Qua Hồ tây chơi golf: Cần phóng tay bao nhiêu triệu một ngày?
Khu vực cho người chơi đánh bóng golf được thiết kế mái che, đèn chiếu sáng và các dịch vụ để phục vụ khách chơi, kể cả buổi tối và khi trời mưa.
Thế nhưng, việc người chơi golf có được cảm giác thư thái, mới mẻ khi đánh bóng ra mặt nước thì sự tốn kém ấy còn tăng gấp nhiều lần. Không quá mới lạ, nhưng sân golf trên mặt nước Hồ Tây là điểm đến của nhiều đại gia mỗi khi cuối tuần. Ngay việc nhặt bóng trên mặt nước cũng đầy công phu...
Đã chơi không sợ... mưa rơi
Sân tập golf này nằm trong khuôn viên của khách sạn Hà Nội Club thuộc công ty liên doanh câu lạc bộ Hà Nội (gọi tắt là CLB Hà Hội - địa chỉ ở phố Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội). Theo quan sát của PV báo Đời sống và Pháp luật, bên sảnh của khách sạn là hai sân tập đánh golf hướng ra mặt nước hồ Tây. Khu vực phát bóng được thiết kế như cầu cảng, gồm hai tầng, mỗi tầng khoảng 10 khoang tập có đầy đủ đèn chiếu sáng, ghế ngồi. Người chơi sẽ đánh bóng hướng ra phần diện tích mặt hồ rộng hàng nghìn m2. Phần mặt hồ này được quây lại bằng phao nổi, cố định bằng cọc đóng xuống đáy hồ. Phía trong là các bia, cọc mốc, lưới hứng bóng, bè nổi... để người chơi ngắm làm điểm đích khi đánh bóng.
Theo chia sẻ của một người chơi golf tại đây, do họ không có thời gian để đăng ký là hội viên của CLB chơi thường xuyên nên chủ yếu chơi theo khách vãng lai vào một số buổi cuối tuần. Tất nhiên giá phí họ phải trả cũng cao hơn rất nhiều. Tính đơn giản giá của thuê sân tập, phí caddie (người phục vụ) và các dịch vụ liên quan không dưới 50 USD/ngày. Đó là chưa kể nếu người chơi chưa có dụng cụ mà phải thuê gậy, thuê giày, mua bóng golf thì cũng phải mất từng ấy tiền nữa. Như vậy, để được chơi golf trên mặt hồ Tây, người chơi phải bỏ ít nhất khoảng 100 USD tương đương với 2 triệu đồng cho một ngày chơi.
Theo nhân viên tư vấn môn chơi golf, để có thể ra sân đánh golf trên mặt nước, tận hưởng cảm giác lạ, người chơi còn phải trải qua một khóa học lý thuyết và thực hành trên sân tập riêng. Tất nhiên phí của buổi học lý thuyết và thực hành có khi lên tới cả chục triệu đồng.
Thường thì bộ đồ nghề cho mỗi tay chơi gồm một bộ gậy, túi golf, găng tay, giày. Trong đó, đắt nhất là bộ gậy, gồm đủ các loại từ gậy gỗ, sắt và loại chuyên biệt với giá dao động quanh mức 1.700 - 2.000 USD. Những bộ gậy đắt nhất có thể lên tới hàng trăm nghìn USD. Giá cả dành cho môn thể thao này vô cùng đắt đỏ và chỉ người giàu mới có điều kiện để chơi.
Anh Hùng, một người khách thường xuyên tập golf trên mặt nước hồ Tây thuộc CLB Hà Nội cho biết: Việc chơi golf không hề đơn giản, nhất là khi đích ngắm là một điểm trên mặt nước. Khi đó người đánh phải ước tính được sức gió, độ sai lệch của bóng golf khi đánh đi để đến điểm đích. Tuy nhiên, giá đầu tư chơi vô cùng lớn nhưng chơi golf trên mặt nước vô cùng kỳ thú mà khi đó chơi có một cảm giác thư thái bởi cảnh vật trên hồ khá đẹp. Anh Hùng cũng chia sẻ, người chơi golf ở đây thường là người nước ngoài và một số chủ doanh nghiệp, đại gia của Việt Nam. Bởi với họ để sắm một bộ chơi golf là cả trăm triệu trong khi đó phải bỏ ra cả chục triệu đồng cho một tháng thuê sân tập chơi golf. Đó là chưa kể việc ăn uống, thư giãn, phí dịch vụ sau mỗi buổi chơi.
