- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Hiện tượng trọng thủ hơn công
Thật đáng buồn ngay cả chung kết Bồ Đào Nha – Pháp cũng không là ngoại lệ khi các HLV ưu tiên cho thể lực và sức mạnh hơn sáng tạo và kỹ thuật.
Các đội chủ trương chơi phòng ngự tiêu cực, ngay cả khi có điều kiện thể hiện tích cực hơn.
Các cầu thủ chơi kỹ thuật như Ricardo Quaresma, Joao Moutinho, Andre Gomes, Rafa Silva, Kingsley Coman và Anthony Martial phải sắm vai dự bị, nhường suất đá chính cho các tiền vệ giỏi thu hồi bóng.
Vai trò này ở Bồ Đào Nha có William Carvalho, Renato Sanches và Adrien Silva, còn bên Pháp giao cho Moussa Sissoko, Blaise Matuidi cùng Paul Pogba.
Trong số đó, đáng chú ý có trường hợp Paul Pogba: Đây là cầu thủ giàu tài năng, nhưng chỉ tỏ ra ổn định hơn khi đá tiền vệ phòng ngự, thay vì sáng tạo.
Ngay cả các đội đá chung kết còn chú trọng vào phòng ngự, đừng lạ khi VCK EURO 2016 không có ý tưởng mới mẻ nào, mà thay vào đó là nỗi sợ hãi bao trùm.
Tất nhiên, tâm lý sợ thua phần nào đến từ áp lực của người hâm mộ cả nước, nhưng cũng phần nào do HLV các ĐTQG thường không thuộc loại giỏi nhất nên không biết cách tận dụng hết tiềm năng của các ngôi sao trong tay.
Thông thường, họ hay viện cớ là không đủ thời gian làm việc với các tuyển thủ, nhưng lý do đó rõ ràng không xác đáng khi giải nào cũng đều có 2-3 đội thể hiện được lối chơi nhuần huyễn.
Đáng xem chỉ có Đức, Italia và suýt nữa là Bồ Đào Nha
Riêng tại VCK EURO 2016 là Italia và Đức, những đội chứng tỏ nếu HLV chọn được các cầu thủ thông minh thì vẫn đủ thời gian ráp nối các mảng, miếng chiến thuật.
Bồ Đào Nha bỏ tấn công do sợ thủng hàng thủ.
Đây là hai đội hiếm hoi trình diễn được lối đá hiện đại với chiến thuật đa dạng, xử lý bóng thông minh mà các đội khác không bắt chước được.
Ở trận tứ kết, Đức buộc phải dùng hệ thống 3 trung vệ giống Italia nhằm đối phó hiệu quả với kình địch này, nhưng Joachim Loew đã không chủ động phòng ngự và sẵn sàng hoán đổi giữa hệ thống “số 9” với “số 9 ảo” khi cần thiết.
Đến trận bán kết, Đức thật ra đá hay hơn Pháp, nhưng thua chẳng qua do không ghi được bàn, nên đừng vì vậy mà cho rằng Đức không hay. Ai mà chê Đức dở thì người ấy chắc chỉ đợi hết giải xem đội nào vô địch thì dồn hết lời khen cho đội đó.
Nếu xét kỹ thì tại VCK EURO 2016, ngoài Italia và Đức còn có Bồ Đào Nha từng chứng tỏ tiềm năng tấn công lợi hại ở trận hòa Hungary 3-3.
Italia và Đức phòng thủ bằng cách cầm bóng và tranh chấp từ hàng tiền đạo.
Tiếc là khi bước vào vòng 1/8 gặp Croatia, các nhà vô địch châu Âu tương lai sớm từ bỏ lối chơi tấn công nhằm tránh lủng hàng thủ. Hậu quả trong suốt 90 phút, cả hai đội đều không kiếm nổi 1 cú sút chính xác.
Từ chối phòng thủ hiện đại từ dàn tiền đạo và bằng kiểm soát bóng
Đáng buồn là hầu hết các đội đã chọn cách nghĩ như Bồ Đào Nha, thay vì Đức và Italia. Iceland thành công nhờ phòng thủ với số đông và đội hình lùi thật sâu. Wales phòng thủ tương tự để dồn bóng cho Aaron Ramsey và Joe Allen.
Phương án này giúp cả hai đội thành công vượt bậc, nhưng đấy là nhờ sự lăn xả của toàn đội, thay vì tuyến giữa cố gắng cầm bóng thật lâu.
Ngay cả Wales cũng cần phòng thủ cổ điền mới thành hiện tượng.
Kết quả là khi Guillem Balague tham khảo ý kiến của 4 HLV, tất cả đều thừa nhận VCK EURO 2016 kém chất lượng.
Trước hết là do hầu hết đều chủ trương phòng thủ. Kế đến, họ phòng thủ theo kiểu cũ với đội hình lùi thật sâu và nhường luôn quyền kiểm soát bóng.
Đấy là hình ảnh suy thoái của bóng đá, vì từ năm 2008, giới chuyên môn từng chứng kiến những cách phòng ngự khác mới mẻ và tích cực hơn như nỗ lực thu hồi bóng từ hàng tiền đạo.
Đó là hình ảnh về các đội bóng của Pep Guardiola, Tây Ban Nha trong giai đoạn đầu của Vicente Del Bosque, Đức của Joachim Loew, Borussia Dortmund thời Thomas Tuchel; hoặc Rayo Vallecano của Paco Jemez.
Lối chơi phòng ngự kiểu cũ đang lên ngôi
Đến lúc này, ý tưởng phòng thủ bằng cách cầm bóng chắc và tranh chấp ngay từ tuyến trên thật ra vẫn chưa lỗi thời, chẳng qua là tại VCK EURO 2016, nhiều HLV ĐTQG đã không dùng đến.
Trớ trêu là hậu quả không chỉ dừng lại ở VCK EURO 2016, mà còn có thể tác động ít nhất tới mùa 2016/17.
Đơn cử trường hợp Jose Mourinho, HLV chủ trương phòng thủ và sẵn sàng từ bỏ quyền cầm bóng. Tuy nhiên, lối chơi ấy dường như đã đến lúc thoái trào, khi Chelsea của ông không hạ nổi PSG phải chơi thiếu người tại Champions League.
Cảnh "thập diện mai phục" kiểu này có thể phổ biến trong mùa 2016/17.
Nhưng giờ đây, Diego Simeone đang thành công ở Atletico Madrid cũng bằng lối chơi chủ động phòng ngự. Và một vài đội mạnh khác ở châu Âu cũng đang gặt hái kết quả tốt nhờ tư tưởng tiêu cực ấy.
Do đó, Man Utd mới chọn Jose Mourinho, vì cần một HLV có lối chơi hứa hẹn đưa “Quỷ đỏ” vươn tới đỉnh vinh quang. Và vì xu thế hiện nay đang ngả theo hướng “an toàn là bạn” như thế, Jose Mourinho rất có thể cảm thấy không cần thiết phải tìm hướng đi khác.
Vì vậy Premier League mùa này và cả Champions League mùa này có thể bóng đá phòng ngự sẽ bao trùm!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]