Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi đi mua máy lạnh trong “mưa” khuyến mại.
Hệ thống siêu thị điện máy, trung tâm thương mại trên khắp cả nước đang đưa ra những chương trình khuyến mại, giảm giá hàng điện lạnh khá hấp dẫn với những cụm từ tạo sự chú ý như “giá sốc”, “chưa từng có”, “ngày khủng, giá giảm sâu”, “bán giá gốc”, “giảm không phanh”…
Để thuyết phục bằng được những vị khách đang còn lưỡng lự chưa quyết định mua hàng, nhiều siêu thị còn đưa ra các khẩu ngữ như: Dùng thử trước khi mua và có thể trả lại nếu cảm thấy không ứng ý; Chính sách hoàn tiền chênh lệch 110%, Mua rồi nếu thấy đắt còn được hoàn tiền chênh lệch; Mua cái gì cũng có, tìm gì cũng thấy, giá thì lúc nào cũng ở top rẻ nhất;...
Tuy nhiên, không ít vị khách tìm đến những điểm khuyến mại khủng này đã thất vọng ra về.
Ông Trần Văn Phổ, ngõ Yên Thế, phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) chia sẻ: “Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua thấy nhiều siêu thị điện máy khuyến mại, tôi đã đến một siêu thị điện máy thuộc quận Cầu Giấy tìm mua điều hòa với hy vọng là được mua rẻ. Nhưng suốt hơn 1 tiếng đồng hồ kiên trì tìm hiểu thì thất vọng ra về. Điều hòa khuyến mại sâu thường lỗi mốt, tiêu tốn điện năng, giá bán thì không khác gì so với cách đó 1 tháng tôi đã khảo sát, thậm chí có nhiều mặt hàng đã tăng giá. Tất nhiên là có kèm thêm quà tặng nhưng món quà đó giá trị chỉ trên dưới 100.000 - 300.000 đồng”.
Ông Phổ cho biết sau đó đã quyết định mua điều hòa Electrolux giá 6,7 triệu đồng/chiếc ở một cửa hàng điện máy gần nhà. Giá này rẻ hơn điểm khuyến mại khủng của siêu thị điện máy nói trên tới 200.000 đồng.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về việc tăng giá một số mặt hàng điện lạnh so với cách đây 1 tháng trong khi đang có chương trình khuyến mại, chị Vũ Thị Nhung, quản lý cửa hàng điện lạnh ở phố Tôn Thất Tùng (Hà Nội) nói: “Cả năm có mùa hè là mùa “làm ăn” của hàng điện lạnh nên giá cả hầu hết đã tăng. Hơn nữa, giá đầu vào đã tăng, nên buộc phải tăng giá sản phẩm”. Cũng theo chị Nhung thì từ cuối năm 2013 đến nay, giá các mặt hàng điện lạnh đã tăng đáng kể như tủ lạnh đã tăng từ 7 – 10%, điều hòa tăng 15 – 20%. Các siêu thị cứ nói khuyến mại công lắp đặt, chi phí vận chuyển, 3m dây đồng… nhưng thực chất những cái đó là việc đương nhiên nhà phân phối phải làm(?).
Thực tế khảo sát tại một số siêu thị điện máy trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi thấy vẫn là những chiêu trò câu khách cũ được các nhà phân phối đem ra làm mồi nhử khách hàng. Thực chất, những mặt hàng điện lạnh có mức giá khuyến mại sâu, khuyến mại khủng đều là các mặt hàng bán ế, model cũ, tiêu hao điện năng lớn. Còn những mặt hàng người dân thực sự có nhu cầu vào thời điểm này, giá không hề rẻ.
Cụ thể, hầu hết điều hòa nhiệt độ đều có giá 6 triệu đồng trở lên, phổ biến là các model 7 – 9 triệu đồng/chiếc. Ngay cả điều hòa nhiệt độ 1 chiều cũng rất hiếm model có giá 4 – 5 triệu đồng/chiếc. Trong khi vào năm 2013 có khá nhiều loại điều hòa 1 chiều có giá dưới 6 triệu như Electrolux, Nagakawa, National, GL, Missusita…
Tương tự, ngay cả tủ lạnh, quạt công nghiệp, tivi vốn là những mặt hàng tiêu thụ chậm, giá cũng không hề rẻ. Các tivi model cũ 32inch vẫn có giá dao động từ 5,5- trên 6 triệu đồng/chiếc.
Của rẻ vẫn là…của ôi?
Ông Nguyễn Văn Trường, Công ty TNHH sửa chữa điện lạnh Gia Thịnh, Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội) cho biết: “Khi đi mua đồ điện lạnh khách hàng rất hay mâu thuẫn ở điểm so đo, tính toán. Chẳng hạn, khi mua một chiếc máy lạnh với giá 10 triệu đồng nhưng cũng với số tiền đó, cũng những tính năng đó, nếu như có thêm một chút quảng cáo, khuyến mãi, chắc chắn sự cân nhắc của khách sẽ giảm đi đáng kể. Tiết kiệm là một đức tính tốt nhưng cũng vì thế mà rất nhiều nhà cung cấp đã lợi dụng điều này nhằm thanh lý tất cả mặt hàng máy lạnh chất lượng thấp của mình với giá rất cao”.
Cũng theo ông Trường, khi mua một chiếc máy lạnh mà điều khoản kèm theo của nó là: lắp đặt miễn phí, bảo hành trọn đời… thì mấy ai để ý đến xuất xứ cũng như tính năng thật sự của nó? Đã có rất nhiều trường hợp mua máy lạnh xuất xứ từ Thái Lan nhưng khi mở ra thì lại là hàng Trung Quốc, hoặc như mua máy cả chục triệu chỉ dùng vài tháng đã phải gọi dịch vụ sửa chữa. Điều này là do khách quá tin và bị thu hút bởi những chiêu trò quảng cáo. Để không bị lừa, khi mua máy lạnh khách hàng cần xem kĩ tính năng, hãng sản xuất, nguồn gốc sau đó mới quan tâm đến khuyến mại.
Trước đây, người tiêu dùng vẫn phát hiện được những mặt hàng đã khuyến mại nhưng vẫn đắt hơn bình thường thì hiện nay, các siêu thị, cửa hàng điện máy đã cẩn trọng hơn khi niêm yết giá để không xảy ra “rủi ro” giá cao hơn cả không khuyến mại. Tuy nhiên, mức khuyến mại được hưởng thực tế rất nhỏ nên người tiêu dùng nên cẩn trọng so sánh chất lượng điều hòa, tủ lạnh… khuyến mại với những moderm được ưa chuộng, chất lượng tốt để có lựa chọn sáng suốt nhất, tránh mua phải hàng tồn kho, tiêu thụ chậm hoặc hàng lỗi “mốt”, lỗi công nghệ.
Theo Giadinh
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]