Rau an toàn cung cấp cho người tiêu dùng tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu . (Ảnh: Kim Phương/TTXVN)
Đó là nhận định của ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản trong cuộc phỏng vấn bên lề tại buổi Hội thảo Sản xuất và cung ứng sản phẩm nông sản theo chuỗi do Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức sáng nay 15/11, tại Hà Nội.
Theo Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp, muốn đánh giá mức an toàn của sản phẩm thì phải có phương pháp đánh giá khoa học và cách lấy mẫu giám sát trên diện rộng là một phương pháp đang được áp dụng cho ngành nông nghiệp hiện nay.
“Hàng năm Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản vẫn tiến hành việc giám sát lấy mẫu trên diện rộng trên các tỉnh đại diện cho các khu vực sinh thái trên cả nước các để đánh giá. Mặc dù, con số 4-6% lượng rau mất an toàn không phải quá lớn, song đó là một trở ngại đối với các hoạt động xúc tiến thương mại và ảnh hưởng trực tiếp đến những người tiêu dùng,” ông Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh.
Mặt khác, với thực tế sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún hiện nay, nhà quản lý rất khó để kiểm soát chất lượng của sản phẩm và chưa có căn cứ để đánh giá để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Bởi vậy, ông Tiệp cho rằng: “Cốt lõi của vấn đề là sản phẩm phải có nhãn hiệu. Nhờ có nhãn hiệu mà người tiêu dùng sẽ dễ dàng phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn, đâu là sản phẩm chưa an toàn đồng thời nhà quản lý cũng sẽ dễ truy xuất nguồn gốc để xử phạt hoặc rút giấy phép kinh doanh đối với cá nhân và doanh nghiệp nếu vi phạm.”
Đồng quan điểm ông Võ Thành Đô, Cục Phó Cục chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối cho biết, tình hình chế biến sản xuất rau an toàn hiện nay chủ yếu tiến hành thủ công, công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thiếu, lạc hậu.
“Hầu như không có nhà xưởng riêng dành cho sơ chế, xử lý, bao gói và bảo quản rau tươi, thiếu dụng cụ chứa sản phẩm bảo đảm chắc chắn và hợp vệ sinh, nước xử lý rau không đảm bảo chất lượng theo quy định, người lao động thiếu kiến thức về công nghệ bảo quản và vệ sinh an toàn thực phẩm,” Cục Phó Võ Thành Đô cho hay.
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các ban ngành liên quan chỉ thị tập trung thực hiện sản xuất rau có chứng nhận tại các vùng sản xuất rau chuyên canh và luân canh đồng thời quy hoạch và hình thành vùng trồng rau an toàn; gắn sản xuất với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm bằng cách tổ chức lại sản xuất rau dưới các hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại theo quy trình sản xuất RAT: VietGap, Global Gap…
Bên cạnh đó,nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế trang trại phát triển, hình thành các vùng sản xuất rau hàng hóa quy mô vừa và lớn; tích cực ứng dụng các tiến bộ về kỹ thuật canh tác, giống mới nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản xuất.
Mặt khác, nhà nước có những chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất với tiêu thụ như chính sách ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi để đầu tư vật tư và chi phí sản xuất cho nông dân đồng thời khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện các dự án khuyến nông/khuyến công dạy nghề cho nông dân.
Mục tiêu đến năm 2015, Hà Nội sẽ xây dựng các khu giao dịch rau an toàn tại 7 chợ đầu mối. Hình thành 80-90 cửa hàng rau an toàn tại các khu dân cư (1-3 cửa hàng/khu). Hình thành 350–400 quầy rau an toàn tại các chợ (1-3 quầy/chợ). Hình thành 100 gian hàng rau an toàn tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Đến 2015: Hoàn thiện hệ thống cung cấp rau an toàn, đảm bảo 60% nhu cầu rau của Hà Nội.
Đến 2020: Đảm bảo 100 % nhu cầu rau của Hà Nội, nhân rộng mô hình ra cả nước.
Theo Thanh Tâm - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]