Rẻ không vui
Theo báo cáo của nhiều bệnh viện (BV), năm 2013, giá thuốc trúng thầu đã giảm từ 30-40%. Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến lo ngại về việc, nếu Thông tư 01 quy định thuốc nào rẻ nhất sẽ trúng thầu (chỉ cần có điểm chất lượng trên 70) thì thuốc kém chất lượng sẽ tràn vào BV.
Giám đốc một BV đa khoa tỉnh miền núi phía Bắc chia sẻ: Từ tháng 7.2013, BV sử dụng thuốc được đấu thầu theo Thông tư 01. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều bác sĩ đã phàn nàn về chất lượng thuốc khiến cho chất lượng điều trị bị giảm sút. Có kháng sinh ngoại mà bác sĩ dùng cả tuần bệnh vẫn không thuyên giảm. BV phải hội chẩn để chuyển tuyến cho bệnh nhân vì thuốc chất lượng tốt hơn không thuộc danh mục BHYT chi trả ở tuyến huyện.
Thời gian tới, Thông tư 01 sửa đổi sẽ khắc phục “điểm yếu” về chất lượng thuốc.
Hiện danh mục thuốc BHYT được phân theo hạng BV, có nhiều loại thuốc biệt dược, đặc trị có nguồn gốc châu Âu chỉ tuyến tỉnh, thậm chí T.Ư mới có, vì thế, nhiều BV “thấp cổ bé họng” ở tuyến dưới phàn nàn mình chỉ được thuốc nội, thuốc rẻ, có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Banglades… chất lượng cũng kém hơn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM quan ngại, nếu chúng ta chỉ có chính sách đấu giá thì trên thực tế có nhiều trường hợp thuốc rẻ kém chất lượng sẽ trúng thầu. Bà Lan phân tích, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến giá cả mà giảm thiểu tối đa các chi tiết khác (dây chuyền nhà máy, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, chất lượng kỹ thuật, đặc biệt là phải được các bác sĩ tín nhiệm thông qua kinh nghiệm điều trị) thì sẽ khó có được thuốc có chất lượng. Mà một loại thuốc vượt trội về các yếu tố thì không thể có giá thành thấp nhất được.
Ưu tiên chất lượng và thuốc nội
Nhận thấy sự bất cập của Thông tư 01, hiện nay, Bộ Y tế cũng đang tham khảo các ý kiến để sửa đổi và bổ sung một số điều mới. Dự kiến Thông tư 01 sửa đổi sẽ được ban hành vào đầu năm 2014.
Một bác sĩ chia sẻ: “Nếu cân nhắc giữa thuốc kháng sinh 9.000 đồng/lọ nhưng điều trị 5 ngày chưa khỏi với thuốc khác giá 44.000 đồng/lọ nhưng chỉ điều trị 1-2 ngày là khỏi thì chi phí kinh tế của thuốc rẻ chẳng cao hơn. Chưa kể ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân, quá tải bệnh viện”.
Tại hội nghị giao ban công tác dược cuối tuần qua, ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), theo dự thảo Thông tư 01 sửa đổi, gói thầu thuốc theo tên generic (thuốc theo tên hoạt chất) được phân làm 5 nhóm, trong đó nhóm 1 trước đây gồm các thuốc sản xuất tại các nước tham gia EMA (cơ quan quản lý dược châu Âu), hoặc ICH (các nước có nền công nghiệp dược phát triển) hoặc PIC/s (hệ thống hợp tác về thanh tra dược phẩm) thì nay được tách biệt thành 2 nhóm.
Theo ông Cường, Cục Quản lý dược sẽ công bố danh sách các nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP - WHO và PIC/s - GMP để làm cơ sở cho việc phân chia gói thầu. Đồng thời sẽ tiếp tục cập nhật bổ sung danh mục thuốc biệt dược, thuốc có tương đương sinh học, danh mục thuốc vi phạm chất lượng... chấm điểm nhóm thuốc dự thầu.
Như vậy, các tiêu chí cụ thể trong Thông tư 01 sửa đổi mới đây sẽ khắc phục được tiêu chí “đánh đồng” như hiện nay, tránh được tình trạng các thuốc có cùng hoạt chất, cùng hàm lượng nhưng thuốc sản xuất của các quốc gia có nền công nghiệp dược kém phát triển, chất lượng thấp hơn thì trúng thầu vì giá rẻ.
Cũng theo ông Cường, với dự thảo đấu thầu thuốc sửa đổi, thuốc nội sẽ có cơ hội trúng thầu nhiều hơn. Vì trong dự thảo này thuốc nội có quyền tham dự đấu thầu ít nhất 2 nhóm (nhóm 3 và 5) nếu thuốc nội còn có chất lượng tốt được lưu hành tại ICH và có đánh giá tương sinh học sẽ được tham gia dự thầu ở cả 5 nhóm thuốc.
Theo tinmoi.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]