Sáng nay, 27/12, Đội QLTT số 1, (Chi cục QLTT Hà Nội), phối hợp với đội 3, phòng 6, Cục Cảnh sát Môi trường (C49, Bộ CA), Đội Cảnh sát Môi trường (CA quận Hai Bà Trưng) và Chi cục Thú ý quận Hai Bà Trưng, tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh gà tại Lô 8, Lều 2, chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bắt quả tang chủ cơ sở kinh doanh - Trần Đình Hòa đang chỉ đạo nhân viên đóng dấu kiểm dịch giả trên từng con gà thịt để bán cho khách hàng.
Lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra bên trong cơ sở chế biến thịt gà này và phát hiện các nhân viên đang tiến hành bơm nước vào từng con gà nhằm tăng trọng lượng và làm cho da, bắp gà căng lên để bắt mắt người tiêu dùng.
Làm việc với cơ quan chức năng, anh Hoàng Văn Điện – nhân viên cửa hàng cho biết mỗi ngày bơm nước cho 20 -30 con gà để chống hao hụt trong quá trình bảo quản và bán có lãi. Nhân viên này khai nước bơm vào gà lấy ở trong chợ, không rõ có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không. Mục đích của việc bơm nước là để gia cầm sau sơ chế trông đẹp, nặng cân hơn.
Nhà chức trách bắt quả tang nhân viên cơ sở bán gia cầm này đang bơm dung dịch chất lỏng vào gà đã qua sơ chế.
Chủ cơ sở kinh doanh “gà sạch” này cho biết, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ vài chục con gà bơm nước. Số gà trên chủ yếu được mua gom ở chợ gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín). Sau khi nhập về, những con gà gầy, gà xấu sẽ được nhân viên “tân trang”.
Gà được “làm đẹp” sau đó được đóng dấu giả của Chi cục thú y hòng qua mặt người tiêu dùng. Chủ cơ sở cho hay dấu kiểm dịch thú y giả mua của một người bán rong. Hành vi lừa gạt người tiêu dùng diễn ra ngay tại khu chợ lớn nhất, nhì ở Hà Nội mà Ban quản lý chợ cũng như chính quyền địa phương không hề hay biết.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện toàn bộ sản phẩm gà thịt, gà ác tiền, đùi gà, chim câu có trọng lượng nặng 514kg không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và không có giấy kiểm dịch.
Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản chủ kinh doanh với các hành vi vi phạm đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng nói trên để xử lí theo quy định.
Gia cầm không rõ nguồn gốc được đóng dấu kiểm dịch giả vứt đầy dưới nền nhà bẩn.
Không chỉ gà bị tiểu thương bơm nước để ăn gian trọng lượng mà thời gian gần đây, cơ quan chức năng còn phát hiện những cơ sở bơm nước vào lợn, trâu bò để thu lợi bất chính.
Điển hình, cuối tháng 10, Đội quản lí thị trường số 2 (Chi cục quản lí thị trường Đồng Nai) cho biết vừa bắt quả tang một cơ sở chăn nuôi lợn tổ chức bơm nước cho lợn lớn nhất từ trước đến nay ở địa bàn.
Cơ sở chăn nuôi bị phát hiện có hành vi trên nằm ở tổ 31, KP 7, P. Long Bình (TP Biên Hoà). Ông Như cho biết, tối 27/10, quản lí thị trường cùng lực lương thú y bất ngờ kiểm tra cơ sở chăn nuôi của ông Vũ Xuân Hải ở tổ 31, KP 7, P. Long Bình (TP Biên Hoà) và bắt quả tang ở đây có chín người đang bơm nước vào 42 con lợn. Tại hiện trường còn có khoảng 930 con lợn được tập kết về cơ sở để chờ bơm nước.
Cách thức của cơ sở trên là tiêm thuốc cho mê cho lợn , sau đó bơm nước giếng khoan vào rồi đưa đi tiêu thụ. Ngoài hành vi gian dối, lừa người tiêu dùng trên thì cơ sở này đã vi phạm các lỗi chăn nuôi không phép, không có cam kết môi trường, chăn nuôi không nằm trong quy hoạch.
Một trường hợp khác vào đầu tháng 12, Phòng cảnh sát môi trường (Công an TP Đà Nẵng) tiến hành xử lý, đề nghị rút giấy phép hoạt động của cơ sở giết mổ gia súc do bà Lâm Thị Lệ Thu (sn 1968, ngụ phường Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) làm chủ vì hành vi: “cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ”, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo tìm hiểu, cơ sở giết mổ của bà Thu bắt đầu hoạt động từ năm 2010 đến nay. Trung bình mỗi ngày, giết mổ từ 8-10 con bò, cung cấp cho các chợ đầu mối trên địa bàn TP Đà Nẵng. Trước khi đưa bò vào lò mổ, nhân viên cơ sở này dùng vòi nước thọc vào họng rồi bơm nước thẳng vào bụng bò. Mỗi lần bơm cách nhau khoảng 2-3 giờ, đến khi dạ dày bò “quá tải”.
