Hàng hiệu xuất hiện ngày càng nhiều
Theo khảo sát từ báo Dân Việt, tuy chưa có bất kỳ số liệu nào để cân đo giá trị của nhóm hàng hiệu tại thị trường Việt Nam nhưng trong khoảng năm năm trở lại đây, nhóm hàng hiệu nổi tiếng trên thế giới ngày càng xuất hiện dày hơn tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...
Hàng hiệu xuất hiện nhiều tại các trung tâm thương mại. Ảnh minh hoạ
Có thể khẳng định, những thương hiệu lớn trên thế giới đều đã có mặt chính thức tại thị trường Việt Nam. Tại TP.HCM, trên các con đường Lê Lợi, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ... (quận 1) hoặc các trung tâm thương mại như Cresent Mall, Vincom A/B, Parkson Plaza, Diamond Plaza..., các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như: Hermes, Versace, Chanel, Esprit, Cartier, Louis Vuitton, Burberry, Lamborghini, Lexus, Giovanni, Vertu, Salvatore Ferragamo, Gucci, Ralph Lauren, CK, Diesel, Lacoste, Guess, Infinity, Mobiado, Tag Heuer, Dior, Shiseido, BMW... đã “sáng đèn”. Ban đầu, nhóm hàng hiệu chỉ xuất hiện ở các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ, giày dép, thể thao..., sau đó là xe hơi, điện thoại di động..., gần đây là nhóm hàng điện tử, điện gia dụng.
Tồn tại song song với các cửa hàng “offline”, gần đây sản phẩm hàng hiệu, chủ yếu là nhóm hàng túi xách, giày dép, mỹ phẩm... còn xuất hiện dưới hình thức nguồn hàng xách tay được bán qua mạng. Theo một nguồn tin chuyên kinh doanh hàng hiệu qua mạng cho biết, chỉ cần người mua đặt hàng, người bán sẵn sàng bán với giá rẻ hơn hàng bán ở các cửa hàng từ 5 – 10% mà vẫn có lãi.
Hàng xách tay “tầm trung” lên ngôi
Khi giá cả thị trường ngày càng leo thang mà cơn khủng hoảng kinh tế vẫn chưa có tín hiệu kết thúc, người dân phải “thắt lưng buộc bụng” hơn. Họ không còn phóng tay chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng, lại càng thêm khó tính hơn với các xa xỉ phẩm mà đặc biệt là mỹ phẩm.
Nắm bắt được tình hình này, các cửa hàng thời trang và nhất là các shop online lập tức chuyển hướng kinh doanh. Thay vì nhập về những dòng mỹ phẩm cao cấp đã rất quen thuộc với người tiêu dùng như: Chanel, Dior, Lancome… , các chủ shop đi săn lùng các nguồn hàng ít người biết đến hơn nhưng giá cả cũng “mềm” hơn nhiều để cải thiện sức tiêu thụ.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, xu hướng kinh doanh mỹ phẩm tầm trung đã dấy lên từ lâu nhưng ở Hà Nội thì các shop kinh doanh kiểu này chưa thực sự nở rộ. Bởi các sản phẩm bình dân nay tuy có mức giá phải chăng, hợp túi tiền nhưng lại khó “đẩy” lên, khó tạo niềm tin ở khách hàng như các thương hiệu đã có tên tuổi.
Hàng xách tay thật giả lẫn lộn
Tình trạng hàng giả trà trộn trong các shop bán đồ xách tay không còn là chuyện hiếm và cơ quan quản lý cũng khó lòng kiểm soát. Phố Nguyễn Sơn (Gia Lâm, Hà Nội) là nơi đặt trụ sở hãng hàng không và các đoàn bay. Đây cũng từng được coi là thiên đường hàng xách tay, với đủ loại hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, EU mang về qua đường hàng không. Nhưng với việc cửa hàng đồ bay thi nhau mọc lên, hàng hóa bán khắp phố, khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi đặt câu hỏi về chất lượng cũng như nguồn gốc. Trong khi đó, bản thân các chủ shop đều than nguồn cung từ tiếp viên, phi công... rất phập phù, hạn chế.
Các cửa hàng xách tay tràn lan trên phố Nguyễn Sơn. Ảnh minh hoạ
Ngoài những cửa hàng bán đồ xách tay mọc lên nhan nhản khắp các phố thì nhiều shop online cũng đua nhau xuất hiện trên các diễn đàn, website rao vặt, mạng xã hội... Trong đó, phổ biến hơn cả là mặt hàng quần áo, giày, nước hoa, đồng hồ... có giá từ 300.000 đồng đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, giá bán giữa các shop cũng rất khác nhau, chênh lệch từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Một số mặt hàng xách tay thường khó phân biệt thật giả như: sữa, mỹ phẩm, túi xách, nước hoa,…Giá của các loại mặt hàng này thường cao hơn so với hàng nhập chính ngạch mặc dù chưa kiểm định được chất lượng, nguồn gốc chính xác như thế nào.
Thẹo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]