Hàng “Made in China” bị “ghẻ lạnh”
Còn vài ngày nữa là đến ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em đã bắt đầu chọn vị trí bắt mắt để bày bán những sản phẩm mới nhất của mình.
Vẫn như mọi năm, phần lớn hàng các cửa hàng nhập về bày bán có xuất xứ từ Trung Quốc, kể cả các sản phẩm có đầy đủ thông tin, nhãn mác và các sản phẩm không hề có thông tin gì hoặc chỉ có dòng chữ “made in China”. Theo nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng này thì hiện người tiêu dùng không mặn mà gì với hàng hóa Trung Quốc, kể cả đồ chơi; do vậy, sức mua đang rất yếu.
Các khu phố bán đồ chơi trẻ em tại Hà Nội như chợ Đồng Xuân, phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can đều bày bán rất nhiều đồ chơi Trung Quốc với màu sắc sặc sỡ, chủng loại đa dạng.
Chị Thảo, bán hàng đồ chơi trẻ em tại phố Nguyễn Sơn (Long Biên, HN) cho biết: Tôi vừa nhập về một lô hàng lớn để bán và bỏ sỉ. Hơn 80% lô hàng là đồ chơi Trung Quốc, có nhiều mẫu đẹp và màu sắc bắt mắt lắm. Mọi năm, đến thời điểm này, sức tiêu thụ đã tăng gấp 3 đến 4 lần so với ngày thường cả bán lẻ lẫn bán sỉ. Nhưng năm nay, vẫn chưa có nhiều người mua, hàng còn chất đống.
Hiện nhiều người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm đồ chơi trẻ em do sản xuất trong nước.
Theo một chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em tại chợ Đồng Xuân: “Phụ huynh đến hỏi mua đồ chơi cho con cháu mình đều quan tâm xuất xứ của sản phẩm. Nhiều người cứ thấy sản phẩm “made in China” là lắc đầu và chọn mua hàng Việt Nam dù giá cao hơn. Năm nay, các mẫu đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước được cải tiến đáng kể về mẫu mã, màu sắc, đáp ứng nhu cầu và sở thích của trẻ”.
Tình trạng người tiêu dùng quay lưng với hàng Trung Quốc khiến nhiều người kinh doanh phập phồng, sợ không tiêu thụ được hàng. “Hàng đồ chơi trẻ em của Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã phong phú nên tôi luôn nhập nhiều hơn hàng Việt Nam để dễ bán. Nhưng năm nay cứ nói đến hàng Trung Quốc là khách lắc đầu. Thị hiếu người tiêu dùng đang hướng đến hàng nội nên có lẽ từ năm sau tôi phải tìm và nhập thêm một số dòng đồ chơi của Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Lam, một chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Trần Hưng Đạo cho biết.
Hàng nội “cháy” hàng
Trong khi đồ chơi dành cho trẻ em xuất xứ từ Trung tiêu thụ chậm thì đồ chơi nội lại “cháy” hàng.
“Ngày Quốc tế thiếu nhi năm nay, tôi mua một bộ xếp hình do Việt Nam sản xuất cho con chơi để đảm bảo an toàn và giúp bé học tập, phát triển tư duy. Tôi cũng nhắc nhở các con không được dùng bất cứ sản phẩm nào không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc có ghi “made in China” chị Mai (Cầu Giấy, HN) cho biết.
Chị Mai cũng bày tỏ quan điểm: “Nếu so sánh giá cả, mẫu mã thì đồ chơi Trung Quốc có nhiều ưu thế hơn sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước. Do vậy, trước kia đôi lúc, tôi vẫn phải chấp nhận mua hàng Trung Quốc cho con chơi nhưng luôn lo lắng vì không biết trong các sản phẩm này có tiềm ẩn nguy cơ gì cho bé không. Thời gian gần đây xuất hiện quá nhiều loại đồ chơi độc hại của Trung Quốc nên để đảm bảo an toàn cho con, tôi cương quyết không mua đồ chơi của nước này. Tôi thấy các mẫu đồ chơi trẻ em của Việt Nam tuy chưa thực sự bắt mắt nhưng cũng đáp ứng được phần nào nhu cầu vui chơi của trẻ”.
Nhiều ông bố, bà mẹ khác có cùng suy nghĩ này nên cũng thận trọng hơn khi mua đồ chơi cho con. Do vậy, các dòng sản phẩm đồ chơi trẻ em an toàn, thân thiện của Việt Nam luôn được ưu tiên lựa chọn hàng đầu.
Theo khảo sát của PV, những món đồ chơi “made in Vietnam” dù có mức giá cao gấp 3, 4 lần hàng Trung Quốc gia công vẫn bán chạy. Thậm chí, ngay cả những món hàng ngoại nhập có mức giá “chát chúa” đến 1 – 2 triệu đồng vẫn bán đắt hàng.
Chị Hạnh, chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em tại chợ Đồng Xuân cho biết: Một bộ xếp hình của Việt Nam giá gần 200 nghìn đồng nhìn màu sắc và mẫu mã không bắt mắt nhưng lại bán rất chạy, trong khi bộ xếp hình của Trung Quốc chỉ tầm 70.000- 100.000 mẫu mã bắt mắt thì không ai ngó ngàng.
Búp bê cho các bé gái cũng vậy, hàng thủ công do Việt Nam sản xuất ngoài chức năng nhắm-mở mắt thì không có gì đặc biệt nhưng vẫn được chọn mua nhiều. Búp bê Trung Quốc giá cả cũng sêm sêm như vậy nhưng biết hát, biết cười, mẫu mã lại rất đẹp nhưng năm nay lại tiêu thụ rất chậm…”.
Tại gian hàng đồ chơi của những trung tâm thương mại lớn của Hà Nội như Vincom, Parkson, Royal… không thiếu những món đồ chơi hàng hiệu với giá tiền triệu.
Vào dịp cuối tuần các cửa hàng này luôn đông thượng đế nhí và bán rất chạy. Bộ lắp ghép máy bay có giá từ 1.500.000 – 2.000.000 đồng, bộ sưu tập búp bê trị giá từ 600.000 - 1.200.000 đồng... tuy giá cao nhưng vì hàng ngoại nhập Mỹ, Nhật phụ huynh vẫn chọn mua vì yên tâm hơn về chất lượng so với hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng không rõ nguồn gốc, nhãn mác.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]