Dưới đây là cách phân biệt thịt gà, vịt, lợn có bơm nước:
Về nguyên tắc, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNTN cho rằng, rất khó để phân biệt thịt lợn, trâu, bò bị bơm nước bằng mắt thường.
Lý do bởi bản thân trong thịt cũng chứa một tỷ lệ nước nhất định, việc bơm nước vào chỉ làm gia tăng lượng nước. Do vậy, bằng mắt thường, chị em khó có thể nhận thấy rõ sự biến chuyển trong miếng thịt.
Do vậy, nếu không bắt quả tang thì chỉ còn cách mang miếng thịt đi xét nghiệm mới kết luận được là có bị bơm nước hay không.
Tuy nhiên, các chuyên gia thực phẩm và nhiều chị em nội trợ có kinh nghiệm vẫn truyền tai nhau một số “bí kíp”.
Thịt gà: Xem đùi và lườn
Chị Hạnh, (Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) cho hay, với thịt gà, để tránh mua phải gà, vịt bị bơm nước, khi mua, chị em nên quan sát hai bên đùi và lườn con gà, vịt. Nếu thấy căng bóng, thớ thịt dày, to thì không nên mua. Nếu còn nguyên con, chị em cầm dốc ngược con gà, vịt lên, nếu thấy nó biến dạng nhiều thì đã bị bơm nước.
“Theo một số người hay buôn bán gà vịt thì nếu bơm nước, người bán thường chọn hai vị trí đùi và lườn để bơm. Ngoài cách dốc ngược, chị em cũng có thể dùng tay ấn vào đùi, lườn gà, vịt. Thịt bị bơm nước thường bập bùng và nhão”, chị Hạnh nói.
Cũng chia sẻ kinh nghiệm, PGS TS. Nguyễn Duy Thịnh, Phòng Quản lý Chất lượng, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, nếu nhận thấy con vịt, gà quá béo, chị em chỉ cần lấy dao hoặc vật nhọn chọc thủng lớp da, nếu bị bơm nước thì nước sẽ chảy ra.
“Nếu người bán bơm ít nước thì mình có thể nhận bằng cách quan sát, con vật có thể mỡ màng, béo hơn”, PGS TS Thịnh nói.
Thịt lợn, bò
Nếu là các loại thịt lợn, bò thì rất khó nhận ra. Tuy nhiên, để mua một miếng thịt lợn, bò tươi, chị em nên dùng ngón tay ấn vào miếng thịt, nếu trên thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra là miếng thịt tươi. Ngoài ra, các thớ thịt phải đều, màng ngoài khô, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc.
Về nguyên tắc khoa học, PGS TS Thịnh phân tích, nếu là trường hợp bơm nước vào con lợn thì có khả năng họ truyền qua mạch máu của con lợn đã chết. Do đó, chỉ khi nào lấy tiết rồi thì mới bơm nước vào và trên thực tế thì không bơm được bao nhiêu.
Còn trường hợp bơm nước vào thịt đã giết bằng xi lanh thì cũng có thể xảy ra.
Trường hợp bơm thuốc an thần để giết mổ thì mắt thường không phân biệt được vì loại thuốc an thần được sử dụng không màu, không mùi, không vị nên chỉ có thể phân tích mới phát hiện được.
PGS TS Thịnh cũng khuyến cáo, chị em có thể dùng một cách để nhận ra thịt lợn, bò bị bơm nước là khi nấu, để ý nếu ngót đi nhiều do chảy ra nhiều nước thì có thể là căn cứ cho thấy thịt đã bị bơm nước hoặc tạp chất. “Tuy nhiên, cách này cũng khó vì sự nhận định còn phụ thuộc vào đặc điểm thị của giống, loài. Ví dụ “thịt trâu thì teo, thịt heo thì nở””, PGS TS Thịnh nói.
Bày tỏ quan điểm trên báo Khám Phá, nhìn nhận một cách hóm hỉnh về mánh khóe gian lận thương mại bằng cách bơm thêm nước, tạp chất vào thịt, rau, PGS TS Thịnh cho rằng: “Những người buôn bán tại Việt Nam có lẽ nên được “trao giải sáng kiến” trong việc sử dụng phương pháp không có căn cứ khoa học để làm tăng khối lượng các loại thịt, rau.
Thực tế, PGS TS Thịnh nhìn nhận, đây là hành vi gian lận thương mại không thể chấp nhận được, làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người mua hàng. Do đó, ngoài việc phát hiện ra những nơi bán loại thịt, gà, vịt….bị bơm nước hoặc có dấu hiệu bất thường, chị em đi chợ nên truyền tai nhau đừng nên mua ở chỗ đó, để họ không bán được hàng và không dám làm như vậy, cũng là một cách để giải quyết được vấn đề ngoài việc chờ sự can thiệp của cơ quan chức năng.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]