Trong cuộc chạy đua tầm ảnh hưởng trên nền tảng di động, Facebook đã có một bước đi mạo hiểm khi bất ngờ thâu tóm Whatsapp với giá 19 tỷ USD. Theo thỏa thuận giữa 2 bên, Facebook sẽ trả cho Whatsapp 4 tỷ USD tiền mặt, 12 tỷ USD được quy đổi thành cổ phiếu của Facebook và 3 tỷ USD giá trị cổ phiếu hạn chế giao dịch trong 4 năm dành tặng cho các nhà sáng lập và nhân viên của Whatsapp. Với tổng chi phí lên tới 19 tỷ USD, đây trở thành thương vụ sáp nhập có giá trị lớn nhất làng công nghệ trong 10 năm qua.
Báo chí Mỹ đã gọi đây là một thương vụ “điên khùng”, các chuyên gia phân tích tài chính cho rằng Whatsapp được định giá quá cao. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Mark Zuckerberg và các cộng sự của mình đưa ra quyết định “điên rồ” tới vậy.
Whatsapp làm tốt hơn những gì Google và Facebook đã làm
Dù là những công ty lớn mạnh nhanh chóng nhờ sự phát triển của Internet, nhưng cả Google, Facebook hay Twitter đều không là gì nếu so sánh với sự phát triển của Whatsapp.
Kể từ khi được thành lập năm 2009, tới nay Whatsapp đã có 450 triệu người dùng. Nếu tính trong 4 năm đầu khởi nghiệp, số lượng người dùng của Whatsapp gấp 3 lần Facebook, 3,5 lần Google, và gấp 8 lần Twitter và Skype. Hiện nay mỗi ngày Whatsapp có thêm 1 triệu thành viên mới, và 70% người dùng Whatsapp online mỗi ngày. Những con số quá ấn tượng!
Số lượng thành viên của Whatsapp hiện nay đã vượt qua cả Twitter và không thua kém bao nhiêu so với Google+. Nhưng nếu tính trên số lượng người dùng di động, thì Whatsapp hoàn toàn không có đối thủ khi vượt mặt cả Facebook trên các thiết bị kết nối không dây. Thành công của Whatsapp là điều mà mọi công ty đều mong muốn.
Whatsapp sẽ giúp Facebook thống trị thị trường đang lên
Trong 5 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của ngành công nghiệp di động. Với 2 cuộc cách mạng mang tên smartphone và
máy tính bảng do Apple khởi xướng, thị trường di động đã nhanh chóng vượt mặt thị trường máy tính truyền thống, và mỗi năm bán ra hơn 1 tỷ thiết bị mới. Giờ đây, các thiết bị di động đã trở thành thị trường trọng yếu mà bất cứ công ty công nghệ nào không nắm giữ được đều sẽ trở thành kẻ thua cuộc. Đó là lý do vì sao Google đã bỏ ra 12,5 tỷ USD để mua Motorola Mobility, Microsoft cũng đã bỏ ra hơn 7,2 tỷ USD để mua lại bộ phận di động của Nokia.
Khi các dịch vụ 3G, 4G LTE ngày càng trở nên phổ biến, thì các dịch vụ tin nhắn miễn phí (OTT) đang lên ngôi, thậm chí đe dọa cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Trong thị trường OTT hiện nay, Whatsapp hoàn toàn không có đối thủ. Nếu đặt Zalo, Viber, Line bên cạnh Whatsapp thì không khác nào “đặt đốm lửa bên cạnh mặt trời”.
Việc sở hữu Whatsapp lúc này sẽ giúp cho Facebook trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết trên nền tảng di động khi họ sở hữu tới 3 ứng dụng có lượng người dùng di động khổng lồ là Facebook, Instagram, và giờ là Whatsapp.
Whatsapp là những gì Facebook còn thiếu
Hẳn tất cả những ai đã từng dùng Facebook trên thiết bị di động đều nhận ra một điều: “Facebook Messenger không tương xứng với tầm cỡ của Facebook”. Facebook Messenger quá nghèo nàn, lạc hậu và yếu kém nếu so sánh với các ứng dụng OTT trên thị trường, nó hoàn toàn không tương xứng với quy mô 1 tỷ người dùng của gã khổng lồ này. Để có thể giữ chân và “lôi kéo” người dùng di động, Facebook cần một trình Messenger mạnh mẽ hơn. Và Whatsapp là lựa chọn hoàn hảo cho Facebook.
Facebook đang làm mọi thứ giống như Google đó là: “Cung cấp những tiện ích tốt nhất để giữ chân người dùng trong hệ sinh thái của mình, từ đó gia tăng kiến thức về người dùng để tiếp tục cải thiện dịch vụ tốt hơn. Chu trình này lặp đi lặp lại sẽ giúp cho dịch vụ của công ty ngày càng tốt hơn, và kiến thức học hỏi từ người dùng ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Vốn kiến thức không lồ về người dùng của công ty sẽ trở thành siêu
lợi nhuận”.
Và Facebook áp dụng triệt để chính sách: “Nếu bạn không thể làm tốt hơn họ thì hãy mua lại họ”. Trước đó là với Instagram và giờ là Whatsapp. Facebook đang dần hình thành một “hệ sinh thái mềm” của riêng mình trên nền tảng di động. Facebook không cạnh tranh trực tiếp với hệ sinh thái của Apple, Google và Microsoft, mà tận dụng các hệ sinh thái đó làm bàn đạp cho sự phát triển của mình.
Lợi ích về tài chính
Mặc dù tổng giá trị của thương vụ thâu tóm này là 19 tỷ USD, nhưng thực ra Facebook chỉ phải trả 4 tỷ USD tiền mặt và sẽ được thanh toán làm nhiều đợt, điều này không làm ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch tài chính của Facebook trong thời gian tới. Bên cạnh đó, doanh thu hàng năm từ Whatsapp hiện nay vào khoảng 450 triệu USD, khoản tiền này sẽ bù đắp đáng kể vào chi phi của thương vụ mua lại này.
Không chỉ vậy, hiện nay Whatsapp hoàn toàn bỏ ngỏ mảng quảng cáo, với 450 triệu người dùng thì đây thực sự là một mỏ vàng khổng lồ. Và khi về với Facebook, công ty đi đầu thế giới về doanh thu quảng cáo trên di động, thì mỏ vàng này sẽ nhanh chóng được khai thác và đem lại hàng tỷ USD lợi nhuận mỗi năm.
Trước khi thực hiện thương vụ thâu tóm Whatsapp, chắc hẳn các lãnh đạo của Facebook đã tham khảo rất kĩ ý kiến của các chuyên gia
tư vấn tài chính và công nghệ, cũng như xem xét rất kĩ chiến lược phát triển của mình, vì vậy thương vụ này không hẳn điên rồ như người ta nghĩ.
Theo Landmarkvietnam.vn