Theo đó, Hà Nội sẽ có 23 siêu thị hạng 1, 111 siêu thị hạng 2 và 865 siêu thị hạng 3. Kế hoạch đầu tư 1000 siêu thị để phát triển hệ thống bán lẻ của Hà Nội đang bị cho là thiếu hiệu quả và đi vào vết xe đổ của mình khi lần lượt biến các chợ thành trung tâm thương mại vốn đang rất ế ẩm.
Ông Vũ Vinh Phú-Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã có nhiều chia sẻ về thị trường bán lẻ Việt Nam và đề án xây dựng 1000 siêu thị ở Hà Nội.
PV: Hà Nội vừa có đề án xây dựng 1000 siêu thị và trung tâm thương mại. Theo ông tính khả thi của đề án này ra sao?
Ông Vũ Vinh Phú: Con số đó là quá phiêu lưu. Đất đai, tiền vốn, nhân lực...để làm 1000 siêu thị không phải là ít. Chúng ta nên có những quy hoạch cụ thể chứ không nên đề ra lớn quá rồi không thực hiện được lại hụt hẫng. Con số 1000 siêu thị là quá lớn theo tôi chỉ nên xây dựng khoảng 1/3 là phục vụ tốt cho dân rồi. Hà Nội giờ có khoảng 100 siêu thị, chúng ta phải củng cố số lượng này cho tốt sau đó có thể mở rộng dần. Đừng để 3 siêu thị ở cùng một con phố, hoạt động chồng chéo giẫm chân lên nhau.
PV: Nhiều người cho rằng đây là một đề án “trên mây”, theo ông trở ngại nào khiến cho đề án 1000 siêu thị thiếu tính khả thi?
Ông Vũ Vinh Phú: Metro mở siêu thị hết 18 triệu USD/2ha. Chúng ta không có vốn để làm như họ. Thực tế chỉ nên mở những siêu thị nhỏ, cửa hàng mini, mở siêu thị lớn với mức độ có hạn khoảng từ 1000-2000m2. Về nguồn nhân lực kinh doanh thực sự ở siêu thị chỉ mới có 5% còn lại là các ngành khác nên chưa chuyên nghiệp. Thêm một vấn đề nữa là nguồn hàng ở đâu để đáp ứng cho 1000 siêu thị rồi giá cả cạnh tranh như thế nào với hàng rau quả Thái Lan.
Tôi sợ nhất là siêu thị giẫm chân lên nhau hoạt động bất chấp mọi thứ để câu kéo người tiêu dùng.
PV: Việc xây dựng 1000 siêu thị có làm cho thị trường bán lẻ Hà Nội sôi động, kéo sức mua lên?
Ông Vũ Vinh Phú: Lương công nhân 2,7 triệu làm gì có sức mua. Có người nói họ không dám vào siêu thị. Hơn 87% dân số Hà Nội vào chợ cóc, chợ tạm, chợ truyền thống…mua hàng.
Tái sản xuất giản đơn còn không đủ thì lấy đâu ra sức mua, rồi phải kiềm chế lạm phát nếu không giá cả nhảy hơn cả lương thì nguy hơn. Duy trì sức mua, tiêu thụ là rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân.
Thuế ở Việt Nam cao đến 10% thì làm gì có sức mua. Ở Nhật người ta nâng thuế tiêu thụ 5-7% người ta đã tiêu thụ giảm ngay rồi. Cho nên chúng ta phải nhìn vào sức dân để quy hoạch. Chúng tôi đã kiến nghị Quốc hội giảm 50% thuế, từ 10% xuống còn 5%, từ 5% xuống còn 2,5% nhưng chưa ai có ý kiến.
PV: Làm sao để tăng sức cạnh tranh và đẩy lùi làn sóng ngoại nhập trong thị trường bán lẻ Việt Nam, thưa ông?
Ông Vũ Vinh Phú: Sắp tới chúng ta sẽ tham gia ASEAN 15 và TPP, thuế suất sẽ về 0%, không cạnh tranh được sẽ phá sản. Muốn hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Việt Nam thì người sản xuất phải yêu nước trước sau đó đến người phân phối. Chúng ta phải cải tiến mẫu mã, hạ giá thành. Về chiến lược chúng ta phải đầu tư chiều sâu, hiện năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 2-15 lần so với khu vực và thế giới nên giá thành sản phẩm cao dẫn đến lép vế.
Tôi lấy ví dụ, Hoàng Anh Gia Lai sản xuất mỗi cân đường chỉ 5.000 đồng trong khi đó giá thành đường các nhà máy hiện nay 12.000 đồng. Tất cả phải thực hiện đồng bộ để giảm bớt phần nào làn sóng hàng ngoại thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ngoài chạy đua với sản xuất phải quan tâm đến môi trường bền vững. Nếu môi trường hỏng sẽ giảm 1,5% GDP mỗi năm.
Thị trường sẽ quyết định sự lấn chiếm của hàng ngoại vào thị trường Việt Nam bao nhiêu sau khi các hiệp định có hiệu lực như TPP, FTA… Nguy cơ cảnh báo rất lâu rồi nhưng sự chuyển biến của chúng ta còn chậm. Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đang đón cơ hội đó ở Việt Nam.
PV: Ông vừa nói các doanh nghiệp nước ngoài đang đón đầu các cơ hội đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam, mới đây Thái Lan đã mua Metro và sắp xây dựng gần 60 siêu thị trên cả nước. Hàng Việt sẽ đứng ở đâu trong thị trường nội địa?
Ông Vũ Vinh Phú: Chưa chắc Thái Lan đầu tư vào Metro sẽ bán 100% hàng Thái vì thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ quyết định điều này. Nếu hàng hóa Việt tốt, người dân có nhu cầu thì Metro vẫn có thể bán. Ví dụ như Lotte hiện nay bán 60% là hàng Việt chứ không phải người ta cứ vào là bán hàng Thái toàn bộ. Thị trường cần gì, người dân cần gì thì người ta sẽ bán. Tôi tin là như vậy. Quan trọng là người dân mình phải có niềm tin và ủng hộ thì hàng Việt mới có đất sống.
PV: Ở Việt Nam ngày nào cũng xảy ra những bê bối về thực phẩm, hàng hóa. Việc xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với hàng Việt phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Ông Vũ Vinh Phú: Vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng ta hiện nay có kinh phí bằng 1/36 của Thái Lan, bằng 1/136 của Mỹ thì làm gì có an toàn thực phẩm. Môi trường hỏng, đất hỏng, nước hỏng thì làm sao có rau quả an toàn. Tất cả không có niềm tin nếu chúng ta không đi vào những cái cơ bản.
Theo tôi đừng phát triển mênh mông quá. Siêu thị có 30.000 mặt hàng, nhưng chúng ta chỉ nên tập trung lòng tin của người dân vào thịt, vào cá, gạo, rau, hoa quả và thuốc chữa bệnh. Hiện nay chúng ta cứ thích cái gì là bán rồi không đi đến đâu. Niềm tin bắt đầu từ con người, phải giáo dục, đào tạo con người với ý thức làm ra sản phẩm tốt và an toàn tuyệt đối. Niềm tin đấy mới là quan trọng nhất trong các niềm tin.
Xin cám ơn ông!
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]