Giá xăng cao khiến giá hàng hóa tăng theo. Ảnh: M.H
Nhiều mặt hàng giá tăng nhẹ theo xăng
Ngoài một số ít mặt hàng vẫn giữ giá như rau xanh, đồ khô, đa số hàng rau củ đã được điều chỉnh giá tăng nhẹ. Đang có mức tăng giá nhiều nhất là các loại củ, quả nhập về các chợ đầu mối qua tuyến đường dài từ Đà Lạt, từ miền Nam ra. Cụ thể, cà chua Đà Lạt đang có mức tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg (23.000 - 25.000 đồng/kg); khoai tây, khoai lang tím cùng tăng thêm 5.000 đồng/kg (25.000 đồng/kg)… Các loại đặc sản vùng miền như vú sữa, măng cụt, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc… đồng loạt tăng từ 7.000 - 12.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ vận tải như xe ôm, xe taxi, xe khách hay các dịch vụ thuê xe cũng đang khiến người dân lo lắng vì đây là những dịch vụ “nhạy cảm” khi tăng giá xăng dầu. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM cho hay, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và hành khách chưa có động thái điều chỉnh giá cước, nhưng nếu giá xăng vẫn duy trì ở mức cao và kéo dài thì chắc chắn cũng phải tính tới chuyện tăng giá.
Các nhà phân phối, tiểu thương cũng tỏ ra lo lắng không kém so với người tiêu dùng bởi hiện tại sức mua vẫn rất thấp. Ông Đinh Sỹ Dũng, Giám đốc Trung tâm thương mại Lotte Mart Đống Đa (Hà Nội) cho biết, sẽ thận trọng trong việc điều chỉnh giá bán, nhất là các mặt hàng thiết yếu... sẽ đàm phán với nhà cung cấp để có giá cả ổn định cho người tiêu dùng. Sức mua vẫn rất thấp nên điều chỉnh tăng giá tại thời điểm này sẽ không chỉ gây áp lực lên người tiêu dùng mà doanh nghiệp cũng lo lắng về việc tiêu thụ sẽ càng chậm hơn. Tuy nhiên, với những mặt hàng tươi sống có thể sẽ điều chỉnh giá.
Cung - cầu hàng hóa: Đã “tối” còn “tối” hơn!
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2014 của Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá cho biết sẽ ưu tiên nhóm giải pháp để điều hành giá xăng dầu trong 6 tháng cuối năm theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Người tiêu dùng sẽ không lo gặp phải những đợt tăng giá bất hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống thường nhật.
Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: “Sức mua đang xuống thấp trong khi giá xăng tăng buộc nhiều mặt hàng không sớm thì muộn sẽ phải điều chỉnh giá. Tăng ít cũng là tăng vì nó ảnh hưởng khá nặng nề đến tâm lý người tiêu dùng trong thời điểm khó khăn. Vì giá xăng ảnh hưởng trực tiếp đến đầu vào của nhiều mặt hàng do ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển. Điều tôi băn khoăn nhất là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã không minh bạch trong việc tính giá thành, chỉ dựa vào giá cơ sở, tính giá tham chiếu không khách quan làm ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa vốn đang không sáng sủa”.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, theo con số công bố của Bộ Tài chính, trong quý II, giá xăng dầu tăng cao nhưng trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ước khoảng trên 1.136 tỷ đồng. Hiện, việc trích lập Quỹ Bình ổn được thực hiện ở hầu hết mọi thời điểm và do người mua xăng dầu đóng góp. Đáng ra chỉ nên trích lập khi giá xuống thấp để tạo nguồn bình ổn khi giá cao và doanh nghiệp cũng phải thực hiện nghĩa vụ này. Việc góp Quỹ Bình ổn chỉ thu từ một phía là người tiêu dùng, còn doanh nghiệp là người thu lợi nhưng lại “vô can” trong trường hợp này là thiếu công bằng.
Giá xăng đã tăng đến mức cao nhất từ trước đến nay, giá hàng hóa nói chung sau độ trễ trong ít ngày tới, sẽ xác lập mặt bằng giá mới. Điều này sẽ khiến sức mua đã yếu sẽ còn giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đã khó sẽ càng thêm khó. Theo các chuyên gia, hiện chúng ta đang yếu về tổng cầu. Mục tiêu đặt ra là muốn vực cầu lên nhưng việc tăng giá xăng là hành động đi ngược lại mục tiêu, ảnh hưởng đến cả SXKD và cuộc sống thường nhật của người dân.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]