Khách chọn mua hàng. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Lý giải vấn đề này, Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, thị trường cuối năm có nhiều yếu tố tích cực giúp giá cả hàng hóa ổn định. Đó là, nguồn cung hàng hóa về cơ bản được đảm bảo, người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu khi thu nhập còn eo hẹp, chương trình bình ổn giá cả thị trường đang được tiếp tục triển khai.
Riêng đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, cụ thể với nhóm hàng lương thực, hiện nhu cầu xuất khẩu gạo đang tăng lên, trong khi đó lượng gạo còn lại từ vụ hè thu không nhiều, vì vậy giá gạo có thể tăng lên trong thời gian tới. Nhưng với nhóm hàng thực phẩm, hiện tại nguồn cung thịt gia súc, gia cầm vẫn đủ cung cấp cho nhu cầu của người dân, dự báo giá cả ổn định trong tháng cuối năm. Nhóm hàng rau củ trong thời gian tới vào đợt trồng và thu hoạch rau vụ đông, nguồn cung rau tăng lên, giá cả ổn định.
Tuy vậy, Sở này cũng cho rằng, thời tiết diễn biến phức tạp, việc thu mua, tạm trữ hàng hóa chuẩn bị cho nhu cầu Tết âm lịch bắt đầu tăng, cung tiền ra thị trường qua các kênh chi tiêu, các dòng vốn của xã hội và Nhà nước tăng... sẽ là các yếu tố có thể tác động làm giá cả tăng, do vậy cần chủ động thực hiện các giải pháp bình ổn giá.
Để bình ổn giá cả thị trường cuối năm 2013 và Tết nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Sở Công Thương Hà Nội chủ động nắm bắt tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên cơ sở đó cân đối cung cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đơn vị này phối hợp cùng các ngành, các cấp và chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn chủ động duy trì nguồn hàng, có biện pháp khai thác, dự trữ đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu người tiêu dùng.
Chương trình bình ổn giá mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội, chương trình đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, kế hoạch tổ chức đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục được triển khai. Dự kiến trong tháng 12, các doanh nghiệp tổ chức khoảng 30 chuyến bán hàng lưu động trên địa bàn thành phố và 9 phiên chợ Việt.
Hoạt động liên kết vùng giữa ngành công thương Hà Nội với các tỉnh, thành phố sẽ đẩy mạnh, trong đó tập trung liên kết cung ứng hàng hóa hai chiều, góp phần cân đối cung - cầu trên địa bàn thành phố.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội tập trung chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,26% so tháng trước, tăng 6,67% so với tháng 12/2012 và tăng 6,94% so với cùng kỳ năm trước. Hiện giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống ổn định, rau xanh giảm nhẹ./.
Theo Đinh Thị Thuận - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]