Nghị định 83/2014 thay thế Nghị định 84/2009 vừa mới được ban hành chứa đựng nhiều quy định mới về cơ chế điều hành thị trường xăng dầu ở Việt Nam. Để làm rõ những thắc mắc của người dân về Nghị định 83/2014, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong.
PV: Nghị định 83/2014 có quy định rõ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có quyền tự điều chỉnh giá nếu giá cơ sở tăng lên 3%, trước đó Nghị định 84/2014 doanh nghiệp được tự quyết tăng tới 7%. Ông nghĩ như thế nào về việc này?
TS. Nguyễn Minh Phong: Nghị định 84/2009 có quy định doanh nghiệp được quyền tăng giá tới 7% nếu như giá cơ sở tăng. Như vậy, tính tối đa mỗi lần tăng doanh nghiệp sẽ được tăng tới 1.500 đồng/lít xăng. Việc tăng giá cao như vậy sẽ tạo ra sự bất ổn cho nền kinh tế, người dân bất mãn.
Nay Nghị định 83 thay thế mới ban hành chỉ cho doanh nghiệp quyền tự quyết tăng 3%, như vậy mỗi lần tăng tối đa chỉ là 600 đồng/lít. Điều này về cơ bản góp phần ổn định thị trường xăng dầu. Còn trong trường hợp giá thế giới tăng mạnh từ 3- 7% thì phải xin ý kiến Liện Bộ Tài Chính – Bộ Công Thương rồi.
PV: Được quyền tự quyết tăng giá xăng tới 3%, trong trường hợp các doanh nghiệp lạm dụng việc tăng giá này thì sao, thưa ông? Cơ chế giám sát việc tăng giá này sẽ phải hoạt động như thế nào?
TS. Nguyễn Minh Phong: Bản chất của việc tăng giá chính đáng phải là khi giá cơ sở tăng lên thì doanh nghiệp được tăng tùy ứng ở mức dưới 3%, còn khi giá cơ sở tăng 3-7% là doanh nghiệp phải xin ý kiến của Liên Bộ rồi cái này đã quy định rất rõ trong Nghị định 83.
Tuy nhiên,trong trường hợp giá cơ sở không tăng hoặc tăng thấp nhưng doanh nghiệp lại tăng giá cao trong mức 3% thì tức là họ đã vi phạm và lạm dụng Nghị định và buộc phải giải trình. Chính vì vậy phải có cơ chế giám sát chặt chẽ việc tăng giá này. Đồng thời cùng với cơ chế giám sát Nghị định mới cần phải có quy định rõ về việc xử phạt nếu như doanh nghiệp lạm dụng tăng giá. Rất tiếc là Nghị định 83 chưa cụ thể về việc này.
Tôi đề xuất cần có mức xử phạt như sau: Đầu tiên là bắt phải giải trình rõ sau đó nếu lạm dụng để tăng giá cao sau sẽ tiến hành xử phạt bằng cách truy thu lợi nhuận, phạt gấp 10 đến 100 lần, rút giấy phép kinh doanh, truy tố người lãnh đạo …
PV: Trong Nghị định 83 quy định, tổng đại lý có thể mua xăng từ nhiều nguồn khác nhau thay vì chỉ được mua từ một doanh nghiệp đầu mối như trước đó. Điều này sẽ dẫn đến điều gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi nghĩ đây là một điểm rất tiên tiến trong Nghị định mới bởi nó sẽ dẫn đến việc các cây xăng khác nhau sẽ có giá bán khác nhau, và người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn những cây xăng nào giá rẻ hơn. Theo đó, mỗi nguồn mua lại có một giá bán khác nhau. Như vậy, tổng đại lý đó sẽ cân đối giá mua từ các nguồn rồi niêm yết một giá bán riêng. Trong trường hợp này sẽ tạo ra sự phong phú trên thị trường, hai cây xăng cách nhau chừng 100m nhưng có giá khác nhau khi đó người dân sẽ có sự so sánh và là người quyết định sẽ lựa chọn cây xăng nào.
Tuy nhiên, ở mặt trái thì quy định sẽ dẫn đến việc nhiều đại lý xăng dầu sẽ không còn là đại lý mà trở thành người mua đứt bán đoạn sẽ độc quyền giá bán lẻ. Lúc đó, tổng đại lý sẽ chỉ thành cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuần túy.
PV: Nghị định mới được ban hành có nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường xăng dầu không, thưa ông? Người dân sẽ hết bức xúc về tình trạng tăng nhanh, giảm chậm của xăng dầu?
TS. Nguyễn Minh Phong: Tính cạnh tranh vẫn thấp bởi quyết định giá xăng dầu vẫn là Nhà nước và vẫn tồn tại sự độc quyền trong thị trường này. Về tình trạng tăng nhanh, giảm chậm trước đó nghị định 84 quy định thời gian tính giá cơ sở là 30 ngày nay Nghị định 83 là 15 ngày. Như vậy dù giá cơ sở có tăng 3% nhưng sau 15 ngày doanh nghiệp mới được tăng, khoảng cách giữa hai lần tăng giá là 15 ngày. Theo Nghị định mới người dân sẽ được lợi.
PV: Việc chiết khấu hoa hồng mập mờ trong thời gian qua đã gây bức xúc lớn. Theo ông cần phải làm gì để minh bạch việc chiết khấu đúng 50% theo quy định của Bộ Tài Chính?
TS.Nguyễn Minh Phong: Cần phải minh bạch việc chiết khấu hoa hồng cho đại lý vì đây đây là điều cần thiết trong quá trình minh bạch hóa thị trường xăng dầu. Lâu nay nhiều ý kiến cho rằng việc chiết khấu hoa hồng lên tới 70 -80% và xảy ra sự chuyển giá. Tôi đề xuất Liên Bộ Tài Chính-Bộ Công Thương cần phải có một cơ chế riêng minh bạch việc phần trăm chiết khấu để tránh gian lận trong ngành xăng dầu cũng như đảm bảo người tiêu dùng không bị thiệt thòi.
Xin cám ơn ông!
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]