Chuyến đi Bhutan vừa qua của MC Nguyên Khang khiến nhiều người quan tâm. Điểm đến này không chỉ khiến du khách tò mò với danh hiệu “đất nước hạnh phúc nhất hành tinh” mà còn là một thử thách không mấy dễ dàng bởi quốc gia này chưa thực sự cởi mở với khách du lịch. Dưới đây là một vài tư vấn hữu ích của Nguyên Khang dựa trên trải nghiệm thực tế của chính anh, dành cho những ai đang mơ về miền đất thiên đường này.
Xin visa như thế nào?
Để xin visa, các bạn phải liên hệ các công ty du lịch lữ hành tại Bhutan. Bạn không thể tự túc đi du lịch, mà phải thông qua một công ty du lịch của nước này. Công ty này sẽ phụ trách việc xin visa và tổ chức tour vì Bhutan chưa có cơ quan ngoại giao chính thức tại Việt Nam. Chí phí cho visa khoảng 40 USD.
Thời điểm thích hợp để du lịch là khi nào?
Mùa cao điểm là tháng 3-4. Mùa lễ hội từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11 hàng năm. Nếu bạn muốn đi, Nguyên Khang khuyên bạn nên đặt trước nửa năm cho chắc ăn.
Bạn nên đến đây vào tháng 10 vì có ngày sinh nhật của nhà vua nên có nhiều hoạt động lễ hội khá thú vị. Người Bhutan ăn Tết Âm lịch. Vui nhất ở Bhutan vào dịp Tết Âm lịch là cuộc thi bắn cung được tổ chức trên khắp cả nước.
Ở Bhutan có vô số các lễ hội hấp dẫn mà nổi bật trong đó là Tsechu. Lễ hội này diễn ra vào khoảng tháng 10 hằng năm và kéo dài 3-5 ngày. Lễ hội Tsechu có hàng nghìn người dân tham dự, họ đến đây cùng những bộ quần áo đẹp nhất, đeo trang sức đẹp nhất. Tâm điểm của lễ Tsechu là điệu múa Cham – điệu múa sống động chỉ do đàn ông trình diễn. Người múa sẽ đeo mặt nạ ấn tượng và mặc quần áo đính nhiều đồ trang sức, diễn tả các câu chuyện về đạo đức và cuộc sống linh thiêng. Chính vì vậy, những chiếc mặt nạ đầy màu sắc là vật lưu niệm độc đáo dành tặng cho bạn bè và người thân.
Bhutan có 4 mùa rõ rệt, mùa xuân khí hậu cũng rất đẹp vì lúc ấy có rất nhiều hoa nở khắp Bhutan. Trong số đó, Nguyên Khang thích nhất là hoa phượng tím được trồng nhiều ở Punakha, và đặc biệt là trước Punakha Dzong vì màu sắc rất đẹp.
Đi như thế nào?
Để đến Bhutan, bạn phải quá cảnh một trong 3 địa điểm sau: Singapore, Bangkok hoặc Ấn Độ. Du lịch Bhutan hơi khó vì số chuyến bay đến với đất nước này không nhiều. Một ngày chỉ khoảng 2 chuyến bay quốc tế. Tốt nhất là bạn nên lên kế hoạch từ sớm để mua được vé máy bay.
Thông thường công ty du lịch sẽ tính phí của bạn theo ngày, khoảng 250 USD cho mùa cao điểm. Chi phí này bao gồm khách sạn, xe riêng, tài xế, hướng dẫn viên, ăn 3 bữa và cả phí vào tham quan du lịch (phí visa và vé may bay tính riêng). Chính điều này gây khó khăn cho du lịch bụi.
Tham quan những đâu?
Những thành phố bạn nên đến tham quan là thủ đô Thimphu, các thành phố như Paro, Punakha và Bhumthang. Thông thường, bạn nên dành 2 ngày để đi tham quan hết một thành phố. Có thời gian thư thả để chụp hình và trải nghiệm cuộc sống ở đây.
Nếu có ít thời gian, Nguyên Khang khuyên bạn nên đi 4 ngày và tham quan Thimphu và Paro (nơi có Tiger Nest là một trong những biểu tượng của Bhutan).
Nếu có 6 ngày thì nên đi thêm Punakha (nơi có dzong – một dạng cung điện – đẹp nhất ở Bhutan)
Còn 8 ngày thì tất nhiên nên đi thêm Bhumthang, một nơi khá xa, ở vị trí cao hơn và khí hậu cũng lạnh hơn và cảnh thì đẹp mê hồn.
Ăn gì?
Thường chúng ta sẽ nghĩ du lịch luôn song hành với ẩm thực. Nhưng có lẽ Bhutan là một ngoại lệ. Hầu như người dân Bhutan là những người ăn chay và các món ăn chính của họ được làm từ gạo. Gạo và ngô là những loại thực phẩm chính.
Thú thật, Khang thấy ẩm thực Bhutan rất đơn điệu, nhạt và không hấp dẫn. Cả thủ đô Thimphu mà chỉ có vài ba nhà hàng Thái và Hàn Quốc. Không có những nhà hàng khác.
