PGS TS Phạm Tất Thắng – Chuyên viên nghiên cứu cao cấp Bộ Công thương chỉ ra điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp Trung Quốc. Ông cũng phân tích cụ thể về chính sách giá rẻ khiến hàng Trung Quốc có thời điểm đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và chỉ ra những hạn chế của doanh nghiệp Việt nhằm đề xuất những giải pháp căn cơ hạn chế tình trạng Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ hàng Trung Quốc.
Chiến lược giá rẻ của Trung Quốc
PV: - Trước đây, hàng hóa buôn bán tại chợ Đồng Xuân chủ yếu là hàng Trung Quốc, gần đây theo báo cáo còn khoảng 60-70%. Các hộ tiểu thương tại chợ cho biết sở dĩ như thế vì giá cả, mẫu mã hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh hơn so với các sản phẩm doanh nghiệp trong nước sản xuất. Theo quan điểm của Ông lý do vì sao, chiến lược hàng Trung Quốc giá rẻ cụ thể như thế nào, thưa ông?
PGS. TS. Phạm Tất Thắng: - Vì sao hàng Trung Quốc giá rẻ là một câu hỏi được đặt ra từ lâu và trên phạm vi toàn cầu. Cho đến nay chưa có một câu trả lời thống nhất, nhưng có thể có những nguyên nhân sau.
Thứ nhất, hàng hóa Trung Quốc được sản xuất với khối lượng cực lớn làm chi phí sản xuất trên một đầu sản phẩm nhẹ đi rất nhiều. Thứ hai, hàng hóa được sản xuất bằng những nguyên liệu tái sinh giá rẻ, sử dụng công nghệ đã được nội địa hóa. Thứ ba, tiền công lao động cũng rất rẻ...
Ngoài ra, còn một lý do nữa mà ít người thấy được là Trung Quốc sản xuất ra nhiều cấp độ chất lượng hàng hóa: loại tốt, loại trung bình và loại chất lượng thấp với giá cực rẻ. Người ta lấy lãi của cấp độ này bù cho cấp độ khác, lấy lãi thu ở đầu vụ để bù cho hàng hóa bán ở cuối vụ và trái vụ. Trung Quốc thường xuất khẩu sang Việt Nam hàng hóa giá rẻ trong khi đó xuất khẩu sang một vài thị trường khó tính khác hàng hóa chất lượng cao hơn.
Trong khi đó, thị trường hàng tiêu dùng ở Việt Nam có 3 cấp độ: hàng cấp độ 1 là những mặt hàng có chất lượng rất cao của những thương hiệu lớn từ các nước như Ý, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Trong phân khúc này hàng Việt Nam chưa với tới được.
Cấp độ 2 là những hàng hóa phục vụ cho tầng lớp có thu nhập trung bình khá trở lên. Rất mừng là với chính sách ưu tiên của nhà nước, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho đến nay chúng ta đã có nhiều mặt hàng chiếm lĩnh được phân khúc này. Cụ thể là trong các siêu thị, hàng hóa của Việt Nam đã chiếm số lượng lớn.
Nhưng ở cấp độ 3 là những mặt hàng có chất lượng trung bình, thấp với giá rẻ hoặc cực rẻ để cung cấp cho đại đa số người dân vùng nông thôn rộng lớn và dân nghèo thành thị trong suốt thời gian qua hàng Trung Quốc giá rẻ đã gần như chiếm trọn phân khúc này.
Hàng Trung Quốc giá rẻ vào thị trường nước ta bằng nhiều con đường từ nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch và kể cả nhập lậu. Trong hoàn cảnh đó, chợ Đồng Xuân là chợ bán buôn phát luồng cho các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung, có thời điểm hơn 90% hàng bán buôn tại đây là hàng Trung Quốc để rồi từ đó đi tới hầu hết các chợ quê, các khu phố thương mại, các cửa hàng tiện lợi trong toàn vùng. Cách đây 3 năm người ta cũng đã bàn tới vấn đề làm thế nào để đưa hàng Việt vào chợ Đồng Xuân thay thế cho hàng Trung Quốc. Đáng tiếc là tình hình chưa có gì thay đổi lớn.
