Trong vai chủ một đại lý cần mua mỡ với số lượng lớn về cung cấp cho hệ thống các nhà hàng, quán ăn trong nội thành Hà Nội, nhóm PV báo Người Đưa Tin được người dân giới thiệu gặp bà C. - một trong những chủ cơ sở "chế mỡ bẩn" lớn nhất nhì xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội). Qua hỏi thăm, chúng tôi được biết, xưởng nhà bà C. cổng lúc nào cũng khép chặt "nội bất xuất ngoại bất nhập". Người lạ tuyệt đối không thể tiếp cận mà phải có người làng hay người quen giới thiệu, bà C. mới tiếp. Từ đầu con đường dẫn vào làng đến xưởng nhà bà C., nước rãnh đen kịt, nước bốc lên mùi hôi thối nồng nặc, khiến người đi đường buồn nôn, phải bịt mũi.
May mắn, được người cháu họ của bà C. dẫn đường, sau khi gọi cửa và biết chắc ai đang ở ngoài, bà C. mới mời chúng tôi vào trong xưởng. Vừa đi, bà vừa nhìn chúng tôi bằng ánh mắt như muốn xét hỏi và khá kiệm lời, bà bảo: "Các chú quen ai giới thiệu và mua mỡ về để làm gì?". Sau khi chúng tôi giới thiệu quen chị Y. người làng và muốn mua một lượng lớn mỡ lợn hàng tháng để cung cấp cho hệ thống nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội, bà C. mới đon đả tiếp đón. Bà chủ xưởng mỡ chia sẻ: "Các chú thông cảm, bây giờ công an, cơ quan chức năng đi dò hỏi nhiều lắm, nên tôi phải đề phòng. Cách đây ít năm, tôi mất chuyến hàng cả mấy trăm triệu đồng nên bây giờ phải cảnh giác".
Bà C. quảng cáo, mỡ nhà bà chất lượng và giá cả vô cùng hợp lý, mỡ nước giá 18.000 đồng/kg, còn tóp mỡ giá 55.000 đồng/kg; số lượng bao nhiêu cũng có. Cũng theo bà C., giá trên là giá bán tận xưởng, nếu vận chuyển đến tận nơi thì cộng thêm cước vận chuyển. "Nhà tôi có đại lý đến lấy 5-6 tấn mỡ nước mỗi tháng, làm ăn lâu ngày sẽ cho gối, tức là mua đơn hàng sau trả đơn hàng trước", bà C. nói.
Với lý do muốn xem qua quy trình chế biến, tôi được bà C. dẫn vào xưởng tham quan. Phải tận mắt chứng kiến quy trình chế mỡ bẩn mới thấy được hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe người tiêu dùng như thế nào, khi nhiều nhà hàng đang dùng loại mỡ bẩn này để chế biến đồ ăn cho khách.
Xưởng nhà bà C. khá rộng rãi, nhưng bà chỉ dành một góc để các bao tải mỡ sống, thịt thối, thịt lợn bẩn đang bốc mùi, ruồi nhặng bu đen. Sau khi đổ thịt ra nền gạch bẩn từ những chiếc bao tải cáu mỡ đã đen kịt dính đất cát, các công nhân trong xưởng tiến hành phân loại. Từ da cho đến mỡ, thịt trước khi chế biến đều không được rửa qua bất cứ một lần nước nào. Nhìn đống mỡ bèo nhèo, lông đen kịt vẫn còn dính trên lớp bì, mỡ và thịt trong nhiều bao tải đã bắt đầu phân hủy mùi khờm khờm bốc lên khó chịu.
Sau đó, mỗi người một việc. Người dùng dao cạo lớp mỡ bên trong những miếng da lợn; cả mỡ lẫn da sau khi cạo xong được họ vứt ngay xuống sàn nhà. Trong góc xưởng, hai cái chảo lớn đun mỡ đang sôi sùng sục. Chốc chốc, người đàn ông bưng bao gỗ vụn đổ vào hai bếp lò và dùng đoạn gỗ cáu bẩn khuấy vào chảo mỡ. Chờ lớp mỡ trong chảo tan dần, người đàn ông vào khuấy đều rồi vớt tóp mỡ ra, bỏ vào mấy cái máy ép đặt bên cạnh. Chỉ vài phút, những tóp mỡ rời rạc được nén lại thành từng bánh lớn. Người đàn ông này bảo: "Nhiệt độ cao như thế này sẽ giết chết hết vi khuẩn, sạn bẩn sẽ lắng đọng xuống dưới đáy chảo nên chất lượng mỡ vẫn đảm bảo thơm và béo ngậy!"...
