Vùng ven phường Long Tuyền, quận Bình Thủy (Cần Thơ), anh Thêm, dân giăng lưới hằng đêm ngoài đồng, cho biết: "Mùa nước năm nay thật lạ. Hồi giữa tháng 7 âm lịch nước ngoài sông đã dâng cao mấp mé bờ, còn trong đồng có nơi chân ruộng ngập sâu gần 1 m khiến ai cũng lo lũ lớn sắp về. Thế nhưng bước qua tháng 8 nước lại rút êm đột ngột. Nước không lên đồng thì cá, cua, rùa, rắn… cũng chẳng có bao nhiêu. Hôm nào gặp may có cá bán hơn một trăm ngàn là mừng lắm rồi. Dân giăng câu đang trông chờ con nước cuối tháng 9 tới".
Nguồn cá đồng càng ngày ít dần, một phần do việc đánh bắt quá mức. Ảnh: Ngọc Trinh.
Có lẽ vì đón cá không về nên xóm bán lưới bên chân cầu Thơm Rơm (Thốt Nốt-Cần Thơ) hiện cũng vắng khách vãng lai. Cảnh mua lưới, đan lờ, đặt lọp… không còn chộn rộn như hồi đầu mùa lũ. Còn ở xứ đồng xa xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, ông Lê Văn Đời, một nông dân “dạn dày sương gió” qua gần 30 mùa lũ chuyên giăng lưới cá rô. Ông kể giọng yểu xìu: "Đón mùa nước lên năm nay tôi sắm hơn 50 tay lưới cá linh và cá rô, tốn gần 5 triệu đồng. Vậy mà từ đầu mùa lũ đến nay, mỗi ngày giăng lưới chừng vài ba ký (kg) cá, chỉ đủ tiền mua gạo ăn trong nhà. Thông thường mấy năm trước, qua tháng 8 nước dâng ngập đồng. Còn hiện thời nước lên đồng có nơi chưa ngập gốc rạ".
Tại vùng đầu nguồn, nước đã lên ngập đồng vùng biên giới xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu (An Giang). Dân làm nghề đánh đú những tưởng sẽ trúng mùa cá, nhưng nước lũ năm nay thật lạ, không còn nhiều cá, tôm. Ông Nguyễn Văn Nét, dân làm nghề đánh đú ở xã Phú Lộc than thở: “Năm nay cá mắm bèo quá mấy chú ơi. Nói không phải kể chứ từ nhỏ tôi đã theo cha học nghề đánh đú, tính ra hơn 40 năm rồi. Những năm trước đây trúng cá vô số kể. Cá chạy “cứng” đú, mỗi ngày mỗi đổ, mỗi lần đổ, thu cả tấn cá, thấy ngộp mắt. Hồi đó cá thật to, con nào con nấy “chành bành” chứ không như bây giờ. Mỗi lần đổ đú chỉ le hoe vài ba ký. Cá cũng toàn đồ “lạm xạm” nên bán rất ít tiền. Thậm chí thấy ít cá có khi để năm ba ngày không thèm ra đổ nữa, không biết cá đi về đâu…”
Các loại cá đồng trong mùa lũ năm nay tăng từ 10 đến 15% so với năm 2013. Ảnh: Ngọc Trinh.
“Đồ đồng” đắt đỏ
Vì cá đồng đánh bắt tự nhiên không còn nhiều như trước nên giá càng đắt đỏ. Anh Lê Văn Khoa, ở xã Khánh An, huyện Châu Thành (Đồng Tháp), cứ mùa nước lên ngập đồng là anh làm nghề đẩy côn cá lóc. Anh nói: "Theo như mọi năm con nước đầu tháng 10 bình quân mỗi ngày tôi kiếm hơn 10 kg cá lóc. Còn nay ngày trúng tôi chỉ bắt hơn 2 kg cá. Tuy vậy, vì cá không có nhiều nên ra chợ bán cho bạn hàng giá cao gấp đôi so với cá lóc nuôi. Hiện thời cá lóc đồng loại I có giá đến 140.000 đồng/kg, loại II 110.000 đến 120.000 đồng/kg, loại ba từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg, có bao nhiêu cũng không đủ bán.
Tại chợ đầu mối cá đồng huyện An Phú (An Giang), bà Trần Thị Phương, bán cá ở đây cho biết, phần lớn cá là loại nhỏ, được người dân đánh bắt bằng dớn, đú, lưới, lợp…gom hết về bán cho các hộ làm thức ăn nuôi cá. Mùa này trung bình mỗi ngày chợ mua bán không dưới 1 tấn cá như vậy. Còn các loại cá lớn giảm rất nhiều so với mùa lũ năm ngoái.
Không chỉ có cá đồng mà hàng “đồ đồng” đặc sản mùa lũ như cua, ốc, rùa, rắn…cũng rất hiếm, chủ yếu được người dân Campuchia chở qua bán cho các chợ vùng biên giới ở An Giang, Đồng Tháp và Long An. Anh Lê Văn Đủ, tiểu thương ở chợ Khánh An, huyện An Phú (An Giang) so sánh, vào mùa lũ từ tháng 7 đến tháng 11 mỗi ngày anh thu mua các loại rắn, rùa khoảng 40-50 kg. Mùa lũ năm nay lượng thu mua giảm đi 50%. Cũng vì số lượng giảm mạnh nên giá bán tăng so với năm ngoái. Bình quân giá rắn tăng 15.000 - 25.000 đồng/kg, rùa các loại cũng tăng 50.000 – 60.000 đồng/kg.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]