- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Bom tấn xứ Hàn "Đảo Địa Ngục" là một tác phẩm chiến tranh hoành tráng, đẫm máu. Tuy nhiên, có thể nhẫn nại ngồi xem hết 132 phút phim là một việc khá khó khăn với không ít khán giả.
Ngày 18/8 tới đây, bom tấn chiến tranh Battleship Island (tựa Việt: Đảo Địa Ngục) sẽ chính thức cập bến phòng vé Việt.
Battleship Island được xây dựng dựa trên những ghi chép về hòn đảo Hashima (hay còn gọi là Đảo Chiến Hạm vì hình dáng của nó giống với một chiến hạm), một di sản thế giới được UNESCO công nhận nhưng lại chứa đựng một phần lịch sử đau thương của người Hàn.
Vào năm 1945, khi Chiến tranh thế giới thứ hai gần kết thúc, hàng trăm người Triều Tiên đã bị phe Nhật bắt lên một chuyến tàu tới Hashima để khai thác than hoặc trở thành phụ nữ giải khuây cho lính Nhật. Thực tế, không có một bằng chứng hay ghi chép lịch sử nào cho thấy những người Triều Tiên này đã chạy trốn thành công khỏi hòn đảo, tuy nhiên đạo diễn Ryu Seung Wan đã để 400 con người đó có thể trở về quê hương trong bộ phim của mình.
Những người Triều Tiên trên hòn đảo địa ngục đến từ những tầng lớp khác nhau trong xã hội. Họ có thể là một vị nhạc trưởng tìm đường tới Nhật Bản để tìm kiếm cơ hội cho con gái, một tên đầu gấu khét tiếng hay một thành viên của tổ chức vận động độc lập Hàn Quốc đang tìm cách giải cứu đồng đội.
Bản anh hùng ca chốn địa ngục trần thế được đầu tư kì công
Battleship Island đã hoàn thành xuất sắc việc khắc họa cuộc sống kinh khủng của những người Triều Tiên tại đây. Không một thiết bị bảo hộ, đàn ông có thể chết bất kì lúc nào trong các mỏ than; còn với phụ nữ và các bé gái, đó là nỗi đau tột cùng khi họ bị biến thành nô lệ tình dục. Trái ngược với điều đó là hình tượng tàn bạo, dã man của những tên lính Nhật. Những nhân vật phản diện này được miêu tả khá một chiều. Khán giả chỉ được biết đến một người Nhật tốt bụng qua lời kể của nhân vật do Lee Jung Hyun thủ vai, trong khi người Triều Tiên cũng có những kẻ trở thành tay sai cho Nhật Bản, một tình tiết từng gây nên tranh luận vì tư tưởng thân Nhật.
Đến 66.000 mét vuông ở Chuncheon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc đã được sử dụng để tái hiện 2/3 quy mô thực tế của hòn đảo Hashima. Chính sự đầu tư hoành tráng, công phu này đã góp công lớn làm nên thành công cho câu chuyện bi thương được đạo diễn Ryu Seung Wan kể lại. Bên cạnh đó, màu phim u tối gần như phủ kín toàn bộ tác phẩm một cách có chủ đích (đến cả hình hiệu của công ty sản xuất cũng được chuyển thành màu trắng đen) hay âm nhạc cũng là những điểm cộng dễ thấy ở tác phẩm. Khúc hát được ngân lên ở gần cuối phim có thể sẽ khiến bạn bị ấn tượng mạnh mẽ, thậm chí là rơi nước mắt vì xúc động như một đặc trưng và cũng là điểm mạnh của phim Hàn.
