Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, bất cứ người con Việt nào xa quê hương cũng nhớ nhà đến nao lòng. Thế nhưng có một ngôi nhà ở giữa lòng thành phố Sydney của Australia khiến bất cứ người Việt nào khi bước chân vào với cánh cửa khép lại sau lưng, là ngỡ như mình vừa trở về ngôi nhà thân quen ở Việt Nam.
Đối với Việt kiều Phạm Ngọc Khánh Linh, chủ nhân ngôi nhà, việc xây dựng, bài trí trong ngôi nhà mang những nét văn hóa rất đặc trưng của Việt Nam là để giúp anh và gia đình vơi bớt phần nào nỗi nhớ quê hương, đặc biệt mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồng thời cũng để giáo dục, duy trì hình ảnh đẹp về văn hóa Việt cho các con của anh chị, khiến các cháu rất tự hào về nguồn gốc của mình, nhất là khi có các bạn học người địa phương đến chơi nhà.
Anh Linh chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà ở Sydney.
Đến thăm gia đình anh vào những ngày giáp Tết Bính Thân, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ngay từ ngoài cửa là những gốc cây cảnh to mà ngay ở Hà Nội cũng hiếm nhà nào có được, những cây hoa giấy đủ màu sắc... cho cảm giác thanh bình, đầy sắc xuân. Còn trong nhà là những sập gụ, tủ chè, hoành phi câu đối, cuốn thư, tủ khảm trai, bình gốm, gian thờ phật, bàn thờ tổ tiên... trong một không gian hoàn toàn thuần Việt. Anh hóm hỉnh đùa rằng: “Trong nhà tôi chỉ có cái tủ lạnh là của Tây thôi!” Đúng vậy, phần lớn đồ đạc là do anh mang từ Việt Nam sang hoặc đặt làm ở những xưởng của người Việt hoặc châu Á ở đây. Anh kể rằng mình may mắn sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở Hà Nội vốn có sẵn những sập gụ, tủ chè của ông bà để lại và anh hết sức quý những đồ vật lâu đời này, thế nên cứ phải nhìn thấy chúng hàng ngày trong nhà thì mới giúp anh vơi nỗi nhớ nhà, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện. Thế nhưng, để có được cơ ngơi bài trí đẹp như hôm nay mà theo anh là “đi đâu cũng muốn về nhà bởi về là cảm giác như mình đang ở Việt Nam”, phải rất kỳ công và nỗ lực lớn.
Năm 1993, anh sang định cư ở Australia theo diện hôn nhân (vợ anh là người Australia gốc Việt). Khi bước chân ra khỏi quê hương, cảm xúc đầu tiên tràn ngập trong anh là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương đất nước, nhớ từ nhưng kỷ niệm rất nhỏ, từ thủa học trò đánh bi đánh đáo, đến bạn bè, thời gian trong quân ngũ. Như bao người đến xây dựng cuộc sống gia đình mới nơi đất khách quê người, anh làm đủ mọi việc mà người ta thuê mướn và gặp không ít khó khăn do khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống... Anh chuyển sang kinh doanh: nhập khẩu đồ gỗ chạm khảm và đá nguyên bản để làm đồ nội thất và trang trí vườn từ Việt Nam sang bán ở Australia.
Thế nhưng, dù đây là những sản phẩm dễ tiêu thụ do không có cạnh tranh, song anh vẫn thất bại vì đồ gỗ Việt Nam khi sang đến Australia bị cong, vênh, nứt nẻ trong khi chi phí thuê mướn cao. Công việc kinh doanh thất bại khiến anh suy sụp và lại phải chuyển sang làm những công việc chân tay được thuê mướn như cắt cỏ, làm vườn. Qua việc làm vườn cho các gia đình người bản xứ ở địa phương, anh vô tình biết đến nghệ thuật làm cây cảnh. Lúc đầu anh tự mày mò làm cây cảnh cho nhà mình vừa là để tập làm, vừa để giết thời gian những lúc rảnh rỗi hay buồn. Vốn khéo tay, am hiểu nghệ thuật cùng với bản chất cần cù, thích tìm tòi, sáng tạo, những cây cảnh mà anh tạo ra ban đầu được người thân, bạn bè, hàng xóm hết sức khen ngợi, ủng hộ và đặt anh làm cho họ.
