Sau hơn 1 tuần giảm giá xăng, với mức giảm hơn 1 nghìn đồng/lít, giá cả hàng thực phẩm vẫn “bất động”, thậm chí một số mặt hàng đã tăng giá đáng kể do nguồn cung khan hiếm.
Theo khảo sát của phóng viên, tại một số chợ lớn ở Hà Nội như Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Ngọc Hà, chợ Hôm, Long Biên, giá thực phẩm sau 1 tuần giảm giá xăng không hề giảm.
Cụ thể, giá gà ta từ 130 nghìn đến 140 nghìn đồng/kg, thịt nạc vai, nạc mông giá từ 90 đến 100 nghìn đồng/kg, sườn thăn 110 nghìn đồng/kg…
Chị Nguyễn Thị Quy, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hôm cho biết, để giữ khách, chị phải giữ nguyên giá bán ra, mặc dù giá thịt lợn hơi mua vào đã tăng lên đáng kể, tuy nhiên do nguồn cung đang bị giảm, nên giá thịt lợn sắp tới có thể tăng lên: "Giá bán ra vẫn giữ ổn định chưa tăng. Nhưng giá nhập vào đã tăng lên mấy giá rồi mà chợ vẫn ế”.
Theo chị Lê Thị Nụ, chủ cửa hàng hải sản tươi sống tại chợ Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, mùa này có ít loại hải sản và giá cũng cao hơn; tôm sú có giá từ 300 nghìn đến 350 nghìn đồng/kg, cá diêu hồng từ 75 đến 80 nghìn đồng/kg… tuy vậy, người mua không nhiều, tình hình buôn bán của các chợ khá ế ẩm.
Trong khi giá thực phẩm tươi sống vẫn tạm bình ổn, thì giá rau xanh đã kịp tăng nhanh. Nguyên nhân được các tiểu thương đưa ra là do mưa lớn thời gian qua gây úng ngập rồi nắng to làm hỏng rau nhiều, nhất là các loại rau gia vị. Bà Đỗ Ánh Tuyết, ở quận Hai Bà Trưng cho biết: "Các hàng tôm, cá hay đồ tươi sống tôi thấy giá cả vẫn bình ổn. Có mỗi rau, củ, quả là tôi thấy đắt vọt hẳn lên, gấp đôi luôn.
Lý do là mưa đợt vừa rồi làm ngập và thối hết. Mỗi ngày một giá luôn. Cà chua tuần trước tôi mua 10 nghìn/kg thì giờ là 20 nghìn/kg. Rau cải thì trước 2 nghìn/mớ thì giờ cũng phải 5 nghìn. Giá đắt vọt hẳn lên thế cơ.”
Bà Trần Thanh Hà, quận Đống Đa cho biết, mặc dù xăng giảm giá hơn 1 tuần nay, với mức giảm khá đáng kể nhưng bà đã phải mua thực phẩm đắt lên: "Xăng tăng thì giá thực phẩm tăng ngay, còn giảm đâu thì giá vẫn chững lắm, chẳng thấy giảm. Hôm nay tôi vừa mua thịt rọi mà họ kêu giá tăng lên 90 nghìn/kg. Cá với tôm cũng đắt hơn. Rau, củ thì tôi thấy tăng rõ. Hôm trước tôi mua bí xanh có 12 nghìn mà hôm nay phải mua 15 nghìn rồi. Rau mùi, rau gia vị thì đắt kinh khủng”.
Trong khi giá cả thực phẩm thiết yếu tại các chợ truyền thống có xu hướng tăng và tiêu thụ chậm, thì tại các siêu thị lớn như Big C, Fivimart, Vinmart, lại nở rộ các chương trình khuyến mại, giảm giá, nhất là vào thời điểm cuối ngày hoặc cuối tuần.
Các sản phẩm như sữa, dầu ăn, thực phẩm chế biến… giảm giá từ 5% đến 10% so với giá trên bao bì. Thịt gà phần đùi có giá 60 nghìn đến 70 nghìn đồng/kg. Thịt bò có giá 150 nghìn đến 200 nghìn đồng/kg tùy loại… Nhất là các sản phẩm dầu ăn, nước mắm hoặc sữa đều có sản phẩm khuyến mại kèm thêm khi mua chai hoặc lốc lớn. Nguyên nhân theo các hệ thống siêu thị là do sức mua giảm chung.
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc công chúng của Hệ thống siêu thị Big C cho biết: "Tuy trong thời gian qua, giá xăng đã tăng và giảm nhiều lần, nhưng theo tính toán của chúng tôi, mức giảm trung bình đến thời điểm này chỉ khoảng trên dưới 500 đồng.
Vì vậy, giá các mặt hàng thiết yếu tại hệ thống siêu thị Big C vẫn được giữ ổn định. Hiện cũng chưa có nhà cung cấp nào có thông tin điều chỉnh giá. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng điều chỉnh giá làm sao bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng.”
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với mức giảm giá của xăng dầu thời gian qua, thì giá hàng hóa phải giảm 5-7% mới phù hợp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vận tải hiện vẫn chưa điều chỉnh giá, với lý do giá xăng tăng, giảm thất thường, doanh nghiệp thay đổi theo gây tốn kém.
Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thì lại lấy lý do doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước nên không thể giảm giá hàng hóa. Cuối cùng vẫn chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt thòi.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]