Chi phí cho lao động cồng kềnh
PGS.TS Nguyễn Văn Nam-Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho biết, ngành điện không phải là ngành gia công nhưng có chuyên gia trong ngành vẫn từng nói, để làm ra 1 đơn vị điện, nhiều nước chỉ cần 2,5 lao động còn Việt Nam là vài chục lao động. Năng suất lao động thấp, bộ máy lao động cồng kềnh như thế đều được tính vào giá thành điện. Phải chăng là ngành được bao cấp nên số lao động của EVN quá lớn?!
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi cũng cho rằng, bộ máy lao động của EVN hiện nay quá cồng kềnh, vì đông người nên năng suất lao động của EVN thấp. Theo ông Ngãi, các chi phí lao động trong ngành điện đều được hạch toán vào giá thành điện, kể cả người đi thu tiền điện. Nếu giảm bớt được khâu thu tiền thủ công hiện nay thì EVN cũng tiết giảm được chi phí giá thành điện.
Công nhân ngành điện ghi chỉ số điện để tính tiền điện.
Với chi phí khoảng 1.000 đồng (được cộng vào hóa đơn) cho việc đi thu tiền điện, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng: Với hàng nghìn người đi thu tiền điện và với hàng triệu hộ dùng điện thì những chi phí này không hề nhỏ. “Những chi phí kiểu này cần phải sớm tiết giảm, bãi bỏ. Tôi được biết, có nhân viên chỉ làm mỗi việc đi thu tiền điện mà lương một tháng cũng mấy triệu đồng. Việc đi thu tiền điện ở ta cũng nên sớm theo xu hướng như các nước là không làm thủ công để rồi đẻ thêm chi phí cho giá điện”- vị chuyên gia này nói.
Tiền điện sẽ còn tăng?
Thực tế, không chỉ chi phí cho lao động cồng kềnh, người tiêu dùng cũng đang phải trả tiền cho cả điện thất thoát. Chỉ riêng năm 2014, lượng điện thất thoát lên tới hơn 16,54 tỉ kWh. Toàn bộ tổn thất này đều được hạch toán trong giá bán điện và người tiêu dùng phải gánh chịu. Tổn thất kỹ thuật (tức tổn thất trên dây, trên lưới) không thể tránh khỏi đã đành, nhưng tổn thất thương mại (do trộm cắp, sự cố…) người tiêu dùng cũng phải “gánh” cả vào giá điện. Ông Ngãi cho rằng, tổn thất thương mại của ngành điện lên tới 7%, được tính vào giá thành điện là khá cao.
Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao giá điện chỉ tính tăng khi thực tế EVN vẫn có thể giảm tác động tăng giá điện, giảm chi phí về tiền điện phải trả cho doanh nghiệp, người dân?
Ông Ngô Trí Long-nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) giải thích: Chi phí vào khâu phân phối, năng suất lao động của ngành điện hiện nay rất lớn, chiếm khoảng 250 đồng/kwh. “Người tiêu dùng bức xúc về tiền điện phải trả quá cao là có nguyên nhân từ việc tất cả các hoạt động của EVN hiện nay chưa có hiệu quả, chưa minh bạch"-TS Ngô Trí Long đánh giá.
Theo ông Long, mọi chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất của EVN đều đổ lên người tiêu dùng, những nguyên nhân như quản trị kém, kinh doanh ngành ngoài lỗ, tổn hao điện năng lớn, năng suất lao động thấp... đều tính cả vào giá điện.
Ông Long nói: “Để người dân đồng thuận khi dùng nhiều điện phải trả nhiều tiền thì mấu chốt là cần có sự minh bạch, rõ ràng hơn trong cách tính toán của EVN. Khi bắt người dân phải trả tiền nhiều thì ông cũng phải xứng đáng chứ đừng vì độc quyền mà “hét” giá nào dân phải trả giá đó”.
Trong khi tỷ lệ thất thoát điện năng ở nhiều nước xung quanh hiện chỉ còn 4 – 5% thì tỷ lệ đó ở Việt Nam vẫn lên tới gần 9%, và chưa thấy giảm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]