- Parkson Lankmark 72 tạm ngừng các hoạt động kinh doanh do chưa thống nhất về tiền thuê mặt bằng với Công ty Keangnam – Vina. Đến nay, Parkson Lankmark 72 vẫn chưa chính thức thông báo ngừng hoạt động.
- Thị phần của các loại hình bán lẻ hiện đại tại Hà Nội đang ở mức thấp.
- Nguyên nhân thua lỗ của TTTM: Hạ tầng tập trung ở nội thành; Giá thuê mặt bằng cao do tập trung phân khúc cao cấp; Sức mua còn yếu.
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội – chia sẻ với phóng viên thông tin về tình hình phát triển của các TTTM cao cấp trên địa bàn Hà Nội nói chung, và vụ việc Parkson Landmark 25 tạm ngừng kinh doanh nói riêng.
Parkson Lankmark 72 vẫn chưa chính thức thông báo ngừng hoạt động
* Thưa bà, liên quan đến vụ việc TTTM Parkson Lankmark 72 đóng cửa, xin bà cho biết nhận định của Sở Công thương về vấn đề này?
Trường hợp TTTM Parkson Lankmark 72 tạm ngừng các hoạt động kinh doanh từ ngày 02, 03, 04/01/2015, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường phối hợp cùng chính quyền sở tại kiểm tra thông tin và yêu cầu Công ty Parkson Hà Nội có báo cáo chi tiết về tình hình để xảy ra sự việc trên.
Ngày 05/01/2015, theo yêu cầu của Sở Công thương Hà Nội, Công ty Parkson Hà Nội đã cử đại diện lãnh đạo Công ty đến Sở Công thương báo cáo tình hình chi tiết tình hình sự việc, được biết do chưa thống nhất về tiền thuê mặt bằng giữa Công ty Keangnam – Vina và Công ty TNHH Parkson Hà Nội và quá trình đàm phán giữa 2 bên cũng chưa đạt hiệu quả.
Cho nên, tạm thời Công ty Parkson Hà Nội tạm ngừng các hoạt động kinh doanh tại đây và đã có thông báo tạm ngừng kinh doanh để các đơn vị trong ngày 03, 04/01/2015 chuyển hàng hóa ra khỏi TTTM Parkson Lankmark 72.
* Trong trường hợp này, quyền lợi của tiểu thương được bảo vệ như thế nào?
Về việc đảm bảo quyền lợi của các tiểu thương thuê mặt bằng kinh doanh là trách nhiệm của Công ty TNHH Parkson Hà Nội sẽ được giải quyết theo hợp đồng kinh tế dân sự đã được ký kết giữa các bên và theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hà Nội vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp bán lẻ
* Nhiều TTTM cao cấp đang ế ẩm, đây có phải thực trạng chung của các TTTM cao cấp hay không?
Trong năm 2014 tiếp tục đánh dấu là một năm có nhiều biến động đối với thị trường bán lẻ hiện đại trong nước nói chung và của Hà Nội nói riêng, hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một số TTTM, siêu thị phải bán hoặc tạm ngừng hoạt động như việc Tập đoàn Berli Jucker Thái Lan mua lại tập đoàn Metro Việt Nam hay mua lại chuỗi Family Mart Nhật Bản; Parkson Landmark 72; TTTM Tràng Tiền Plaza ngừng hoạt động để tái cơ cấu…
Thị phần của các loại hình bán lẻ hiện đại (đang được coi là động lực phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam) tại Hà Nội đang ở mức thấp. Hiện nay, mức lưu chuyển hàng hóa qua kênh phân phối bán lẻ hiện đại khoảng trên 15%, còn lại là các kênh phân phối khác như qua chợ truyền thống, các đại lý nhà sản xuất…Mức độ đầu tư, xây dựng mới các TTTM và đi vào hoạt động thấp (Chỉ có 02 TTTM Lotte Đống Đa và Ba Đình, đi vào hoạt động).
Xét về tổng thể, việc các TTTM trong những năm qua liên tục phát triển với mật độ cao, đặc biệt nhận được sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài lớn (trong năm 2014 là tập đoàn Lotte Hàn Quốc, AEON Nhật Bản, và tập đoàn Central Thái Lan; trong nước có Tập đoàn Vingroup với 2 khu tổ hợp TTTM lớn đã đi vào hoạt động là Royal City và Times City). Điều này chứng minh thành phố Hà Nội vẫn được đánh giá cao, vẫn đang là điểm đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư.
Ngoài ra Hà Nội hiện cũng đang xếp vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng 19 thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới và lọt vào trong danh sách 10 thành phố nơi các nhà bán lẻ có ý định mở cửa hàng nhiều nhất vào năm 2014 (theo báo cáo đánh giá của tập đoàn CBRE – Mỹ) do hệ thống phân phối- bán lẻ hàng hóa ở Hà Nội đã phát triển tương đối mạnh cả về số lượng, chất lượng và quy mô, bước đầu thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người dân Thủ đô và khách du lịch trong nước và quốc tế.
