Theo một lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương):
Khả thi nhưng phụ thuộc các địa phương
Giải thích về mục tiêu, ý nghĩa của dự thảo nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia, theo Vụ Công nghiệp nhẹ - đơn vị chủ trì soạn thảo, mục tiêu Bộ Công thương nhắm tới là hạn chế lạm dụng bia rượu, hạn chế việc uống không đúng lúc, đúng chỗ và uống quá liều lượng.
Bia hơi vỉa hè trên phố Tăng Bạt Hổ, Hà Nội hoạt động nhộn nhịp.
Dự thảo có một số quy định như cấm bán ở bệnh viện, trường học, công sở, vỉa hè, bán cho người dưới 18 tuổi, người đang cho con bú..., nhưng những điều này không phải do cán bộ soạn thảo tự nghĩ ra, mà được căn cứ từ quyết định 224 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 và một số quy định của Bộ Y tế về hạn chế lạm dụng bia rượu... Nghĩa là những vấn đề trên đã được các văn bản quy phạm pháp luật nêu rồi, dự thảo nghị định của Bộ Công thương chỉ nêu lại để đảm bảo thống nhất.
Nghị định là văn bản của Chính phủ, nên việc tổ chức thực hiện và kiểm tra xử lý sẽ theo quy định chung. Cụ thể, sẽ được đưa về các bộ ngành, địa phương thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Bộ Công thương chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về ngành. Do có quản lý lĩnh vực bia nên bộ được giao làm dự thảo nghị định về quản lý sản xuất kinh doanh bia.
Dự thảo nghị định phải đảm bảo tính đầy đủ, giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Còn việc có khả thi hay không phải phụ thuộc vào việc triển khai của các địa phương, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Chẳng hạn, Hà Nội đã ra quy định cấm bán hàng dưới lòng đường, vỉa hè nhưng có quận làm tốt, có quận tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.
Khách nước ngoài uống bia trên vỉa hè đường Bùi Viện, Q.1, TP.HCM.
Tuy nhiên, quan điểm nên theo hướng nơi nào chưa thực hiện tốt thì cần chấn chỉnh, nỗ lực hơn, chứ không phải vì thế mà không quy định. Hơn nữa, “việc xây dựng nghị định cũng nhằm tạo ý thức cho người sử dụng. Nếu nói không khả thi mà không đưa vào thành quy định thì người tiêu dùng vẫn tự do lạm dụng”.
Thực tế, trong dự thảo nghị định có những điểm bản thân thành viên ban soạn thảo vẫn đánh dấu “ngoặc vuông”, có nghĩa còn có nhiều ý kiến rất khác nhau ngay trong tổ soạn thảo, cần lấy thêm ý kiến góp ý.
Dự thảo mới được đưa lên website của Bộ Công thương để lấy ý kiến nhân dân. Vì vậy, các vấn đề nêu chưa phải quyết định cuối cùng. Tất cả ý kiến đóng góp sẽ được tổ soạn thảo tiếp thu làm căn cứ để chỉnh sửa nghị định cho phù hợp với thực tế.
Dự thảo nghị định sẽ xin ý kiến nhân dân trong 60 ngày, sau đó lấy ý kiến của bộ, ngành, địa phương và hiệp hội. Kế tiếp sẽ còn phải tổ chức hội thảo để các bên đóng góp ý kiến. Dự kiến, Bộ Công thương sẽ hoàn tất nghị định và trình Chính phủ vào cuối năm 2014.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bia:
Tốn kém nhưng không khả thi
Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Công thương có gửi công văn tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Và tôi đã góp ý một số điểm trong dự thảo nói trên, đặc biệt là việc cấm kinh doanh bia trên vỉa hè, cũng như quy định khi đưa bia ra thị trường tiêu thụ phải ghi rõ thành phần, hàm lượng và cả tác hại của việc lạm dụng bia.
Theo tôi, không thể cấm kinh doanh bia trên vỉa hè, vì văn hóa người Việt mình hay bán hàng quán, hàng nước. Khách ngồi chơi ngắm cảnh uống một, hai lon bia chẳng lẽ cũng bị cho là vi phạm luật? Mà luật nào cấm hành vi này? Tội danh của nó là gì? Lực lượng nào sẽ đi kiểm tra từng hàng, từng quán để biết họ có bán bia không?
Rất buồn cười! Nếu các nhà quản lý cho rằng, việc hạn chế điểm bán, trong đó có điểm bán ở vỉa hè, nhằm ngăn chặn các tác hại xấu từ bia mang lại thì đây không phải là một biện pháp có tính khả thi cao, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.
