Thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam ngày càng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể mua được mặt hàng mình thích với giá cả phải chăng. Hàng loạt các “trò lừa tinh vi” từ những website bán hàng online đã ra đời nhằm móc túi người tiêu dùng.
Xả hàng "Made in Việt Nam" giá rẻ
Dạo quanh một số chợ chuyên bán quần áo như chợ Ninh Hiệp, chợ Nhà Xanh, chợ thực phẩm Dịch Vọng Hậu… không khó để bắt gặp những dòng chữ xả hàng giá rẻ, hoặc xả hàng Việt Nam Việt Nam xuất khẩu.
Trên mạng Internet, người mua chỉ cần gõ tìm kiếm "hàng Việt Nam" là hiện ra hàng loạt kết quả. Những dòng chữ giảm giá, giá rẻ đó hiển nhiên nắm trúng tâm lí người mua, bởi ai mà chẳng ham của rẻ nhưng tốt.
Nhiều điểm xả hàng có thể mác Việt Nam nhưng xuất xứ Trung Quốc.
Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, người tiêu dùng chuyển sang ưa chuộng hàng Việt Nam hơn. Tuy nhiên đôi khi mua hàng về thì lại là “Made in China”.
Không "ưa" quần áo Trung Quốc, từ lâu, chị Mộc Miên, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, đã chuyển sang dùng hàng Việt Nam, thường là hàng Việt Nam xuất khẩu của các hãng như Mango, Zara, Forever 21...
Tuy nhiên, gần đây chị phát hiện nhiều chiếc áo, váy mua về nhà có hiện tượng mác gắn ở cổ áo bị cắt một nửa. Lật tìm trong thân áo chị mới bất ngờ phát hiện có dòng chữ “Made in China” in chìm trên mác. Quần áo đã mặc rồi nên chị chỉ “ngậm bồ hòn làm ngọt,” biết để tránh cửa hàng đó ra và rút ra được kinh nghiệm mua hàng cho bản thân.
Bên cạnh trường hợp không biết thì nhiều bạn sinh viên đi học dù biết có thể đó là hàng Trung Quốc nhưng thấy đẹp thì mua.
Bạn Thanh Huyền, sinh viên năm cuối chia sẻ: “Mình thường mua hàng online, nhất là quần áo. Đôi khi mình cũng thắc mắc sao quần áo rẻ quá, nhưng thấy đẹp thì mua với lại mác có gắn Made in Việt Nam là thấy yên tâm rồi”.
Hệ thống chợ nội dung số Mmoney.vn
Website “Chợ nội dung số mmoney.vn” đã bị “lật tẩy” hành vi chiếm đoạt tiền trong tài khoản điện thoại của 800.000 người dùng di động. Theo đó, khi thuê bao kích hoạt vào các đường link tải ứng dụng, kể cả các hình sex, phim sex, ghi rõ là “miễn phí” trên trang, các đầu số này sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản của thuê bao di động rồi chuyển đến tài khoản của Công ty IMMC, mà chủ điện thoại không hề hay biết.
Ngoài ra, chủ website còn mở rộng mạng lưới “lừa đảo” bằng cách phát tán ứng dụng trên trang facebook có tên “Mmoney.vn – Dịch vụ kiếm tiền online hàng đầu Việt Nam”, trong đó quảng cáo tỷ lệ chia sẻ “hợp tác – làm giàu” cho các thành viên lên tới 85%. Vì thế, tuy chưa đầy một năm kể từ khi website “Chợ nội dung số mmoney.vn” hoạt động, đã có trên 2.400 thành viên tham gia. Các thành viên này đã phát tán rộng rãi các ứng dụng vi phạm và đã khiến trên 800.000 thuê bao di động “mắc bẫy”, với tổng số tiền bị “móc túi” khoảng trên dưới 9 tỷ đồng.
Hàng trăm người mắc lừa Website Iphone giá rẻ
Đầu tháng 4/2014, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự Kinh tế và Chức vụ, PC46 Công an TP HCM, đã bắt ba đối tượng để điều tra về hành vi Sử dụng mạng Internet thực hiện chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, vì ham mua hàng giá rẻ nên hàng trăm người đã bị một website bán hàng điện tử lừa đảo. Trang này đăng tin bán toàn hàng chính hãng mới 100%, trong đợt tri ân khách hàng, website giảm giá toàn bộ mặt hàng chỉ bằng giá 60% thị trường.
Trong đó, bà Thanh ở quận Gò Vấp, tin lời quảng cáo nên đã liên hệ đặt mua 2 iPhone 5 và một máy ảnh với giá 25,8 triệu đồng. Bà được hướng dẫn chuyển tiền vào một tài khoản và sau 48 giờ sẽ nhận được hàng. Tuy nhiên sau đó bà Thanh chỉ nhận được 2 máy tính bảng đồ chơi cũ của Trung Quốc. Nhóm đối tượng sử dụng internet để lừa đảo đã móc túi người tiêu dùng được khoảng 700 triệu đồng.
Liệu rằng người tiêu dùng đã thật sự hiểu quyền và trách nhiệm của mình?
Tuy đã bước sang năm thứ 3 sau khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng đi vào cuộc sống nhưng dường như người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, hoặc những người hiểu thì tâm lý e ngại vẫn đè nặng trở thành rào cản để họ thực thi những quyền lợi được hưởng.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo: “Không lên tiếng khi quyền lợi bị xâm phạm, người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị người kinh doanh móc túi.”
Các cơ quan chức năng đã có những biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên khâu kiểm soát, quản lí còn gặp nhiều khó khăn do lượng hàng hóa vào Việt Nam ngày càng nhiều về mẫu mã, xuất xứ. Bởi vậy, người tiêu dùng hãy thật tỉnh táo cảnh giác trước những chiêu trò quảng cáo từ những người sử dụng hệ thống internet để bán hàng, tránh xảy ra trường hợp bị lừa mà không hay biết như những minh chứng đã nêu trên.
Theo Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]