PGS TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, việc Bộ Công Thương phê duyệt thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm là bước tiến tiếp theo trong việc thực hiện thị trường điện cạnh tranh theo phê duyệt trước đó của Thủ tướng. Theo đó, đến hết năm 2015, sẽ phải chuyển sang giai đoạn cấp độ hai của thị trường là bán buôn điện cạnh tranh.
Điểm mới quan trọng trong thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh là việc 5 tổng công ty điện lực (đang trực thuộc EVN) và một số khách hàng sử dụng điện lớn sẽ được phép mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện (song song với việc mua qua Cty Mua bán điện duy nhất đang thuộc EVN). Đây là quyết định rất có ý nghĩa đối với thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa có thể sẽ xuất hiện những công ty mua bán buôn điện khác trên thị trường.
“Các khách hàng sử dụng điện lớn có thể mua trực tiếp từ các nhà máy điện của các đơn vị khác ngoài EVN như dầu khí, than khoáng sản. Mức độ cạnh tranh trên thị trường như vậy được mở rộng rất nhiều. Trong tương lai, giá điện dần minh bạch hơn. Đây là bước xóa bỏ dần vai trò độc quyền, giảm ảnh hưởng của EVN trong các khâu”, ông Long cho biết.
Dù vậy, một chuyên gia am hiểu về thị trường điện cho rằng vẫn cần có sự điều chỉnh để thị trường bán buôn điện cạnh tranh sát với thực tế, vận hành theo đúng nghĩa cạnh tranh, cần nâng tỷ lệ các nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh (hiện ở mức 50%-60% số lượng nhà máy trên thị trường).
“Nhìn ở mặt tích cực, các công ty phân phối sẽ được hạch toán độc lập trong sản xuất kinh doanh; vai trò độc quyền của EVN sẽ dần được xóa bỏ. Người mua điện sẽ được lựa chọn mua điện của các đơn vị khác nhau, không bị phụ thuộc theo khu vực, vùng miền như hiện nay. Do có sự cạnh tranh trong việc mua buôn nên các đơn vị tham gia sẽ tiết kiệm được chi phí kinh doanh của mình. Từ đó dẫn đến giá điện có thể sẽ rẻ hơn. Nhưng để giá điện rẻ hơn phải chờ đến sau năm 2020, khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đi vào vận hành”, vị chuyên gia phân tích.
Theo quyết định của Bộ Công Thương, các đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện có công suất trên 30 MW sẽ trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Các nhà máy điện được đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) tham gia thị trường bán buôn điện theo các hình thức như: Trực tiếp tham gia thị trường hoặc tham gia thị trường thông qua đơn vị chào giá thay vì thuộc EVN.
Tại hội thảo về xây dựng thể chế cho thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam tổ chức ngày 1/7 vừa qua, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng: Để thị trường điện cạnh tranh vận hành hoàn hảo, trước mắt cần tách cơ quan điều tiết điện lực ra thành đơn vị độc lập để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Cùng đó, cần tách Tổng Cty Truyền tải thành một đơn vị do nhà nước quản lý, với mức giá (truyền tải) được tính như áp dụng cho một đơn vị công ích.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]