Vùng trồng dưa hấu của huyện Phú Ninh, Quảng Nam tập trung ở các xã Tam Phước, Tam Thành, Tam Lộc ngày nay đã trở thành vùng sản xuất dưa hấu trọng điểm và là hướng đi mang lại hiệu quả, thu nhập cao cho nông dân địa phương.
Người nông dân tại địa phương bắt đầu trồng dưa từ năm 1993 và đến năm 2004 thì phong trào trồng dưa bắt đầu phát triển mạnh, tăng cả về diện tích và sản lượng. Dưa hấu tại Phú Ninh có chất lượng sản phẩm vượt trội so với các nơi khác trong và ngoài tỉnh bởi hầu hết những vùng trồng dưa trong huyện đều là đất sắt pha cát, có vi lượng cao nên dưa chắc ruột hơn và có màu đỏ tươi, vị ngọt thanh hơn.
Thu hoạch dưa hấu ( Ảnh: Văn Sự/ Báo Quảng Nam)
Đặc biệt, nhờ hàm lượng đường lớn nên dưa rất ngọt. Không chỉ vậy, vỏ dưa hấu còn khá dày tạo thuận lợi trong quá trình vận chuyển khi rất ít bị dập bể, hư thối. Các cơ quan quản lý cũng đã kịp thời hỗ trợ nông dân ứng dụng hiệu quả phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao hơn nữa chất lượng nên dưa hấu ở Phú Ninh luôn đáp ứng về mẫu mã cũng như chất lượng theo nhu cầu thị trường.
Huyện Phú Ninh đã đầu tư bê tông hóa một số tuyến kênh trọng yếu và thi công hàng chục hệ thống thủy lợi hóa đất màu. Nhờ vậy, toàn bộ số diện tích trồng dưa đã chủ động được nước tưới. Dưa hấu tại đây cũng đã được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Dưa hấu Kỳ Lý” từ năm 2009. Nhãn hiệu dưa hấu Kỳ Lý lấy theo địa danh Kỳ Lý (xã Tam Đàn) – cửa ngõ chính dẫn về Phú Ninh (Quảng Nam).
Sau khi thu hoạch dưa, người nông dân chủ yếu mang xuống bán tại ngã ba Kỳ Lý. Cánh lái xe khách, xe tải khi ghé đây mua dưa, ăn thấy ngon ngọt hơn ở những vùng khác nên tự quảng bá “ghé mua dưa hấu Kỳ Lý” khi có người hỏi. Nên khi đăng ký thương hiệu, chính quyền địa phương và người dân đều thống nhất tên gọi là "Dưa hấu Kỳ Lý" để đăng ký bảo hộ.
Thu mua dưa để xuất khẩu (Ảnh: Mai Nhi/ Báo Quảng Nam)
Tính riêng Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Tam Phước trong năm 2015 trồng khoảng 220 ha dưa, sản lượng đạt gần 8.000 tấn. Bình quân đạt doanh thu 250 triệu đồng/ha/năm và tổng giá trị thu được từ dưa hấu trên toàn hợp tác xã khoảng 50 tỷ đồng.
Các cơ quan quản lý tại địa phương xác định để xây dựng một vùng dưa thương phẩm, có thương hiệu thì dưa luôn phải đạt được tiêu chuẩn sạch, an toàn. Bởi vậy, xây dựng mô hình trồng dưa sạch là một bước tiến quan trọng trong việc gìn giữ, xây dựng thương hiệu cho dưa hấu Kỳ Lý.
Trong những năm qua, dưa hấu Kỳ Lý đã được các tư thương mang đi bán tại khắp mọi miền đất nước và ngày càng khẳng định được vị thế của mình. Tuy nhiên, điều cần thiết trước mắt là phải làm như thế nào để người tiêu dùng tiếp cận được với sản phẩm, xây dựng được lòng tin về độ an toàn của sản phẩm dưa sạch và “Dưa hấu Kỳ Lý” mới có thể tiếp tục chiếm lĩnh, đứng vững trên thị trường nông sản ngày càng “khắc nghiệt”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]