Tuy nhiên, gần đây sau việc Trung Quốc gây hấn đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào biển Đông thì người tiêu dùng xuất hiện tâm lý không thích mua hàng Trung Quốc khiến lượng hàng Trung Quốc giảm nhiều so với trước đây. Đặc biệt là những hàng không rõ nguồn gốc hoặc có dư lượng tồn chứa những chất độc hại. Trong số 24 nhóm hàng, ngành hàng đang buôn bán tại chợ Đồng Xuân có những nhóm, hàng Trung Quốc chỉ còn lại 40% - 60% thay vào đó là hàng hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn có những nhóm hàng hiện nay hàng Trung Quốc hầu như vẫn chiếm lĩnh toàn bộ như cặp tóc, dây lưng, ví da, đồ chơi trẻ em, đồ chơi điện tử, đồ khô… Điều này phản ánh một lỗ hổng trong sản xuất của chúng ta.
Để hàng Việt chiếm lĩnh được thị trường có lẽ cần những giải pháp căn cơ hơn kể cả ở khâu sản xuất, chính sách quản lý của Nhà nước, cải thiện mối quan hệ giữa nhà sản xuất và các hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống cũng như tâm lý và thói quen tiêu dùng của người Việt.
Thí dụ, với chức năng của mình các lực lượng quản lý thị trường luôn luôn có nhiệm vụ truy tìm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được buôn bán ở chợ Đồng Xuân. Nếu hàng hóa đó được sản xuất từ các doanh nghiệp thì không có vấn đề gì, nhưng nếu là hàng đi từ các làng nghề, hộ gia đình thủ công… thì việc chứng mình xuất xứ hàng hóa là hết sức khó khăn, thậm chí bất khả thi. Ở đây, cần phải có sự điều chỉnh chính sách để cán bộ quản lý thị trường vừa thực hiện được chức năng của mình vừa tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào chợ.
PV: - Hàng Trung Quốc giá rẻ vào Việt Nam khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh, đằng sau đó liệu có câu chuyện Trung Quốc trợ giá cho các doanh nghiệp và thương nhân Trung Quốc khi xuất khẩu vào Việt Nam không, thưa ông?
PGS. TS. Phạm Tất Thắng: - Trợ giá hay không trợ giá vẫn chỉ là nghi vấn, muốn trả lời câu hỏi này phải có sự điều tra bài bản nhưng chắc chắn Trung Quốc hiện đang thực hiện chính sách phù hợp để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh biên giới của họ, qua đó để phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng biên giới xa xôi.
Ví dụ phân quyền đó cho chính quyền địa phương trong việc xử lý kịp thời hoạt động buôn bán ở cửa khấu, được giữ lại thuế để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa qua cửa khẩu.
Với những chính sách đó đã giúp cho vùng Quảng Tây, Vân Nam rất xa thị trường trung tâm của Trung Quốc, nhưng thông qua buôn bán với thị trường Việt Nam đã có một sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây.
Trung Quốc khi đưa bất kỳ loại hàng hóa nào đó họ đưa hàng kém chất lượng sang Việt Nam đầu tiên. Sau khi bán được và đối với người dân mua chán rồi không mua nữa lập tức Trung Quốc cải tiến chất lượng khá hơn, thay đổi mẫu mã để đưa sang. Thậm chí lúc nào dừng hẳn, lúc đưa sang nhiều, đưa sang ít đều có nhạc trưởng còn Việt Nam thì thiếu nhạc trưởng, riêng chuyện này đã là hỗ trợ cho biên mậu. Hàng hóa của Việt Nam vào lúc họ mở cửa lúc họ kiểm soát cũng nằm trong chiến lược, cách điều hành của họ.
Cũng phải nói rằng với cách quản lý như vậy hàng hóa của Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam bằng nhiều con đường và tất nhiên gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam.
Để khắc phục tình trạng này chúng ta đang áp dụng nhiều biện pháp để chống hàng lậu, hàng giả đồng thời cố gắng tạo ra những hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dư lượng hóa chất độc hại…
Trên thực tế, nhiều mặt hàng chúng ta đang chiếm lại thị trường từ hàng Trung Quốc như: bia, nước ngọt, thực phẩm chế biến, đồ điện dân dụng, đồ gốm xứ và kể cả hàng may mặc sẵn…Tuy nhiên, cũng phải nói rằng chúng ta còn rất ít hiểu biết về thị trường Trung Quốc.
Chẳng hạn, chúng ta không biết gỗ Sưa Trung Quốc mua về để làm gì, mà họ chấp nhận với giá cao như vậy, không biết vải khô họ sẽ đưa đi đâu, tiêu dùng vào việc gì? Trong khi đó, các thương nhân Trung Quốc đã đi vào tận từng vườn vải, ruộng khoai, nương sắn để thu mua hàng. Ngay ở chợ Đồng Xuân đã xuất hiện nhiều thương nhân Trung Quốc đưa từng bao tải hàng để cung cấp cho các hộ kinh doanh tại chợ. Khi họ giao hàng chỉ cần ký nhận vào sổ và chỉ phải thanh toán tiền sau khi đã bán hết hàng. Chúng ta phải học cách làm ăn của họ.
