Tại cửa hàng của chị Lan (Đồ Sơn, Hải Phòng), bên cạnh hơn 20 chiếc xe đạp đôi đang chờ khách thuê là một thùng xốp đá to đựng đủ loại nước giải khát. Chị cho biết, ngoài cho thuê xe đạp, chị còn bán kèm đồ uống để tăng thu nhập. Chị Lan thường mở hàng vào đầu giờ chiều cho đến đêm khi hết khách thuê.
Dịch vụ thuê xe đạp đôi được tính theo giờ với mức giá cố định là 30.000 đồng/giờ. Khách thuê phải để lại chứng minh thư nhân dân hoặc một loại giấy tờ tùy thân, số điện thoại và không phải đặt cọc. “Cho thuê 1 giờ đồng hồ nhưng khách thường chỉ “đủ sức” đạp xe 15 - 20 phút rồi trả xe, hiếm khách hàng sử dụng dịch vụ đến tiếng thứ 2”, chị Lan chia sẻ.
Mức giá cho thuê xe đạp đôi ở Đồ Sơn cố định là 30.000 đồng/giờ. Ảnh: Ngọc Lan.
Làm dịch vụ này ít khi chị Lan gặp rủi ro, từ khi cho thuê xe đạp đôi đến giờ chưa có trường hợp trộm cắp xe hay quỵt tiền. Vốn đầu tư ban đầu mua xe khá lớn. Hiện tại một chiếc xe đạp đôi giá trên thị trường 4,5 – 5 triệu đồng, với hơn 15 chiếc xe, chị Lan phải bỏ ra hơn 50 triệu đồng. Nhưng cho thuê xe đạp đôi hồi vốn khá nhanh. Trung bình mỗi ngày chị Lan cho thuê đến 30 - 35 lượt khách, giá không đổi 30.000 đồng/h, thu về tiền triệu mỗi đêm.
Tuy nhiên, theo chị Lan thu nhập chính vẫn là từ dịch vụ bán nước giải khát cho khách đạp xe. Được biết, Coca 20.000 – 25.000 đồng/lon, bò húc 30.000 đồng/lon, nước suối, C2 10.000 – 12.000 đồng/chai... Những ngày đông khách chị Lan thu nhập gấp đôi tiền cho thuê xe.
Phạm Ngọc Tâm, một khách du lịch ở Hà Nội vừa làm thủ tục trả xe chia sẻ: “30.000 đồng/h đạp xe là mức giá không rẻ chút nào. Nhóm bạn đạp 15 – 20 phút là mệt lắm rồi, ai đạp xe được đến 1 tiếng đồng hồ bao giờ”. Anh Tâm cũng được chủ quán mời mua lon Coca lạnh giải nhiệt. Tuy nhiên, lúc trả tiền Tâm không khỏi sốc khi chủ hàng hét giá 20.000 đồng/lon Coca.
Dọc bãi biển Đồ Sơn có hơn 10 hàng cho thuê xe đạp đôi nhưng đều mở thêm các dịch vụ khác đi kèm như bán nước, bán đồ lưu niệm, đồ ăn vặt… Anh C., chủ một hàng ở bãi 2 chia sẻ: “Xe đạp cho thuê được quanh năm, không như phao bơi, đồ tắm chỉ mở dịch vụ vào mùa hè, đầu thu. Tuy nhiên, phí bảo dưỡng xe cũng khá đắt đỏ nên phải bán kèm nước giải khát, bim bim để tăng thêm thu nhập”.
Theo anh C. mỗi đồ được bán giá khác nhau, “thường nhìn mặt bắt hình dong”, khách được phân chia theo: khách Tây, khách đi xe con, người đi làm hay sinh viên… “Dân ở đây bám vào khách mà kiếm sống nên phải tinh ý một chút để bán được hàng”, anh C. chia sẻ.
Anh C. cho biết, anh là người mở dịch vụ cho thuê xe đạp đôi đầu tiên ở đây. Ban đầu khách quanh vùng đến thuê xe đông như hội nhưng hiện giờ chỉ có khách du lịch ở nơi khác đến thuê xe. Anh C. phải mở thêm dịch vụ xe ôm, bán nước, bánh kẹo, đồ lưu niệm. Mỗi buổi tối, tiền cho khách thuê xe chỉ 400.000 – 500.000 đồng nhưng tiền kiếm được từ các dịch vụ khác đến 2 - 3 triệu đồng.
“Cho thuê xe đạp 30.000 đồng/h phải chi tiền vốn, tiền hao mòn, không được phá giá để cạnh tranh với hàng khác, trong khi bán nước, đồ lưu niệm ‘tiền tươi thóc thật’ lại có đủ mức giá cho khách mua hàng”, anh nói.
Cũng bị khách chặt chém như Tâm, anh Phạm Duy Ngọc, một người cùng đoàn chia sẻ, sau khi đạp xe về chủ quán mời chai nước suối giải nhiệt. Tuy nhiên, khi thanh toán trả xe thì chủ hàng đòi 45.000 đồng cả tiền thuê xe và chai nước lọc. Anh Ngọc than thở: “Nhà mình cũng bán hàng tạp hóa, một chai nước suối nhỏ giá cao cũng 3.000 – 4.000 đồng trong khi ở đây 15.000 đồng/lon, gấp 4 lần bình thường”.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]