Niêm yết 850.000 đồng nhưng bán chỉ 300.000 đồng.
Tình trạng nói thách, bán hàng kém chất lượng, không niêm yết giá từ nhiều năm nay đã được cơ quan quản lý xem là những yếu tố khiến chợ truyền thống bị co cụm lại. Ngay cả chợ trung tâm của thành phố, các trung tâm thương mại (TTTM) cũng đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng (NTD) và du khách chỉ vì việc nói thách.
Giá một đằng bán một nẻo
Trong vai một khách hàng muốn đặt bộ khay đào đắp bạc, chúng tôi ghé vào tiệm bán đồ mỹ nghệ tại chợ Bến Thành (quận 1). Giá niêm yết là 550.000 đồng/bộ gồm ba khay. Hỏi có giảm giá được không, người bán hàng cho biết có thể bớt 20.000 đồng/bộ. Thấy giá còn cao, chúng tôi rời tiệm thì người bán nói sẽ giảm thêm 50.000 đồng nữa.
Người này còn tiết lộ nếu gặp khách du lịch thì sẽ nói giá cao hơn. Sang một tiệm khác, sản phẩm như trên có giá đến 750.000 đồng/bộ. Khi chúng tôi nói muốn đặt khoảng 30 bộ, tiệm này cho giá 410.000 đồng/bộ.
Chúng tôi quan sát thấy phần lớn số hàng được niêm yết chỉ một số loại, ít hơn rất nhiều so với hàng hóa có tại tiệm.
Không riêng gì chợ Bến Thành, ở các TTTM khác như Lucky Plaza, Taka Plaza (quận 1)…, theo khảo sát của chúng tôi, các cửa hàng kinh doanh tại đây đều không niêm yết giá.
Chị Nguyễn Thị C. (Gò Vấp) kể mới đây khi vào trung tâm Lucky Plaza mua một chiếc áo tập yoga có giá niêm yết là 399.000 đồng, chị thử trả giá, cô nhân viên giảm còn 250.000 đồng. Chị C. trả giá tiếp và cuối cùng mua sản phẩm với giá 200.000đồng.
Niêm yết đối phó
Dạo quanh chợ Bến Thành, có thể thấy phần lớn các ngành hàng đều có niêm yết giá nhưng dường như vẫn chưa đầy đủ. Có những bảng giá nằm ở vị trí rất khó thấy hoặc giá bị nhòe.
Anh T., nhân viên một gian hàng đồ mỹ nghệ ở chợ Bến Thành, cho rằng tiệm có hàng trăm mặt hàng, mẫu mã nên không thể niêm yết giá lên tất cả vì không thể đủ thời gian để thực hiện.
Lý giải vì sao không niêm yết giá cho khách biết sản phẩm nào hợp túi tiền để chọn mua, chị L., nhân viên bán hàng tại Taka Plaza, giải thích nếu có dán giá lên sản phẩm thì khách cũng trả giá.
Cùng ý kiến trên, chủ một tiệm túi xách tại chợ Bến Thành cho rằng chủ yếu là thuận mua vừa bán. Chẳng hạn chiếc ví Mullerry giá niêm yết là 850.000 đồng, người mua trả giá xuống cỡ nào cũng có thể bán được miễn sao khách hàng cảm thấy vừa ý. Và giá mà chúng tôi mua là 300.000 đồng/chiếc.
Mặc dù cùng một mặt hàng nhưng ở siêu thị thì NTD không trả giá, mua theo giá niêm yết. Nhưng tại các chợ, TTTM dù có niêm yết thì tâm lý NTD lúc nào cũng muốn trả giá. Hiểu được tâm lý này, các tiểu thương xem chuyện phải nói thách là điều đương nhiên.
Với thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng việc mua được sản phẩm có giá hợp lý hay không là điều rất khó cho NTD dù có niêm yết giá hay không.
Cần có luật chế tài
Ông Trần Quốc Huy, đại diện TTTM Lucky Plaza, cho biết trung tâm chỉ yêu cầu tiểu thương niêm yết giá 70% trên tổng số lượng hàng hóa. Mỗi ngày đều có người đi kiểm tra các gian hàng. Nếu cửa hàng nào lần đầu không thực hiện sẽ được nhắc nhở. Việc áp dụng chế tài theo quy định cam kết giữa tiểu thương với công ty là ngừng kinh doanh hoặc bị niêm phong cửa hàng… Tuy nhiên, từ khi TTTM này mở cửa hồi năm ngoái đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý nghiêm mà chỉ là nhắc nhở.
Về tình hình niêm yết ở chợ Bến Thành, ông Lê Quang Thiện, Trưởng ban Quản lý chợ Bến Thành, cho biết hiện nay ban quản lý chợ chủ yếu là vận động tiểu thương thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá quy định. Tỉ lệ các hộ kinh doanh thực hiện việc niêm yết giá là 95%.
Theo ông Thiện, nhằm mục đích hạn chế việc nói thách của các tiểu thương, chợ Bến Thành đang tiến hành lập website, trên đó có thông tin các hộ đăng ký về việc bán đúng giá, không nói thách. Website còn giúp khách hàng thuận tiện trong việc tìm kiếm quầy sạp, ngành hàng, so sánh giá… Đồng thời tại chợ còn thành lập đường dây nóng 0866504545, nếu khách hàng gặp trở ngại khi mua hàng tại chợ thì liên lạc với ban quản lý để giải quyết.
Ông Hồ Minh Chính, Giám đốc trung tâm đào tạo bán hàng chuyên nghiệp KAS, nhận định thực tế này là do văn hóa mặc cả của người mua nên người bán phải đưa ra một mức giá để thương lượng. Ngoài ra cũng do người bán cơ hội, chọn mặt khách hàng mà nêu giá bán nên không niêm yết giá. Đây là thói quen rất khó bỏ.
Theo ông Chính, hiện nay có một số mặt hàng như mắt kính, túi xách, đồng hồ… khó biết nguồn gốc, chất lượng nên giá cả là vô cùng. Do đó để thực hiện việc niêm yết giá đúng quy định, tránh không còn tình trạng nói thách rất cần ý thức của người bán. Đồng thời cơ quan quản lý cần có luật chế tài đủ mạnh mới triệt được vấn nạn này.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]