Điểm yếu của doanh nghiệp Việt là...
PV: - So sánh với doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc, theo ông những điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam là gì?
PGS. TS. Phạm Tất Thắng: - Rõ ràng, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước cũng phải thay đổi. Suốt thời gian vừa qua tư tưởng của nhiều doanh nghiệp là làm thế nào có được sản phẩm xuất khẩu mới là oai và quên mất thị trường nội địa.
Gần đây do sự khủng hoảng của thị trường thế giới những doanh nghiệp này mới bắt đầu nhớ ra thị trường nội địa nhưng họ lại lấy mặt hàng không xuất khẩu được để bán cho người Việt Nam. Với cách làm đó, thì không thể chiếm lĩnh được thị trường nội địa. Có thể khẳng định rằng nhiều hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam chưa thật phù hợp với nhu cầu của từng tầng lớp dân cư, đặc biệt là những đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.
Sản phẩm quần áo Việt Tiến, Nhà Bè, May 10 mấy năm gần đây đã có sự cải thiện rất tốt phù hợp với nhu cầu của nam giới, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tinh tế, đa dạng, luôn thay đổi của phụ nữ và trẻ em.
Nếu Việt Nam không vươn lên để đáp ứng những nhu cầu này của người tiêu dùng thì chắc chắn hàng Trung Quốc vẫn có lý do để tồn tại. Đây là điều doanh nghiệp phải thay đổi nhằm làm thế nào có được những hàng hóa phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền khác nhau.
Thêm nữa, muốn đưa hàng Việt vào các chợ truyền thống, cách buôn bán của các nhà kinh doanh sản xuất Việt Nam cũng phải thay đổi. Doanh nghiệp không thể nào bán theo lô, bán số lượng lớn vì bà con buôn bán chợ Đồng Xuân mỗi người chỉ có 4m2 cho cả người ngồi lẫn hàng hóa. Nhịp độ giao hàng giữa cơ sở sản xuất và các hộ kinh doanh cũng phải thay đổi để linh hoạt hơn….
Như trên đã nói, các thương nhân Trung Quốc làm được rất tốt ở chợ Đồng Xuân, trong khi đó các nhà sản xuất Việt Nam lại chưa làm được điều này với chính đồng bào của mình.
PV: - Trung Quốc sản xuất hàng loạt với số lượng lớn làm cho giá thành giảm đi ở mức thấp nhất, các phân khúc khác nhau hỗ trợ cho nhau, tại sao các doanh nghiệp Việt Nam không thể làm tương tự để đưa giá thành về mức thấp hơn, thưa ông?
PGS. TS. Phạm Tất Thắng: - Người ta đã khẳng định không thể cạnh tranh bằng hàng giá rẻ hơn so với hàng Trung Quốc. Nhưng hoàn toàn chúng ta có thể cạnh tranh bằng hàng có chất lượng tốt hơn, an toàn hơn, có nguồn gốc rõ ràng hơn. Như trên đã nói nhiều mặt hàng chúng ta đã lấy lại thị trường bằng cách này.
Nói cụ thể hơn, có thời điểm, bia Vạn Lực của Trung Quốc tràn khắp vùng miền của Việt Nam và hoành hành một thời gian dài nhưng kể từ khi Việt Nam nhập khẩu được công nghệ của Đức, Đan Mạch, Tiệp Khắc để có bia chất lượng cao mặc dù giá cao hơn bia Vạn Lực nhờ đó chúng ta đã chiếm lại thị trường. Đến thời điểm này không một chai bia Vạn Lực nào xuất hiện ở Việt Nam nữa.
Hoặc như đồ gốm sứ, giai đoạn đầu khi mới mở cửa tràn lan khắp nơi hàng xuất xứ Trung Quốc giá rẻ nhưng chóng hỏng và không an toàn. Khi chúng ta thay đổi các mô hình sản xuất và kinh doanh để có được những mặt hàng chất lượng cao như hàng từ làng nghề Bát Tràng, gốm xứ Minh Long… thì người tiêu dùng không lựa chọn hàng Trung Quốc nữa.
Hiện nay trong một số nhóm hàng như: đồ điện tử, đồ chơi trẻ em, dây thắt lưng da, cặp và nẹp tóc, hàng hoa quả khô… cần phải học tập kinh nghiệm thành công của các ngành hàng khác để nâng cao sức cạnh tranh chiếm lại thị trường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]