Nguyên liệu từ thịt lợn chết, lợn dịch
Được biết, mấy năm trở lại đây, đời sống vật chất của người dân Dương Liễu khấm khá hơn, nhưng môi trường nước, không khí đang ô nhiễm trầm trọng. Ngoài các nhà làm miến, còn một số cơ sở lớn chế biến, cung cấp mỡ động vật thải trực tiếp ra cống rãnh, không thể chịu được. Người dân trong làng có ai dám ăn loại mỡ đó đâu, bởi chúng được rán từ các loại thịt ôi thiu, thịt lợn chết, lợn sề, có khi thịt còn đang phân hủy. Họ chủ yếu bán buôn cho các đại lý, quán ăn, nhà hàng mua với số lượng lớn, chủ yếu ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Được biết, bình quân mỗi ngày, các xưởng tại nơi đây chế biến được khoảng 100 - 150kg bì lợn, mỡ vụn, thịt ôi thành mỡ nước. Trung bình, 1kg bì lợn, mỡ vụn, thịt ôi sẽ rán được 6 đến 7 lạng mỡ nước. Sản phẩm làm ra được đóng thành can và nhập cho một số dân buôn tại các chợ đầu mối. Mỡ nước có giá 16.000 - 18.000 đồng/kg; tóp mỡ có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Qua tìm hiểu, PV được biết thêm, nguyên liệu để chế biến mỡ được vận chuyển về bằng bao tải được gom từ các chợ đầu mối, các lò mổ ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng… Một lượng lớn mỡ do các cơ sở này thu gom, chế biến là mỡ không có nguồn gốc rõ ràng, không ít mỡ từ lợn chết dịch. Bên trong các bao tải, thịt mỡ các loại được chia nhỏ ra bằng nhiều túi nilon, sau đó mới đổ ra sàn nhà để phân loại. Có bao tải bị rách, thịt mỡ bên trong lòi cả ra bên ngoài, bết bát đất cát. Công việc chế biến mỡ ở đây thường được bắt đầu vào đầu giờ chiều, trong điều kiện thời tiết có lúc lên đến 400C, hầu hết nguyên liệu sau khi đổ ra sàn nhà đã bốc mùi hôi thối. Đó là chưa kể những bao tải được để từ hôm trước. Chứng kiến trực tiếp, chúng tôi càng thêm rợn người khi được biết, nguyên liệu trước và sau khi phân loại, đều không thông qua bất kỳ một công tác sơ chế, vệ sinh nào, mà được cắt nhỏ và cho luôn vào chảo rán. Sau khi ép bì, mỡ vụn, thịt ôi thành dạng nước, loại mỡ này được chia đều vào các can nhựa, còn tóp mỡ lại được đóng bánh và cho vào nhiều túi nilon nhỏ.
Rang cơm, xào nấu bằng mỡ “chế” “ngon” hơn dầu ăn?!
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, tại hầu hết các quán ăn, quán phở và thậm chí các nhà hàng sang trọng cũng sử dụng loại mỡ lợn siêu bẩn này. Một chủ cửa hàng phở trên phố Nguyễn Chánh (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Dùng dầu ăn rang cơm, xào nấu không ngon bằng mỡ lợn mà chi phí đắt gấp mấy lần mỡ động vật. Dùng mỡ lợn để chiên rán nhiệt nóng hơn nhiều và thức ăn cũng ngon và béo ngậy hơn. Mỗi tháng, nhà tôi dùng hết khoảng 50 lít mỡ, như vậy mỗi năm sẽ tiết kiệm được cả chục triệu đồng so với dùng dầu thực vật…".
Đến chợ Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trong vai khách mua, tôi được một chủ hàng cho biết: "Muốn mua với số lượng lớn, em phải đặt trước vì hàng về đến đâu, chị bán buôn đến đó. Mỡ được đóng trong can, loại 10 lít có giá 200.000 đồng/can". Cũng theo bà chủ hàng, loại mỡ này bán rất chạy, vì giá rẻ hơn rất nhiều so với dầu ăn, không chỉ những quán ăn bình dân, mà ngay cả các nhà hàng, quán bia cũng dùng loại mỡ lợn này.
Nguy hại từ mỡ thối, mỡ rán nhiều lần
Nhiều chuyên gia về dinh dưỡng cho rằng: Mỡ động vật là khẩu phần không nên loại bỏ hoàn toàn trong bữa ăn của các gia đình. Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Duy Thịnh (viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, đại học Bách khoa Hà Nội) nhận xét: "Các nhà hàng sử dụng loại mỡ bẩn này để chế biến đồ ăn bán cho khách là việc làm bị nghiêm cấm, không đúng lương tâm của người bán hàng. Loại mỡ này nếu rán ở nhiệt độ cao trên 180 độ C sẽ sinh ra những chất gây hại như: Andehit, chất oxy hóa… Các chất này khi rán ở nhiệt độ cao sẽ bay hơi trong không khí, gây ô nhiễm và vô cùng nguy hiểm nếu hít phải. Mặt khác, loại mỡ này nếu tái sử dụng sẽ tạo ra nhiều cặn lẫn vào mỡ, ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, thở khó...; nặng thì bị tim đập chậm, huyết áp tăng cao, có thể gây nên bệnh ung thư, nguy hiểm đến tính mạng".
Chính vì vậy, người tiêu dùng hay các bà nội trợ không nên sử dụng mỡ rán đi rán lại nhiều lần hoặc mỡ để lâu ngày và những can dầu mỡ đang rao bán ngoài thị trường vì: Chất cholesterol bình thường không gây nên xơ cứng vữa động mạch, nhưng nếu chất này bị axít hoá (thường có trong mỡ để lâu ngày) lại chính là nguyên nhân của căn bệnh xơ cứng vữa động mạch. Về lâu dài, nó có thể gây các bệnh về ung thư trong hệ tiêu hoá.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]