Khi xây mới xây nhà, ông Phượng - bà Quỳnh (Vĩnh Phúc) đã quyết định lắp một chiếc bồn tắm trắng tinh ở nhà vệ sinh tầng 2. Dù chi phí mua và lắp đặt bồn khá lớn, hết khoảng 15 triệu và hai ông bà không hề có thói quen ngâm chân nhưng ông vẫn cảm thấy hài lòng. Ông bà không tiếc tiền khi lắp đặt thiết bị này bởi cả ba người con của ông đều đang làm việc tại Hà Nội, chỉ cuối tuần hoặc lễ tết mới về quê, ông muốn các con khi về chơi nhà được thư giãn và cảm thấy thoải mái nhất.
Tuy nhiên, 6 năm trôi qua, số lần sử dụng bồn tắm của các thành viên trong nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi khi các con của ông bà về đều dẫn theo con cháu, cà nhà quây quần, tụ tập nấu nướng, ăn uống vui vẻ nên chẳng ai có tâm trí, thời gian mà ngâm bồn.
|
Nên cân nhắc kỹ khi muốn lắp đặt bồn tắm hay khu tắm đứng. Ảnh minh họa: Norcal. |
Sợ bồn bị ố màu, cặn bẩn nên tuần nào bà Quỳnh cũng phải kỳ cọ bồn tắm. Các con khuyên bố mẹ nên sử dụng bồn tắm để thư giãn nhưng một phần vì ông bà không quen, một phần vì tiếc tiền nước nên chiếc bồn tắm vẫn bị bỏ không. Ông bà cho biết, mỗi lần tắm, một người tốn 150 lít nước. Bên cạnh đó, nếu vào mùa đông, ông bà lại phải tốn thêm tiền điện để đun nước nóng, như vậy, khi dùng bồn tắm, chi phí tăng lên rất nhiều so với dùng vòi hoa sen.
Không riêng gì gia đình ở quê như ông Phượng, nhiều gia đình ở thành phố cũng tốn cả chục triệu đồng để lắp đặt bồn tắm hiện đại nhưng tần suất sử dụng ít, vừa làm phòng tắm trở nên chật chội vừa tốn tiền.
Năm ngoái, chị Hải (Hà Nội) mua một căn chung cư rộng 120m2 ở quận Cầu Giấy. Nhà bàn giao đã được lắp đặt sẵn các thiết bị vệ sinh nhưng vì muốn có một không gian thư giãn thoải mái hơn, chị khăng khăng đòi chồng thuê thợ đục phá, lắp thêm một chiếc bồn tắm sáng bóng ở trong phòng vệ sinh lớn. Chị tưởng tượng, khi đi làm về, chỉ cần vào trong nhà tắm, mở nước, thêm chút tinh dầu hương bưởi nhẹ nhàng là có thể thả mình dưới làn nước, rũ bỏ hết mệt mỏi. Tuy nhiên, do tính chất công việc bận rộn nên chị thường xuyên về muộn, không thể chờ đợi để xả nước và tắm lâu. Vì thế, chiếc bồn tắm sang chảnh, hiện đại cũng ít được sử dụng.
Theo kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Truyền, với các gia đình thực sự muốn đầu tư bồn tắm để cải thiện sức khỏe, có thể mua kiểu bồn massage với cơ chế sục nước nên rất dễ chịu. Những kiểu bồn tắm nằm thông thường không đem lại nhiều tác dụng, gây nhàm chán và hay phải cọ rửa, vệ sinh.
|
Kiểu bồn tắm hiện đại có cơ chế sục nước giúp gia chủ phục hồi sức khỏe. Ảnh: Clair Azur. |
Vị KTS cũng cho biết, trong 15 năm làm nghề, khi khách hàng có ý định dùng bồn tắm, anh thường xuyên khuyên khách hàng suy nghĩ thật kỹ. Tuy vậy, nhiều gia đình vẫn quyết tâm làm, và sau đó, có nhà đã phải dỡ bỏ, đưa bồn tắm lên sân thượng để làm... chậu trồng cây.
Theo KTS Truyền, khi muốn lắp đặt bồn tắm, các gia đình nên lưu ý các yếu tố sau:
- Tần suất sử dụng bồn để xem tính thực dụng, hiệu quả của việc lắp đặt bồn.
- Không gian để lắp đặt bồn tắm: Bồn góc có cạnh 1,3m còn bồn dài có cạnh 1,5m trở lên.
- Nếu muốn lắp đặt bồn, nhà cần có từ 2 phòng tắm trở lên, tránh việc các thành viên phải chờ đợi khi cần đi vệ sinh hay tắm gội.
- Tùy thuộc vào nhu cầu mà lựa chọn loại bồn tắm cho phù hợp (bồn chống trơn, bồn thường, bồn massage...).
- Thuê thợ lắp đặt cẩn thận, đề phòng gây thấm nhà.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]