Sáng ngày 31/10/2014, phiên họp tiếp theo của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII tiếp tục diễn ra. Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã giải trình trước các ý kiến của đại biểu.
Bộ trưởng cho biết một số con số về tình hình nông nghiệp nông thôn 10 tháng đầu năm 2014.
Về sản xuất, ngành nông nghiệp có 1 năm tương đối được mùa được giá trừ cao su và cá tra. Xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt 25,85 tỷ USD - tăng 13%. Xây dựng nông thôn mới đẩy mạnh, hết 15/10 đã có 785 xã đạt 19 tiêu chí.
Theo Bộ trưởng, giải pháp căn cơ là triển khai chủ trương tái cơ cấu và phát triển bền vững theo QĐ 199 do TTCP ban hành vào tháng 6/2013. Năm qua Bộ đã triển khai nhiều biện pháp như 16 đề án với 6 đề án cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu trong trồng trọt chăn nuôi chế biến nông sản thủy lợi… và 6 giải pháp thực hiện chủ trương này, đó là phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất…
Chính Phủ đã hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại đồng bằng Sông Cửu Long, phát triển chăn nuôi nông hộ, thủy sản, bảo vệ phát triển rừng, đổi mới các nông lâm trường quốc doanh.
Theo đó, hầu hết các địa phương đã có đề án và kế hoạch, lựa chọn và ưu tiên lĩnh vực để triển khai nghị định của Chính phủ. Hơn 100.000 ha trồng lúa đã chuyển sang trồng màu và cây trồng khác hiệu quả hơn. Nhiều địa phương trồng giống lúa chất lượng và giá cao hơn từ 7.000 – 8.000/kg chứ không ở mức 5.000 – 6.000/kg như trước. Có hơn 120.000 ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
"Đó mới là kết quả bước đầu, nhưng để có kết quả rõ nét hơn cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các Bộ ngành địa phương,bổ sung thêm nguồn lực." - Bộ trưởng nhận xét.
Đại biểu Đào Tấn Lộc có nêu về sản xuất lúa gạo và chăn nuôi. Theo Bộ trưởng, sản xuất lúa gạo cần được phát huy để nâng cao thu nhập cho nông dân. Một số nơi có chính sách khuyến khích chuyển sang trồng loại cây khác nhưng nông dân vẫn gắn bó với cây lúa. Vì vậy, một mặt Bộ xây dựng đề án và triển khai nâng cao hiệu quả trồng lúa theo hướng nâng cao chất lượng, giảm giá thành và mặt khác hướng dẫn nông dân áp dụng KHCN để có hiệu quả sản xuất tốt hơn.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp sửa đổi một số văn bản để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả hơn. Thay vì hỗ trợ cho từng hộ nông dân thì Bộ Nông nghiệp đề xuất tập trung lại, sử dụng vào việc công cộng.
Về phát triển chăn nuôi đã chuyển biến theo hướng chăn nuôi công nghiệp nhưng sức cạnh tranh của ngành còn thấp vì 60% đàn gia súc gia cầm là tại các hộ chăn nuôi nhỏ. Vì vậy để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi và mở cửa thì ngành nông nghiệp đang thực hiện khuyến khích chăn nuôi công nghiệp và hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ có hiệu quả cao hơn.
Đại biểu Đỗ Ngọc Liễn (Bình Thuận) có gợi ý về phát triển đánh bắt trên biển. Bộ trưởng cho biết, năm 2013, 2014, tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản khá cao nhưng đánh bắt trên biển chậm hơn nuôi trồng. Điều này phù hợp chiến lược phát triển ngành thủy sản. Phát triển trên biển sẽ vẫn tiếp tục nhưng khả năng cũng có mức độ nhất định.
Qua cuộc tổng điều tra vừa qua, Bộ thấy trữ lượng hải sản trên biển khoảng hơn 4 triệu tấn, có thể khai thác bền vững hàng năm 2 triệu tấn nhưng trong năm 2013 chúng ta đã khai thác 2,5 triệu tấn. Với cơ cấu đó, trong khi vùng ven bờ chỉ nên khai thác 700.000 – 800.000 tấn thì chúng ta khai thác 1,5 triệu tấn. Vùng xa nên khai thác 1,3 triệu tấn thì mới khai thác 900.000 tấn.
"Chúng tôi sẽ khuyến khích và hỗ trợ ngư dân công cụ để đánh bắt biển xa. Đối với ngành này, cái chính là nâng cao hiệu quả đánh bắt."
Bộ trưởng cho biết, riêng việc cải tiến công nghệ bảo quản trên tàu cá đã giúp nâng giá trị 30%. Thí điểm vừa qua với cá ngừ ở Bình Định đã giúp nâng giá trị cá ngừ lên 8 – 10 lần.
"Báo cáo với đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), có thể chúng tôi không truyền thông nhiều nhưng đang triển khai quyết liệt NĐ 67 và chính sách với bà con nông dân. Tất cả thông tư cần thiết đã ban hành, ban hành mẫu tàu cá đóng bằng sắt, và lập danh sách gửi ngân hàng để hỗ trợ vốn cho bà con" - ông Cao Đức Phát phát biểu.
Theo đó, Bộ đang phối hợp các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định trong đánh bắt cá ngừ đại dương trên diện rộng. Chính phủ đã sử dụng 16.000 tỷ đồng đã được Quốc hội cho phép để tăng cường năng lực cảnh sát biển hỗ trợ nông dân.
Đối với ngành cá tra, dù có nhiều lợi thế nhưng đang rơi vào khó khăn nên Chính phủ đã ban hành NĐ 36 về chính sách đối với việc nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Bộ Nông nghiệp cũng ban hành thông tư hướng dẫn NĐ này nhưng còn thiếu thông tư về giá sàn và thu lệ phí, nhưng việc đó chưa cản trở nhiều.
"Chúng tôi cũng đã phối hợp Hiệp hội cá tra tổ chức đăng ký và sau 1 tháng tiếp nhận 5.000 hồ sơ xuất khẩu cá tra."
Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ nông nghiệp đang nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường, trước hết là với Nga. Nga đã mở cửa với 9 DN và đang tiếp tục thẩm tra để mở cửa thêm với các DN khác. Hiện Bộ đang đàm phán với Brazil để mở cửa trở lại.
Bộ trưởng cho biết thêm, Chính phủ đã chủ trương chỉ đạo ngân hàng nhà nước giải quyết những khó khăn về nợ của các DN nhưng phải tuân thủ các quy định trong cam kết quốc tế, nếu đưa các DN này vào đối tượng hưởng lợi ích trong QĐ 540 thì các DN đối thủ có thể cáo buộc DN Việt vi phạm cam kết chống bán phá giá.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]