Đội hình toàn sao quá dàn trải
Dù có những ưu điểm không thể phủ nhận, Đảo Địa Ngục lại gặp khá nhiều vấn đề trong việc dẫn dắt câu chuyện với một đội hình toàn sao. Chính việc muốn để cho bất kì ai trong dàn cast chính cũng có thể tỏa sáng như nhau đã khiến mạch phim trở nên dàn trải, dài dòng và lặp lại, đặc biệt là trong khoảng thời gian phim tập trung miêu tả cuộc sống cơ cực của những người Triều Tiên trên hòn đảo. Điều này cũng khiến người xem cảm thấy mệt mỏi và sốt ruột khi theo dõi tác phẩm. Đôi khi, bạn ngồi lại xem đến hết bộ phim không phải bởi vì sự hấp dẫn của nó ở những phân đoạn phía trước đã níu chân bạn, mà là vì ở trong rạp, bạn không thể "tua nhanh" phim được.
Diễn xuất không chỗ nào chê
Hai nhân vật gây được nhiều ấn tượng sâu đậm xuyên suốt bộ phim chính là nhạc trưởng Lee Gang Ok (Hwang Jung Min) và cô con gái Soo Hee (Kim Soo Ahn). Như thường lệ, Hwang Jung Min vẫn luôn làm thỏa mãn người xem với diễn xuất tuyệt vời làm rung động lòng người. Bộ phim lần này khiến khán giả nhớ tới tác phẩm năm 2014 Ode to My Father của anh, cũng có một Hwang Jung Min gây nhiều xúc động như vậy. Sự kết hợp giữa một cái tên lão làng và một nữ diễn viên nhí được săn đón nhất nhì điện ảnh Hàn lúc này đã không chỉ mang tới tiếng cười, mà có thể là cả những giọt nước mắt.
Trái ngược với nhân vật đầu tàu Lee Gang Ok là một Park Moo Young do Song Joong Ki thủ vai gây thất vọng so với những gì khán giả chờ đợi. Đây có lẽ cũng là nhân vật gây khó chịu nhất phim nếu như bạn không phải là fan của Song Joong Ki khi gương mặt trai trẻ này được "anh hùng hóa" hơi quá đà. Thật khó để đồng cảm với những hành động bộc phát, thừa thãi của nhân vật này ngay cả tới cuối phim, khi một mình anh dẫn dắt cả 400 con người chạy trốn khỏi hòn đảo, một điều vốn đã được báo chí Hàn Quốc chỉ ra nhiều điểm vô lí.
Một nam thần khác của tác phẩm là So Ji Sub, thủ vai tên đầu gấu Choi Chil Sung. Đáng tiếc, đây là một nhân vật khá nhạt nhòa so với những gì người hâm mộ hi vọng cho sự trở lại của quý ông Giày Thủy Tinh. So với Park Moo Young, Choi Chil Sung cũng là một nhân vật mà người xem khó đồng cảm nhưng dù sao cũng đỡ hơn.
Yếu tố trai đẹp đã hoàn toàn bị lu mờ trong bộ phim chiến tranh đẫm máu này. Sẽ thật chẳng ra làm sao nếu có người nói các khán giả nữ sẽ được mãn nhãn chỉ vì ngắm nhìn Song Joong Ki hay So Ji Sub… cởi trần đóng khố. Thay vì khiến các chị em mê mẩn cơ thể cường tráng của của các anh, đây thật ra là bộ phim làm các fangirl cảm thấy idol bớt "cool ngầu" đi nhiều. Nếu có một nhân vật phản diện đẹp trai thì có lẽ câu chuyện đã khác đi một chút. Tuy nhiên, mọi nhân vật phản diện nếu rõ ràng có thể tiêu diệt được thì xin hãy tiêu diệt từ đầu phim, đừng để chúng sinh sôi nảy nở tới cuối phim rồi gây bao tai họa!
Từng tạo nên những vấn đề gây tranh cãi như độc quyền phòng vé, xuyên tạc lịch sử, tư tưởng chống Nhật, thân Nhật, liệu bộ phim ồn ào nhất từ đầu năm tới nay của xứ củ sâm có thể thực sự làm hài lòng người hâm mộ ở Việt Nam?
Đảo Địa Ngục dự kiến khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 18/8.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]