Ảnh minh họa
Chiều ngày 27/12, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội năm 2014. Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2014 ước tăng 5,98% so với năm 2013; cao hơn con số dự báo 5,8% trước đó. Trong đó, quý I tăng 5,06%, quý II tăng 5,34%, quý III tăng 6,07% và quý IV tăng 6,96%.
Ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh: “Mức tăng trưởng năm nay cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013, cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế”.
Trong mức tăng 5,98% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013, đóng góp 0,61 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,14%, cao hơn nhiều mức tăng 5,43% của năm trước, đóng góp 2,75 điểm phần trăm, khu vực dịch vụ tăng 5,96%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,12%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,50%; khu vực dịch vụ chiếm 34,38%. Trong khi đó, cơ cấu tương ứng của năm 2013 là: 18,38%; 38,31% và 43,31%.
Tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng, nếu tiếp tục đà giảm như hiện nay thì sang năm 2015, giá dầu thô thế giới có khả năng giảm xuống mức 40USD/thùng. Nếu như kịch bản này xảy ra thì liệu nó có ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam năm tới không? Và kế hoạch tăng trưởng để đối phó với tình huống này như thế nào?
Giải đáp thắc mắc về vấn đề này, ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) khẳng định, việc tính toán tăng trưởng GDP căn cứ vào giá so sánh. Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng giá so sánh của năm 2010. Do vậy, nếu sản lượng dầu và khí khai thác vẫn tăng thì tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thiết yếu hiện hành và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, GDP năm nay cao hơn so với dự kiến ban đầu, chủ yếu tăng trưởng mạnh vào 2 quý cuối năm. Liệu sự cố trên biển Đông vào tháng 5 năm 2014 có ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam hay không?
Theo ông Tuyến, tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2014 của Tổng cục Thống kê trước đó, ông đã khẳng định “Mặc dù biến động biển Đông nhưng nếu tình hình có nhiều cải thiện, có nhiều giải pháp của Thủ tướng Chính phủ và các cấp, ngành thì khả năng đạt mức tăng trưởng 5,8% là hoàn toàn có thể”.
Và đúng như dự kiến, sau 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra. Trong 6 tháng cuối năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá so với 6 tháng đầu năm; ngành khai khoáng cũng tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm …
Về câu hỏi tại sao GDP của Việt Nam quý sau lại cao hơn quý trước, ông Tuyến giải thích, trước hết là do công tác kế hoạch của Việt Nam còn chậm. Công tác kế hoạch đi kèm với công tác phân bổ nguồn lực về vốn, lao động.
“Đối với việc tính toán GDP của Việt Nam, hiện nay chúng tôi chưa được điều chỉnh theo mùa vụ. Cho nên sẽ xảy ra tình trạng tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Khi điều chỉnh theo mùa vụ sẽ có sự thay đổi”, ông Tuyến cho biết.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]