* Vậy, lý do việc thua lỗ của các TTTM là gì?
Việc các TTTM đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh thời gian qua, đặc biệt tại phân khúc các TTTM cao cấp do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động.
Một là, hạ tầng thương mại hiện đại chỉ đang tập trung tại khu vực nội thành, mặc dù trong một số năm trở lại đây đã có sự phát triển của các siêu thị tại các huyện, thị trấn, nhưng số lượng không cao do sức mua bán đối với các loại hình này còn thấp nên các doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc đầu tư xây dựng, phát triển các siêu thị, TTTM tại địa bàn nông thôn.
Hai là, mặt bằng bán lẻ là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các nhà bán lẻ, Hà Nội trong năm 2014, tuy chứng kiến rất nhiều sự gia nhập thị trường bất động sản cho thuê mặt bằng kinh doanh thương mại nguồn cung dồi dào, nhưng thường lại tập trung vào mặt bằng bán lẻ trung và cao cấp, trong khi đại đa số các DN bán lẻ vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ luôn vất vả tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp với tình hình tài chính của mình. Việc thuê lại mặt bằng của các TTTM với giá thành cao vô tình đã đẩy giá cả hàng hóa trong các TTTM cao hơn mặt bằng chung so với các loại hình bán lẻ khác dẫn đến không hấp dẫn được đại đo số người tiêu dùng đến mua sắm.
Ba là, yếu tố sức mua. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng đến sức mua của đại đa số tầng lớp người tiêu dùng Việt Nam và Hà Nội, khả năng chi trả của người tiêu dùng thực tế trong thời gian vừa qua đã nói lên sức mua ảm đạm trong các TTTM, người tiêu dùng hiện nay có nhiều sự lựa chọn qua các kênh mua bán hàng hóa khác nhau (như mua hàng hóa online, đặt hàng trực tiếp từ trong và ngoài nước; qua các đại lý bán hàng nhà sản xuất hay tại các phố thương mại bán buôn, bán lẻ truyền thống lâu năm…), không nhất thiết phải vào trong các TTTM, do đó dẫn đến hàng loạt các TTTM chuyên các mặt hàng cao cấp, xa xỉ phẩm phải tái cơ cấu để tăng lượng hàng hóa bình dân phù hợp với đại đa số người tiêu dùng hoặc phải tạm ngừng hoạt động.
* Có ý kiến việc thua lỗ của các TTTM cao cấp là do thuế cao và công tác quản lý hàng giả, hàng nhái còn kém, Ý kiến Sở Công thương về nhận định này?
Nhiều ý kiến cho rằng việc thua lỗ của các TTTM cao cấp là do thuế cao và công tác quản lý hàng giả, hàng nhái còn kém.
Với ý kiến nguyên nhân thua lỗ của các TTTM cao cấp một phần là do công tác quản lý hàng giả, hàng nhái còn yếu kém, nhận định này chưa chính xác. Việc hoạt động kinh doanh hiệu quả chưa cao của nhóm phân khúc TTTM cao cấp phần chính là do định hướng của các TTTM này tập trung vào phân khúc khách hàng có thu nhập cao và ổn định, khi khả năng chi trả của người tiêu dùng thực tế trong thời gian vừa qua không đáp ứng được.
Thêm vào đó, việc hiện nay có nhiều sự lựa chọn qua các kênh mua bán hàng hóa khác nhau không nhất thiết phải vào trong các TTTM, do đó dẫn đến hàng loạt các TTTM chuyên các mặt hàng cao cấp, xa xỉ phẩm phải tái cơ cấu để tăng lượng hàng hóa bình dân phù hợp với đại đa số người tiêu dùng hoặc phải tạm ngừng hoạt động.
Sở Công thương thường xuyên, hàng năm chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái đặc biệt tập trung vào các dịp Lễ Tết, cuối năm. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu bị phát hiện vi phạm sẽ đối chiếu theo các quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP để tiến hành xử lý, xử phạt.
* Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, hệ thống thương mại trên địa bàn thành phố có 141 siêu thị, trong đó có 95 siêu thị kinh doanh tổng hợp và 42 siêu thị chuyên doanh; 29 TTTM đang hoạt động (Sở Công thương đã tiến hành phân hạng và phê duyệt nội quy hoạt động 103 siêu thị và 19 TTTM).
Đã có 05 công trình chợ - TTTM đưa vào hoạt động, 02 công trình đang chuẩn bị đưa vào hoạt động; 03 dự án bị hủy bỏ; 03 dự án đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai; 06 dự án chưa triển khai.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]