Cứ thế “tiếng lành đồn xa” và qua những cuộc triển lãm, những lễ hội quảng bá văn hóa của cộng đồng người Việt, lượng khách hàng đặt anh làm cây cảnh ngày càng đông. Anh cho biết ngoài việc tăng thu nhập cho gia đình, điều quan trọng là tìm được nghề mà mình yêu thích và qua nghệ thuật làm cây cảnh giúp anh tôn vinh, đưa được nét đẹp của nền văn hóa nước nhà vào kiến trúc sân vườn ở Australia. Những cây cảnh hoàn toàn do anh tìm chọn ở Australia, song qua bàn tay tài nghệ của người con Việt, chúng mang hình dáng rất đỗi quen thuộc mà ta dễ gặp ở bất cứ vườn cây bonsai nào ở Việt Nam. Chính vì thế mà khi đã đạt đến trình độ nhất định, được các tổ chức và hiệp hội cây cảnh ở Australia ghi nhận, anh tự hào nhận rằng đó là nghệ thuật cây cảnh Việt Nam, chứ không phải cá nhân mình. Anh thậm chí còn được Hội đồng khu vực Fairfield nơi gia đình anh sinh sống mời giảng dạy các khóa học về nghệ thuật chơi và làm cây cảnh.
Cách bài trí rất Việt Nam trong căn nhà của anh Linh.
Trong căn nhà nhỏ, tuy không đủ những thứ như ở quê nhà, nhưng ở nơi xa xôi như thế này mà được bày biện giống ngôi nhà cổ đặc trưng ở làng quê Bắc Bộ Việt Nam, gia đình anh cũng phải rất tâm huyết, nỗ lực để làm nên. Việc lập một bàn thờ Phật lớn và bàn thờ gia tiên trong nhà theo anh là để đem đến sự tôn nghiêm, có cái ở trên cao để mình hướng đến, cố gắng tu dưỡng tâm đức mình để trở thành con người hoàn thiện, có ích hơn. Ngoài ra, cũng để giáo dục các con của anh chị về sự nề nếp, tôn nghiêm. Ngoài duy trì tiếng Việt (qua giao tiếp hàng ngày, lời ru, kể chuyện cổ tích cho các con từ tấm bé), nề nếp gia phong rất Việt Nam, gia đình anh đều cố gắng mỗi năm đưa các con về thăm ông bà, họ hàng ở Hà Nội để các con luôn được biết về cội nguồn, quê hương của bố mẹ. Các truyền thống, phong tục lễ Tết hiển nhiên được gia đình anh vẫn giữ đúng như ở Việt Nam, tuy mọi thứ không có sẵn nhưng trên bàn thờ vẫn có mâm ngũ quả, bánh chưng, xôi gấc...
Về gia đình anh Khánh Linh, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sydney Hoàng Minh Sơn cho biết: “Đây là một gia đình Việt kiều giữ được rất tốt truyền thống văn hóa của Việt Nam khi sinh sống lâu dài ở nước sở tại. Điều này thể hiện văn hóa Việt Nam không bao giờ phai nhạt trong con người Việt Nam dù sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới”. Theo ông Hoàng Minh Sơn, đây cũng là một gia đình điển hình mà không phải nhiều người có thể làm được trong việc duy trì không gian văn hóa của một gia đình truyền thống với bàn thờ và tất cả đồ đạc gợi nhớ đến quê hương đất nước, thể hiện tình cảm của bà con luôn luôn hướng về đất nước”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]