Lượng cá cảnh sản xuất mỗi năm hàng chục triệu con, nhưng tỷ lệ xuất khẩu chỉ hơn 10%. Con số này quá khiêm tốn so với tiềm năng ở TP.HCM - nơi luôn được coi là trung tâm ngành cá cảnh cả nước.
Còn đuối khi bơi xa
Đã từng nuôi đủ loại và là tay cự phách trong ngành cá cảnh TP.HCM, nhưng hiện tại ông Phạm Điền Trang (Bình Chánh) chỉ gom lại 2 loại chính là cá phướn và cá 7 màu. Đây là những dòng cá có màu sắc đa dạng, sinh sản tốt, dễ nuôi nhưng đem lại hiệu quả kinh tế khá nên được nhiều người chọn nuôi vừa tạo cảnh quan đẹp vừa kiếm thêm thu nhập. Ông Trang kể, 1 cặp cá 7 màu xuất bán tại ao là 1.200 – 2.000 đồng nhưng tại châu Âu, người ta có thể bán trung bình 3 USD/cặp. Với số lượng xuất khẩu mỗi tháng 70.000 cặp cá 7 màu, 4.000 cá phướn; mỗi năm ông lời trên dưới 300 triệu đồng.
Ông Phạm Điền Trang chăm sóc cá ở trại. Ảnh: N.V
Thống kê từ Sở NNPTNT TP.HCM, 10 tháng đầu năm 2016, sản xuất cá cảnh trên địa bàn đạt 87 triệu con, tăng 2,4% cùng kỳ. Số lượng cá cảnh xuất khẩu trong 10 tháng là 12.627.000 con, tăng 14,3% so cùng kỳ. Riêng cá cảnh 7 màu, 7 tháng đầu năm 2016, số lượng xuất khẩu hơn 600.000 con, giá trị kim ngạch ước đạt 191.449,8 USD. |
Ông Trang chia sẻ, sản xuất như thế là tạm đủ. Theo lời ông, khâu chăn nuôi hiện còn manh mún, việc thu mua xuất khẩu còn bấp bênh theo mùa. Các hộ nuôi quanh Bình Chánh cũng chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất cầm chừng và ký kết các hợp đồng mua bán bằng miệng.
Những nghệ nhân hoặc người nuôi cá có tay nghề ở TP.HCM không thiếu. Kể cả những giống cá khó nuôi cũng luôn được người chơi săn lùng và thuần phục. “Tiềm năng sản xuất cá cảnh ở thành phố này còn lớn lắm nhưng việc chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ. Người nuôi cá vẫn phải tự bơi là chính, bơi không nổi thì đuối, đuối quá thì nghỉ thôi” - ông Trang cho biết. Theo ông, để ngành này phát triển, cần có người làm “chủ xị” tìm đầu ra ổn định để tổ chức lại chăn nuôi.
Đồng quan điểm, kỹ sư Tống Hữu Châu (chủ trại cá ở quận 12) cho rằng tìm kiếm và cung ứng cho thị trường xuất khẩu là việc cấp bách. “Thời gian qua, xuất khẩu cá cảnh chỉ chiếm 10% so với tổng sản lượng cá cảnh được sản xuất ra” - ông Châu cho biết.
Đẩy mạnh liên kết và công nghệ cao
Tại địa phương có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu cá cảnh là huyện Củ Chi, ông Lê Hữu Thiện- Giám đốc Công ty Thiên Phước cho rằng, một chợ cá cảnh xứng tầm thành phố để tạo môi trường thương mại hoặc làm nơi tổ chức các hội thi cần sớm được hiện thực hóa. Ông Thiện cũng đề nghị cần chỉnh sửa, cập nhật danh mục nhập khẩu cá cảnh, thống nhất rõ thuế nhập khẩu cụ thể.
Mục tiêu sản xuất, xuất khẩu cá cảnh đến năm 2020 của TP.HCM Sản lượng sản xuất cá cảnh đạt 150 - 180 triệu con Xuất khẩu đạt 40 - 50 triệu con Kim ngạch xuất khẩu đạt 40 - 50 triệu USD. |
Về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá cảnh đạt 50 triệu USD vào năm 2020, bà Huỳnh Thị Kim Cúc- Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, việc tổ chức lại sản xuất và ứng dụng công nghệ cao là bước đi cấp thiết cho ngành cá cảnh thời gian tới. Thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, đầu mối xuất khẩu. Các giống cá cảnh bản địa quý hiếm, các giống cây thủy sinh đặc trưng, có giá trị kinh tế sẽ được bảo tồn để phát triển thành sản phẩm chủ lực.
Theo bà Vũ Thị Thanh Hương-Phó trưởng Phòng công nghệ sinh học thủy sản, phương pháp chuyển gen tạo cá phát sáng huỳnh quang đa dạng màu sắc là một giải pháp mới đang dược áp dụng cho phát triển cá cảnh trên thế giới hiện nay. Ngay tại TP.HCM, năm 2015, Trung tâm Công nghệ sinh học đã tạo thành công cá sóc chuyển gen.
“Đây là tiền đề phát triển các dòng cá cảnh mới, đặc biệt là các đối tượng cá cảnh bản địa được yêu thích, có các đặc tính thân trong suốt, ít vảy, sống trong môi trường nước ngọt như cá sơn sim, cá thủy tinh…” - bà Hương nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]