Những ngày ở Bhutan tôi đều ăn các món giống nhau. Chủ yếu là rau củ quả hấp và có thêm một món gà chiên hoặc lâu lâu thì có thịt bò. Bhutan là quốc gia đạo Phật nên họ không sát sinh. Gà nuôi để lấy trứng, bò nuôi để lấy sữa. Những món mặn đa phần nhập khẩu từ Ấn Độ.
Điều an ủi nhất là rau củ quả của họ khá sạch và an toàn nên khi ăn rất yên tâm. Họ tự tay trồng, và không phun thuốc trừ sâu hay sử dụng phân hóa chất để bón cây. Có lẽ cũng vì thế mà người dân Bhutan khỏe khoắn và trẻ trung. Nếu không quen với đồ ăn của Bhutan, bạn nên chuẩn bị sẵn một ít đồ ăn mang từ Việt Nam qua như ruốc, muối mè hay cá cơm…
Mặc gì?
Khang đến Bhutan vào mùa xuân. Mùa xuân bắt đầu từ tháng 4, nhiệt độ trong tầm 18 – 20 độ C. Bạn có thể mang theo áo khoác nhẹ. Buổi tối thì hơi lạnh nên có thể mang theo áo ấm vì nhiệt độ rơi xuống khoảng 10-12 độ C tùy vùng.
Có một điều lưu ý là nếu vào dzong và mặc trang phục truyền thống, bạn nhất định phải có khăn choàng. Nếu không thì mặc đồ bình thường nhưng phải mặc quần dài.
Chi tiêu thế nào?
- Vé máy bay: chỉ khi có visa và lịch trình tour dự kiến, bạn mới có thể đặt được vé máy bay của hàng không Bhutan (DrukAir), là hãng hàng không duy nhất được phép bay vào Bhutan. Vì mỗi ngày chỉ 2 chuyến, nên số chỗ khá hạn chế, những mùa cao điểm bạn nên đặt chỗ trước để bảo đảm có vé. Lộ trình bay: bạn có thể bay từ 3 điểm: Bangkok (Thái Lan), Kolkata (Ấn Độ) hay Singapore.
- Chi phí tiêu pha hằng ngày từ 200 USD một ngày trở lên tùy mùa, bao gồm thuế du lịch của chính phủ, ăn, ở, đi lại, hướng dẫn viên, quà lưu niệm (thường là sách, postcard về Bhutan).
- Trải nghiệm đắt nhất mà bạn nhất định phải qua là leo lên đỉnh Tiger Nest ở Paro hay còn gọi là Paro Taktsang. Người ta tin rằng, nếu chúng ta hành thiền tại tu viện Paro Taktsang trong vòng một phút thì thành quả đạt được có thể bằng so với khi chúng ta hành thiền mấy tháng liền ở những nơi khác. Paro Taktsang là một thánh địa vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của người dân Bhutan trong suốt chiều dài lịch sử mười mấy thế kỷ qua và có lẽ là mãi mãi về sau.
Đường leo lên đây cực kỳ vất vả vì dốc núi đứng và đường khó đi. Bạn phải leo bộ gần 2 tiếng. Tuy nhiên, với người già bạn có thể dung ngựa đi nửa chặng đường đâu. Nửa chặng sau bạn có thể dung gậy leo lên tu viện này.
- Trải nghiệm rẻ nhất là tắm đá nóng ở Paro. Họ dùng những viên đá cuội ở suối, nấu nóng và bỏ vào bồn ngâm nóng, sau đó họ bỏ thêm ít lá thơm. Cái này bạn thích trải nghiệm cũng được, không có cũng không sao, nhưng có thể hiểu thêm về cách người dân ngâm mình trong nước đá nóng thế nào.
Kỷ niệm ”hú hồn” nhất của Nguyên Khang khi ở Bhutan:
Đó là chuyến bay nội địa từ Paro đến Bhumthang. Tôi đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ cho mình trong chuyến bay quốc tế từ Bangkok đến Bhutan, rằng Bhutan là quốc gia địa hình đồi núi hiểm trở. Trên thế giới chỉ có khoảng 8 phi công mới có khả năng đáp xuống nên sau khi vượt qua nó, tôi thấy rất an tâm.
Nhưng thật không ngờ, chuyến bay từ nội địa đã để lại trong tôi ấn tượng khó phai. Đó là máy bay ATR có sử dụng cánh quạt. Chuyến bay không dài, nhưng máy bay lên cao, hạ thấp, đảo qua đảo lại, thậm chí có những lúc như rơi tự do trong không trung khiến tôi có cám giác mình đang chơi tàu lượn siêu tốc. Cô bạn người Mỹ ngôi dãy ghế đối diện buồn nôn ít nhất 3 lần. Còn tôi thì thót tim đến nỗi nắm chặt tay bạn ngồi kế. Ơn trời, cuối cùng tôi cũng đã đáp đất an toàn. Và đón tôi là một cái sân bay đặc biệt nhỏ nhắn, chính xác chỉ là một căn nhà nhỏ và khiến tôi hoàn toàn bất ngờ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]