Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm 2014 ước khoảng 341.000 tấn, trị giá 651 triệu USD, giảm 10,7% về lượng và giảm tới 32,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013. Cách đây không lâu, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế xuất khẩu cao su sơ chế xuống 0%, lý do: Giá cao su trên thị trường liên tiếp giảm, từ trên 60 triệu đồng/tấn cách nay 3 năm xuống dưới 40 triệu đồng/tấn hiện nay. Thời điểm này, giá cao su ở các tỉnh Đông Nam bộ chỉ còn 27- 34 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 7 triệu đồng/tấn so với tuần đầu tiên tháng 6/2014. Do đó, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp cao su giảm, tính cạnh tranh thấp. Tuy nhiên, việc đề xuất giảm thuế xuất khẩu cao su khiến nhiều người lo ngại sẽ dẫn đến tình trạng mua rẻ, bán rẻ, khiến cho giá vốn cao su đã giảm mạnh sẽ càng mất giá hơn.
Chuyện giá giảm, nông dân phá bỏ vườn cao su, đã được cảnh báo từ 3 năm trước, khi giá cao su xuất khẩu đang đứng ở đỉnh cao, kim ngạch lớn. Đặc biệt, do phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc, độ rủi ro lớn, chỉ cần một lệnh “dừng nhập”, cao su Việt Nam sẽ nhanh chóng lao đao. Đến nay, lời cảnh báo đã thành hiện thực.
Có chuyên gia kinh tế nhận định: Doanh nghiệp Việt Nam chỉ chú trọng tới việc sản xuất nhanh, nhiều, chọn thị trường dễ tính, bán giá rẻ, chứ không quan tâm tới việc nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị gia tăng để tham gia sâu hơn, có vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cách làm đó chỉ phù hợp khi làm ăn với Trung Quốc.
Và, chính ông chủ Hoàng Anh Gia Lai đã nhìn ra vấn đề đó từ lâu. Bầu Đức- người đã và đang gắn bó với cây cao su- từng thẳng thắn trên báo chí: Việc phụ thuộc vào một thị trường sẽ rất rủi ro. Trung Quốc chỉ là một nước nhập khẩu cao su như nhiều nước khác. Hoàng Anh Gia Lai không xuất khẩu cao su sang Trung Quốc. Chúng ta phải mạnh dạn đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng thị trường. Tuy nhiên, để cao su thâm nhập được thị trường thế giới đòi hỏi chất lượng khắt khe hơn, kinh doanh khó khăn hơn... nhưng không thể không làm.
Chuyện “nghịch” của cao su cũng là chuyện của nhiều mặt hàng nông sản khác. Nay cũng chính là thời điểm thích hợp để các nhà quản lý, các doanh nghiệp làm một cuộc “cách mạng” về tư duy, chiến lược sản xuất- kinh doanh không riêng cho cây cao su.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]