn đến nay đã quá hạn lâu rồi nhưng cũng chưa tiến hành hậu kiểm để tái chứng nhận cho những hộ dân này".
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]