Siêu tân tinh Tycho. Khi một ngôi sao chết, nó phồng lên rồi phun khí ra khoảng không gian xung quanh để biến thành sao lùn trắng. Nhưng đôi khi xác của nó hồi sinh bằng cách hút khí trong môi trường xung quanh. Khi sao lùn trắng hút quá nhiều vật chất, chúng sẽ phát nổ liên tục. Người ta thường gọi những vụ nổ như thế là siêu tân tinh loại Ia. Ảnh: CAS.
Thứ giống như đầu của một con quái vật với đôi mắt sáng rực màu hồng thực chất là một đám mây bụi, khí khổng lồ nhiều màu sắc. Đám mây này bao phủ vô số ngôi sao mới trong chòm sao Puppis, nơi cách trái đất khoảng 20.000 năm ánh sáng. Ảnh: ESO.
Một đám mây khí khổng lồ có hình dạng giống loài nhện Góa phụ đen trong chòm sao Circinus. Vì thế mà giới thiên văn gọi đám mây khí này là "tinh vân Góa phụ đen". Những chấm sáng ở trung tâm tinh vân chính là những ngôi sao mới và siêu lớn. Bức xạ từ những ngôi sao ấy đẩy khí theo hai hướng ngược nhau, tạo nên những hình thù giống thân và các chân của nhện. Ảnh: NASA.
Giống như làn sương mù dày đặc bao quanh một bóng đèn trên đường phố, một đám mây khí trùm lên một ngôi sao khổng lồ và rất nóng cách trái đất khoảng 1.499 năm ánh sáng. Giới thiên văn gọi đám mây này là NGC 1999 hay Keyhole. Kính thiên văn không gian Huble phát hiện nó vào năm 1999. Ảnh: NASA.
Vành đai vật chất xung quanh Fomalhaut, một ngôi sao cực lớn và sáng cách trái đất 25 năm ánh sáng, tạo nên một thứ giống như con mắt của quỷ dữ. Ảnh: NASA.
Hai ngôi sao xanh siêu lớn trong dải Ngân Hà khiến người ta có cảm giác như chúng là cặp mắt của một con ma cà rồng. Trên thực tế những ngôi sao xanh có hành vi giống như ma cà rồng, bởi chúng duy trì màu xanh dương (màu đặc trưng của những ngôi sao trẻ) của chúng bằng cách hút vật chất của những ngôi sao khác. Nhờ việc hút vật chất của "đồng loại" mà những ngôi sao rất già luôn duy trì diện mạo trẻ trung. Ảnh: ESA.
NGC 6369 là một tinh vân bao quanh xác của một ngôi sao trong chòm sao Ophiuchus. Người ta thường gọi nó là "Bóng ma nhỏ" do hình thù quái đản của nó. Bức xạ cực tím từ xác ngôi sao "cướp" hạt nhân trong các nguyên tử trong tinh vân, gây nên quá trình ion hóa (các nguyên tử trở thành ion âm hoặc dương). Quá trình ion hóa tạo ra một vành đai màu xanh rực rỡ xung quanh ngôi sao chết. Ảnh: NASA.
Hai "quỷ dữ" đang tìm cách diệt nhau ở giữa tinh vân NGC 3393. Chúng chính là hai hố đen siêu khổng lồ cách nhau khoảng 490 năm ánh sáng. Kính thiên văn không gian Chandra của Mỹ, thiết bị có khả năng thu nhận tia X, đã chụp cảnh tượng này hồi tháng 8/2013. Các nhà thiên văn dự đoán cuộc chiến của hai hố đen sẽ kết thúc khi một trong hai "chiến binh" biến mất. Ảnh: NASA.
Vào năm 2009 các nhà thiên văn phát hiện hành tinh đá đầu tiên bên ngoài Thái Dương Hệ. CoRoT-7b, tên của hành tinh, chẳng những quá gần mà còn luôn quay một hướng về phía ngôi sao riêng của nó. Vì thế một nửa hành tinh luôn sáng còn nửa kia luôn tối. Vật chất trên bề mặt của nửa sáng tan chảy vì nhiệt độ quá cao (lên tới hơn 2.300 độ C). Ngoài ra những trận mưa đá nóng chảy cũng thường xuyên dội xuống nửa sáng của hành tinh. Nhiều nhà thiên văn gọi CoRoT-7b là "địa ngục". Ảnh: ESO.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]