Điện Potala ở Lhasa được xem là thủ phủ của cao nguyên Tây Tạng, nơi này đã từng được nhiều trang bình chọn là một trong bảy kỳ quan mới của thế giới. Theo một số lý giải, điện Potala được chọn vì mang ý nghĩa quan trọng trong lịch sử tôn giáo, là một trong số các công trình kiến trúc quý hiếm của thời Tây Tạng cổ còn tồn tại.
Điện Potala nằm phía Tây thành phố Lhasa, dựa vào núi Hồng Lĩnh, nằm giữa khu sông ngòi, làng mạc của Tây Tạng. Với chiều cao lên đến 117 mét và có 13 tầng, Potala được xem là biểu tượng của thành phố Lhasa.
“Potala” trong tiếng Sankrit khi dịch âm chữ Hán có nghĩa là Phổ Đà La, tức cung điện nơi ngự của Bồ Tát. Điện Potala có diện tích khoảng 130.000 mét vuông với 1.500 gian phòng, chứa hơn 10.000 Phật điện, 20.000 tượng điêu khắc. Toàn bộ kiến trúc ở đây đều làm bằng đá và gỗ với tường dày từ 1 mét trở lên, có chỗ dày đến 5 mét, tất cả đều được xây dựng từ những hòn đá to. Trên vách điện ở mọi nơi đều được treo tranh bích họa, bên trong được bày trí hàng ngàn tượng Phật được đúc từ nhiều chất liệu (vàng, bạc, đồng) với nhiều kích cỡ khác nhau, sống động như thật.
Năm 1988, điện Potala đã được chi 6 triệu USD để trùng tu giữ đúng theo quy tắc kiến trúc thời xưa. Mỗi năm, các tín đồ Phật giáo tại Tây Tạng kinh hành quanh điện ít nhất một lần. Họ phải đi theo chiều kim đồng hồ để lúc nào Thánh điện Potala cũng ở bên tay phải họ, vì đây là phía tốt và may mắn nhất. Chánh điện Potala là nơi đồ sộ nhất được kiến tạo để có thể chứa 5.000 người trong những dịp lễ long trọng. Điện Potala còn là một kho tàng văn hóa Phật giáo Tây Tạng, tại đây có lưu trữ một cuốn kinh Phật được viết bằng tay với chữ bằng vàng.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]