Ảnh minh họa
Trong SX xi măng, vỏ bao là vật tư không thể thiếu. Với sức SX như hiện nay, mỗi năm ngành xi măng phải dùng tới hàng chục triệu vỏ, trị giá cả trăm tỷ đồng. Việc cung ứng vỏ bao này, lẽ ra phải được đấu thầu về giá để chọn nhà cung cấp với giá thấp nhất nhằm tiết kiệm chi phí. Thế nhưng, Tổng Cty Xi măng Việt Nam (VICEM) lại làm ngược lại bằng cách chỉ đạo các đơn vị thành viên “chỉ được” mua vỏ bao của những nhà SX do mình chỉ định.
Kết quả là các đơn vị thành viên này đã phải mua vỏ bao đắt hơn so với giá mua của nhiều nhà SX khác từ 150 - 200 đồng/vỏ, tốn kém thêm nhiều tỷ đồng. Số tiền ấy, tất nhiên, là đổ vào giá thành, và người mua phải cõng.
Trước đó, báo chí đã có bài phản ánh rằng trong việc vận chuyển xi măng, VICEM cũng không cho đấu thầu giá mà lại chỉ định một đơn vị vận chuyển, dù giá mà đơn vị này đưa ra đắt hơn từ 40 đến 80 ngàn đồng mỗi tấn, gây tốn kém thêm cho ngành nhiều tỷ đồng nữa.
Nói đến chuyện các DN Nhà nước “chỉ thích” mua đắt, không ai có thể quên được hai vụ. Một là vụ Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT của Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với cái ụ nổi 83 M già nua. Chủ ụ nổi chỉ bán với giá 2,3 triệu USD, nhưng họ Dương đã chỉ đạo phải mua với giá 9 triệu USD, thêm công vận chuyển về Việt Nam và tiền sửa chữa nữa, cuối cùng Nhà nước thất thoát tới trên 300 tỷ đồng và hiện nay vẫn mất thêm mỗi tháng 1 tỷ đồng thuê bến neo đậu nữa.
Thứ hai là vụ Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc Cty Cho thuê Tài chính II (ALCII) của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Chiếc tàu lặn Tinro 2 do Liên Xô cũ SX, được Cty Cát Long Hải mua với giá 100 triệu đồng. Nhưng với tư cách là Tổng giám đốc ALCII, Vũ Quốc Hảo đã ký hợp đồng thuê rồi mua của Cát Long Hải với giá… 130 tỷ đồng, nghĩa là cao gấp 130 lần giá gốc.
Nếu là những DNTN thì sẽ không bao giờ có chuyện như vậy. Những ông chủ DNTN sẽ cân đo, đong đếm từng đồng để cuối cùng họ sẽ mua được những hàng hóa mà mình cần với giá rẻ nhất, chất lượng tốt nhất. Vì sao những “ông lớn” của Nhà nước đó lại chỉ thích mua đắt, bất chấp cả pháp luật lẫn quy luật cung cầu của thị trường như vậy?
Trong thương vụ mua bán cái ụ nổi đồng nát 83 M, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, mỗi người được 10 tỷ đồng, và Dương Chí Dũng đã dùng ngay 10 tỷ đồng đó để mua cho cô bồ trẻ liền một lúc hai căn hộ vào hạng sang ở Hà Nội.
Thế còn với VICEM thì sao? Số tiền mua đắt, vận chuyển đắt mà các đơn vị thành viên của “ông lớn” này phải cắn răng nộp cho những đơn vị được VICEM chỉ định cung cấp vỏ bao và vận chuyển đó, liệu có chảy ngược trở lại vào túi một số cá nhân nào không? Câu hỏi vẫn chưa có lời đáp.
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]