Anh Nguyễn Quang Hạnh (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi chơi golf được gần 7 năm rồi. Chơi golf ngoài trời đã khó nhưng việc chơi golf trên mặt nước đòi hỏi kỹ thuật hơn rất nhiều. Chính vì vậy chơi golf trên mặt nước có thú vui riêng".
Không lo "sa mạc hóa hồ Tây"!?
Nếu như việc tập golf trên mặt nước đã khác lạ thì công việc của người nhặt bóng golf càng đặc biệt. Những nhân viên nhặt golf ở đây phải chèo thuyền đi quanh khu vực đánh bóng hàng ngàn m2 trên mặt nước hồ Tây để vớt bóng. Trời lạnh, gió to, thậm chí có những ngày mưa nhiều người vẫn chơi golf thì họ vẫn phải làm việc đó.
Chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật, anh Bình (50 tuổi, trú Tây Hồ, Hà Nội), người gắn bó gần 10 năm với công việc nhặt bóng golf trên mặt nước cho biết: "CLB hiện có khoảng 10 người chuyên nhặt bóng golf trên mặt hồ Tây. Thường thì chúng tôi chia nhóm 2 người/một thuyền. Một người lái thuyền còn người kia thì dùng chiếc vợt dài vớt bóng golf nổi trên mặt nước". Được biết, mỗi ngày anh Bình cùng đồng nghiệp nhặt bóng khoảng vài lần, một lần có khi mất đến hai giờ đồng hồ. Cứ khi nào vãn khách những nhân viên này lại thực hiện công việc nhặt bóng. Có những hôm sau 21h, khi người tập golf nghỉ chơi thì họ đi nhặt bóng. Nhiều hôm đến nửa đêm mới xong.
Để chứng minh cho PV hiểu được công việc nhặt bóng trên mặt nước, anh Bình cùng một nhân viên trẻ đi lấy thuyền và vợt để vớt bóng golf. Theo quan sát, số bóng golf người chơi đánh ra mặt nước nhiều không xuể, có khi các anh vớt đến đầy thuyền sau đó lại xếp vào các rổ đựng golf và chuyển cho người tập dùng để đánh tiếp.
Khi chúng tôi chào anh Bình và những nhân viên này ra về, họ lại tiếp tục công việc chèo thuyền lênh đênh trên mặt nước hồ Tây nhặt bóng golf. Phía bên trên, những người khách vẫn đang chăm chú bên chiếc gậy để tận hưởng thú vui đánh bóng trên mặt nước...
Khi PV đặt vấn đề người dân phản ánh bãi tập golf đã chiếm dụng một diện tích lớn mặt nước, rồi những lo ngại nguy cơ về tương lai "sa mạc hóa" mặt nước hồ Tây bởi những dịch vụ, thú chơi của tầng lớp quý tộc gia tăng, ông Bùi Đức Long, Phó giám đốc CLB Hà Nội cho biết: "Việc CLB đăng ký thuê diện tích mặt nước hồ Tây để phục vụ việc tập đánh golf đã được bộ KH&ĐT cấp phép và CLB đóng thuế cùng các dịch vụ đầy đủ cho Nhà nước theo định kỳ". Ông Long cũng cho biết việc khách chơi golf không làm ảnh hưởng đến môi trường chung và nhân viên môi trường đi vớt rác trên mặt hồ Tây cũng không gặp phiền toái bởi khu mặt nước dùng để đánh golf được quây bằng phao nổi nên có thể đi qua lại bằng thuyền bình thường!".
Chủ yếu dành cho lãnh đạo tập đoàn, chức sắc
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Bùi Đức Long, Phó giám đốc CLB Hà Nội tự hào khi giới thiệu về sân chơi golf đặc biệt duy nhất trên mặt nước hồ Tây của CLB. Ông Long cho biết, sân tập golf được mở từ năm 1993 do liên doanh giữa công ty ông và một công ty của Singapore. Ở đây có hai sân tập với khoảng vài nghìn m2. Hình thức tập golf là đánh bóng ra mặt hồ nước. Mục tiêu chính là phục vụ khách nước ngoài công tác ở Hà Nội. Về sau, có rất đông người Việt Nam tham gia, chủ yếu là lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp và quan chức. "Hiện CLB có khoảng trên 300 hội viên và rất nhiều khách tập vào cuối tuần. Các hội viên của CLB được sử dụng nhiều dịch vụ khác như tập gym, xông hơi, bơi... ngay tại khách sạn", ông Long nói.
Theo Cao Tuân - doisongphapluat.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]