Riêng việc dán nhãn tem trên bia thì càng vô lý. Mục đích của việc dán nhãn này để làm gì? Nếu muốn ngăn chặn bia giả, bia nhập lậu thì đã có cơ quan chức năng khác lo.
Còn nếu đòi nhà sản xuất phải dán thì với bia lon phải dán tem ở đâu, trong khi bản thân trên các sản phẩm bia hiện nay đều đã có đầy đủ thông tin cần thiết cho người tiêu dùng biết họ đang sử dụng sản phẩm của ai, bao gồm những thành phần, cấu tạo gì trong sản phẩm.
Còn nếu dán trên bia chai, nhà sản xuất phải tốn thêm chi phí khủng cho công tác tẩy rửa, xử lý vì chúng tôi vẫn phải sử dụng chai lại. Rõ ràng chỉ gây tốn kém thêm cho doanh nghiệp và không hề mang lại thêm cho người tiêu dùng được lợi ích gì.
* Anh Nguyễn Phú Trung (nhân viên văn phòng tại Q.3, TP.HCM):
Vào quán nhậu mất thời gian hơn
Các buổi chiều đá banh của tôi đều kết thúc tại những quán bia vỉa hè ngay cạnh sân. Không có thời gian để ngồi lâu, chỉ ngồi ngay quán bia vỉa hè ngay cổng ra này làm vài ly rồi về, gọn ghẽ. Nếu dẹp bia vỉa hè thì chuyển vô quán, nhưng dân thể thao không khoái mấy chỗ tù túng, với lại vô quán thường phải nhậu ra nhậu, mất thời gian hơn.
* Chị Lê Thu Hương (bán bia hơi gần sân bóng 367 Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình):
Không bán vỉa hè thì không biết bán ở đâu
Nếu cấm bán bia trên vỉa hè, tôi chưa biết sẽ làm gì vì thuê quán lớn thì không đủ sức, chỉ loanh quanh bán vỉa hè kiếm cơm thôi. Bán ở đây cũng hay bị lực lượng giữ gìn trật tự ra dẹp đuổi, nhưng ngoài những đợt cao điểm thì thời gian còn lại vẫn có chỗ đứng bán. Bán nhỏ lẻ muốn thuê chỗ cũng khó, tiền thuê cao mà không biết bán có đủ tiền thuê mặt bằng không nữa.
* Anh Thạch Sơn (chủ quán bia ở đường Bùi Viện, Q.1):
Người buôn bán nhỏ gặp khó khăn
Nếu dẹp vỉa hè thì tất nhiên là phải chấp nhận. Hiện giờ bên trật tự phường vẫn hay đi dẹp, tụi tôi cũng chỉ dám đặt bàn ghế sát hiên nhà kiếm thêm ít bàn chứ không dám đặt tràn ra như hồi trước. Nếu cấm hẳn vỉa hè và phần hiên trước nhà thì tụi tôi rất khó khăn vì quán phía trong hẹp quá.
* Ông Lê Thanh Tuấn (chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM):
Cấm bia vỉa hè không ảnh hưởng tới du lịch
Việc quản lý vỉa hè, dọn dẹp trật tự do bán bia vỉa hè cũng như các loại hàng quán khác khiến phường tốn rất nhiều nhân lực và thời gian. Các quán ở khu vực này, đặc biệt là khu phố Tây, hoạt động mạnh vào tầm từ 18g tới 1-2g hôm sau.
Chúng tôi phải bố trí các ca trực liên tục thời gian đó, mỗi ca khoảng 10 người. Du khách nước ngoài tới đây vẫn thường ngồi các quán vỉa hè, nhưng chủ yếu họ hòa cùng giới trẻ VN tại đây và sẽ vào ngồi trong các quán nếu vỉa hè không bán bia, do vậy không ảnh hưởng gì tới du lịch địa phương.
* Chị Hồ Thị Hà (nhà ở gần một quán bia vỉa hè trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp):
Nên cấm bán bia vỉa hè
Tôi trông chờ từng ngày để dự thảo cấm bán bia vỉa hè thành hiện thực. Phải cấm bán bia vỉa hè mới đảm bảo công bằng. Vỉa hè chung mà cái nhà mặt tiền đó coi như sở hữu riêng của họ, bày bán thoải mái, ai đi qua không được. Dân cả khu phố tự nhiên mất hết quyền lợi dùng vỉa hè chung cho mấy cái quán đó, đâu có được.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]