Lo lắng của Tư lệnh ngành Nông nghiệp không phải không có lý. Không chỉ tại thị trường trong nước, tại nhiều thị trường nhập khẩu, hàng thủy sản Việt Nam đã bị cảnh báo. Năm 2014 đã có 29 lô hàng thủy sản nuôi bị cảnh báo chỉ tiêu Oxytetracycline vượt giới hạn cho phép tại EU, Nhật Bản, 18 lô bị cảnh báo nhiễm chất cấm Nitrofurazone tại EU.
Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không ít lần “nhận diện” việc sử dụng kháng sinh cấm và tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong quá trình nuôi thủy sản chưa được kiểm soát một cách triệt để. Do đó, khâu nuôi được coi là khâu yếu nhất trong chuỗi quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Sự cố kháng sinh trong lô hàng cá tra xuất khẩu vượt ngưỡng cho phép tại EU khiến cho cơ quan quản lý không thể không có những biện pháp khẩn cấp.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải cảnh báo về việc Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng - Ủy ban châu Âu (EC) đã có thông báo tình hình các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh khi xuất khẩu vào thị trường EU, trong đó có tôm, cá tra… Cơ quan thẩm quyền của châu Âu cũng “dọa” sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát bổ sung để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng khu vực này, kể cả việc cấm nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.
Ở cấp cao hơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Chỉ thị số 10318/CT-BNN-QLCL thực hiện các biện pháp cấp bách kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản, trong đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người nuôi thực hiện “4 đúng” trong việc sử dụng thuốc thú y trong quá trình nuôi và trị bệnh cho thủy sản, đặc biệt là tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y trước khi thu hoạch.
Đồng thời, các cơ quan của Bộ và địa phương thường xuyên giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm việc lưu thông, mua bán hóa chất kháng sinh cấm, thuốc thú y thủy sản ngoài danh mục…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vùng nuôi thủy sản xuất khẩu chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành địa phương tổ chức lực lượng thường xuyên giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lưu thông, mua bán, sử dụng hóa chất kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản không có tên trong danh mục được phép lưu hành. Các Chi cục Thú y tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra trong quá trình lưu thông, mua bán hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y thủy sản…
Như vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất quyết liệt trong việc kiểm soát hóa chất kháng sinh không phải chỉ ở đầu ra xuất khẩu mà cả chuỗi sản xuất, nhất là “lỗ hổng” lớn từ khâu nuôi trồng.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng cho biết đã tiến hành rà soát các chương trình kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm theo HACCP, đặc biệt là chế độ tự kiểm tra, thẩm tra của doanh nghiệp đối với các lô nguyên liệu tiếp nhận để chế biến xuất khẩu. Đó là những yếu tố đảm bảo chuỗi sản xuất thủy sản có thể cho ra các sản phẩm không chỉ ngon mà còn an toàn. Điều kiện tiên quyết để sản phẩm thủy sản Việt Nam có thể thâm nhập những thị trường “khó tính” như EU, Mỹ, Nhật Bản; để thủy sản tiếp tục là “mỏ vàng” xuất khẩu trong năm 2015.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]