- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Một lãnh đạo VPF lo việc chạy tiền cho V-League than thở “Kiếm tài trợ cho bóng đá Việt Nam bây giờ khó lắm!”. Thành viên này không giấu giếm việc kiếm tài trợ cho bóng đá bây giờ đa phần dựa vào mối quan hệ nhiều hơn là đối tác nhảy vào vì thấy sản phẩm bóng đá tốt.
Điều này khác hẳn với giải chuyên nghiệp Thái Lan (Thai-League) tổ chức theo mô hình Premier League của người Anh. Giải đấu mà người Thái tự hào đi sau Việt Nam nhưng danh sách nhà tài trợ xếp hàng rất dài và chen chân để được ký hợp đồng trong đó có những thương hiệu lớn ở thị trường thế giới bao gồm cả xe ô tô lẫn hàng điện tử.
2014 là giải đấu cuối gắn với cái tên Eximbank - Ảnh: XUÂN HUY
Mối quan hệ mà đời Chủ tịch VFF khóa VI Nguyễn Trọng Hỷ, ông Hỷ từng chia sẻ rằng nếu Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng không có chân ở vị trí chủ tịch HĐQT Eximbank và không thuyết phục Eximbank thì đừng hòng đơn vị này chơi với bóng đá Việt Nam.
Cho đến khi ông Lê Hùng Dũng bước lên vị trí chủ tịch VFF khóa VII, ông Dũng từng cảnh báo với những nhà làm bóng đá rằng hãy tìm nhà tài trợ mới đi vì khả năng Eximbank rút lui gần như là chắc chắn.
Khi thông điệp của chính ông chủ tịch HĐQT Eximbank lại cũng là chủ tịch VFF phát ra thì những nhà kiếm tiền cho bóng đá đã gõ cửa nhiều doanh nghiệp thân thuộc. Được “gõ” sớm nhất và đặt vấn đề rõ nhất là NutiFood nhưng lãnh đạo đơn vị này cũng nói thẳng là họ đang thực hiện “gói nhỏ” với U-19 HA Gia Lai và chỉ muốn gắn với đơn vị này cho trọn tình chứ chưa nghĩ đến “gói lớn” cùng bóng đá Việt Nam.
Tôn Hoa Sen cũng được đặt vấn đề nhưng ông bầu Lê Phước Vũ thẳng thừng bày tỏ quan điểm ông chỉ chơi bóng đá “tình thương mến thương” như chơi với cúp trẻ em đường phố mà báoCông an TP.HCM năm nào cũng thực hiện với trẻ cơ nhỡ.
Sau khi “gõ cửa” hàng loạt doanh nghiệp thân quen và chưa có được kết quả tốt thì những nhà làm bóng đá Việt Nam bắt đầu hoang mang lo lắng thật sự sau thông tin Eximbank chính thức rút lui.
Cũng không ít người trong bộ máy liên đoàn quay ngược lại vấn đề mà trước khi ông Lê Hùng Dũng chỉ làm phó chủ tịch VFF thì có Eximbank nhưng bây giờ ở vị trí cao hơn thì lại không thể giữ chân Eximbank.
Thực tế thì chuyện Eximbank “chơi” với bóng đá Việt Nam không phải là chuyện “thuận buồm xuôi gió” trong chính cơ quan này và vấn đề mà HĐQT Eximbank đưa ra quyết định cũng là một cách khẳng định cho bài toán hiệu quả trong kinh doanh thay vì “nhất thân, nhì thế” như trước.
Kiểu gì thì VPF cũng phải xoay tiền để bóng V-League vẫn lăn đúng hạn. Và những nhà làm bóng đá đã nghĩ ra phương án phân làm nhiều gói nhỏ thay vì ôm một cục lớn như Eximbank vẫn gánh bốn mùa qua.
Có một điều mà những nhà làm bóng đá ít chú trọng đó là chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền hay làm sao để có tiền chứ không nghĩ đến việc biến V-League thành sản phẩm tốt để các đối tác, khách hàng hăm hở xin tài trợ như cách mà Thai-League đang vận hành rất thành công.
Cũng chính vì thế mà một thành viên của VPF từng than thở với giới truyền thông rằng đừng đề cập chuyện xấu của bóng đá Việt Nam nữa để nhà tài trợ còn “bắt tay”.
Và lại có một vế đặt ra là để không đề cập chuyện xấu thì ít ra phải có chuyện tốt thay cho những chuyện mua bán độ, điều hành không tử tế, bạo lực, móc ngoặc…
Theo 24h.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]