Kinh tế thế giới năm tới sẽ bị chi phối bởi 4 nhóm quốc gia. Nhóm đầu tiên, do Mỹ dẫn đầu, sẽ tiếp tục có những bước tiến trong nâng cao hiệu suất của nền kinh tế. Thị trường lao động sẽ tươi sáng hơn với nhiều công việc được tạo ra đi kèm với việc tiền lương được cải thiện. Những lợi ích từ sự tăng trưởng của nền kinh tế sẽ được phân phối công bằng hơn so với những năm vừa qua nhưng sự phân cách về giàu nghèo, mức độ thu nhập vẫn rất lớn.
Nhóm nước thứ 2, điển hình là Trung Quốc, giữ mức tăng trưởng ổn định và thấp hơn mức trung bình của những năm trước, đồng thời tiếp tục quá trình hoàn thiện cơ cấu của nền kinh tế. Các nước như Trung Quốc sẽ tiếp tục tái định hướng mô hình tăng trưởng để hướng tới sự phát triển bền vững hơn - một nỗ lực có thể đôi khi làm thị trường tài chính toàn cầu chao đảo nhưng không chệch hướng. Các nền kinh tế này sẽ nỗ lực tăng trưởng thị trường nội địa, nâng cao chất lượng các khung pháp lý, khuyến khích lĩnh vực kinh tế tư nhân và mở rộng quy mô của hoạt động quản lý nền kinh tế dựa trên yếu tố thị trường.
Nhóm thứ ba, dẫn dầu là các nước châu Âu, sẽ nỗ lực thoát khỏi tình trạng trì trệ, thực trạng đã gây nên những bất ổn chính trị xã hội tại một số nước và gây khó khăn cho việc ra các quyết sách của khu vực. Sự tăng trưởng èo uột, các nhân tố gây giảm phát và tình trạng nợ công sẽ gây cản trở cho hoạt động đầu tư, có thể dẫn tới những tác động tiêu cực hơn cho nền kinh tế. Ở một số nền kinh tế bị tác động mạnh nhất, tình trạng thất nghiệp, nhất là ở giới trẻ, sẽ vẫn ở mức cao đáng báo động và kéo dài.
Nhóm các nền kinh tế cuối cùng bao gồm các nước có nhiều yếu tố khó dự đoán, điển hình trong nhóm này là Nga. Nước này đang phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế, khả năng sụp đổ của đồng nội tệ, sự tháo chạy của dòng vốn và thiếu thốn hàng hóa do hoạt động nhập khẩu bị thắt chặt. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cần xử lý khéo léo vấn đề Ukraine, điều chỉnh quan hệ với phương Tây để xây dựng một nền kinh tế bền vững, đa dạng hơn.
Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp Moskva phải đối mặt với các vòng trừng phạt mới, đẩy nền kinh tế tới khó khăn hơn nữa và thậm chí có thể gây bất ổn chính trị, dẫn tới những vấn đề trầm trọng hơn không chỉ cho kinh tế Nga mà toàn khu vực.
Brazil là một nền kinh tế tiềm năng khác song cũng chứa đựng nhiều nhân tố có thể gây bất trắc. Tổng thống tái đắc cử Dilma Rousseff đã bật đèn xanh cho việc sẵn sàng cải thiện năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, trong đó phản đối chủ trương tập trung quyền lực. Những lợi ích tiềm tàng của chính sách mới này hiện chưa rõ ràng so với những thiệt hại và hậu quả ngoài mong muốn mà người dân phải gánh chịu. Nhưng nếu thành công, Brazil, cùng với Mexico, có thể sẽ gia nhập đội ngũ các nước ổn định tại Mỹ Latinh trong năm 2015, góp phần giúp khu vực vượt qua được những hiệu ứng bất lợi từ Venezuela, nền kinh tế đang gặp không ít khó khăn do giá dầu giảm.
Bức tranh kinh tế nhiều màu sắc này cũng được thể hiện qua cách các ngân hàng trung ương trên thế giới điều hành chính sách tiền tệ. Ngân hàng trung ương Mỹ (FED) đã ngừng gói kích cầu dài hạn quy mô lớn và khả năng sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong quý 4 của năm tới. Trái lại, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ, và sẽ bơm vào thị trường trong quý đầu tiên của năm 2015 những gói giải pháp mới nhằm cân đối thanh khoản. Trong khi đó, Ngân hàng Nhật Bản dự báo sẽ tiếp tục duy trì chính sách kích thích tiền tệ hòng vực dậy nền kinh tế đã giảm phát suốt thời gian dài.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]