Trứng gia cầm là một trong những mặt hàng đang có mức giá cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: M.H
Giá hàng tiêu dùng “án binh bất động”
Khảo sát của PV Báo GĐ&XH tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, giá thực phẩm vốn dĩ được coi là “rất nhạy cảm” với giá xăng trong những đợt tăng giá thì đến thời điểm hiện tại vẫn đứng ngoài cuộc giảm giá. Chưa kể, nhiều mặt hàng tiêu dùng phổ thông như trứng gia cầm đang có mức giá cao nhất từ trước đến nay: trứng vịt 40.000 đồng/chục, trứng gà ta 35.000- 40.000 đồng/chục. Giá thịt lợn trước đó đã tăng thêm từ 5.000- 10.000 đồng/kg nay vẫn giữ nguyên giá. Cụ thể: Thịt thăn vẫn 90.000 đồng/kg, thịt sấn 80.000- 85.000 đồng/kg tùy loại, thịt gà ta vẫn ngất ngưởng 140.000 đồng/kg, thịt bò “trên đỉnh” 250.000 đồng/kg….
Chị Mai Thị Liên, chủ đại lý bánh kẹo Bích Liên (phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) chia sẻ: “Các mặt hàng rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo không giảm giá. Một số ít mặt hàng cách đây khoảng chục ngày đã điều chỉnh tăng giá vẫn giữ nguyên. Theo quy luật hằng năm thì vào dịp này rất hiếm khi giảm giá, chỉ đứng im ổn định ở mức giá đó rồi có cơ hội lại điều chỉnh tăng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số mặt hàng nông sản còn có xu hướng tăng giá, đặc biệt là rau xanh. Tiểu thương các chợ đẩy giá rau lên với lý do “mưa nhiều rau bị hư hỏng, khan hiếm”(?!). Trong khi đó, những người trực tiếp làm ra nông sản lại cho hay, mặt hàng này đã giảm giá khá mạnh. “Ngay sau khi giá xăng giảm chúng tôi đã bị ép giảm giá xuống mức từ 500 đến 1.000 đồng/kg đối với các loại rau xanh như rau muống, rau cải các loại, rau ngót, rau khoai, mồng tơi...”, ông Vũ Văn Hoàng, xã viên Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Yên Viên, Hà Nội chia sẻ.
Không chỉ ở thị trường tự do mà hàng hóa trong siêu thị cũng không có biểu hiện giảm giá. Đại diện của siêu thị HC (Hà Nội) cho biết, nhóm hàng gia dụng cách đây khoảng một tháng từng điều chỉnh tăng giá do chi phí vận tải tăng bây giờ vẫn cố thủ giá đó. Tại siêu thị này có nhiều mặt hàng gia dụng giảm giá là do “chạy chương trình khuyến mại” như lời của người đại diện. Tương tự, tại Hệ thống Siêu thị BigC cũng đang có hơn 1.000 sản phẩm giảm giá song đây là giảm giá trong chương trình khuyến mại của siêu thị chứ không phải giảm giá lâu bền từ phía nhà sản xuất.
Cần độ trễ hay cố thủ?
Ông Nghiêm Chí Mỳ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội Hà Nội cho rằng, giá tại siêu thị cần có độ trễ, nhất là hàng hóa trong hệ thống đã nhập về số lượng lớn, trong khi sức mua vẫn yếu thì khó có thể giảm giá ngay. Tương tự như vậy, nhà sản xuất cũng phải nhập nguyên liệu từ trước đó để sản xuất nên muốn giảm giá cũng cần thời gian cho nhà sản xuất thông báo với đơn vị phân phối, chờ nhập lô hàng mới. Việc liên tục giảm giá xăng ở thời điểm hiện tại dù sao cũng là tín hiệu vui cho thị trường, vì đã gần bước vào cao điểm của những tháng cuối năm, nhiều mặt hàng theo thông lệ vẫn điều chỉnh tăng giá.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì cho rằng, người tiêu dùng đã bị “tổn thương” trong những lần điều chỉnh tăng giá xăng là họ bị “móc túi” nên khi giá xăng giảm là muốn đòi lại quyền lợi. Tuy nhiên, đây là thực tế lỗi thời, bây giờ không còn phổ biến nữa. Việc “té nước theo mưa” lên giá theo xăng bây giờ chỉ diễn ra đối với những tiểu thương buôn bán chụp giật ngoài thị trường tự do. Còn bán hàng trong hệ thống mỗi khi điều chỉnh giá lên xuống đều được các doanh nghiệp cân nhắc rất kỹ vì sức mua vẫn yếu.
“Theo tôi, giá cả hàng hóa phải theo cung cầu của thị trường. Không thể trách taxi không giảm giá vì họ cũng từng có bài học là sau cả tháng ròng rã kẹp chì chỉnh lại cước đồng hồ, vừa áp dụng giảm giá thì giá xăng lại tăng. Vì vậy, không thể bắt ép họ điều chỉnh giá lên xuống theo xăng mà xây dựng giá có tầm nhìn chiến thuật, đảm bảo có lợi khi xăng tăng, người tiêu dùng cũng không quá thiệt khi xăng giảm trong mức độ nào đó”, ông Phú phân tích.
Việc điều hành giá cả cũng được các chuyên gia đề cập đến trong vấn đề này, đó là hiện nay ngay cả một số mặt hàng Nhà nước quản lí về giá nhưng cũng rất khó quản lí thế nên những mặt hàng nằm ngoài thị trường lại càng khó quản. Với giá xăng thì cần phá thế gần như độc quyền của Petrolimex với 50% thị phần, có thể mở rộng sân chơi cho doanh nghiệp khác vào cho cạnh tranh.
Dẫu nói cách nào thì khi mà giá xăng giảm 4 lần liên tiếp song giá các hàng hóa từng “vin” vào giá xăng để tăng nhưng bây giờ vẫn “bình chân như vại” là điều không bình thường. Đây rõ ràng là một sự thiếu sòng phẳng với người tiêu dùng bởi không ít lần giá xăng tăng, người tiêu dùng đã bị “thủng” hầu bao, vậy mà khi xăng giảm họ vẫn phải è cổ mua hàng giá cao.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]