Thông tư 22 do Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành ngày 26/9/2013 (có hiệu lực từ ngày 1/6/2014), quy định: Vàng trang sức, mỹ nghệ phải phù hợp với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường. Tất cả các sản phẩm phải công bố chất lượng theo quy định Thông tư 22, đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm... mới được lưu thông trên thị trường.
Từ trước đến nay, đã có một số lượng lớn nữ trang không đạt chuẩn (vàng thiếu tuổi, thiếu khối lượng... tồn tại trên thị trường cũng như tồn kho trong DN, đại lý của DN. Người tiêu dùng mua sản phẩm mà không biết thực chất chất lượng sản phẩm như thế nào hàm lượng ra sao.
Vì thế, mục tiêu của Thông tư 22 nhằm tăng cường quản lý chất lượng đo lường vàng trang sức đang lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đồng thời cũng bảo vệ việc mua bán vàng chân chính, công khai, minh bạch, hạn chế gian lận về hàm lượng vàng (tuổi vàng), gian lận về khối lượng vàng...
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Kim hoàn - Mỹ nghệ TP.HCM, cho biết, đã qua 3 buổi tập huấn, hầu hết các DN kinh doanh vàng đều đã được phổ biến về Thông tư 22. Hầu hết các DN lớn trên địa bàn đã xác định lại tuổi vàng, điều chỉnh lại tuổi vàng ghi trên sản phẩm cũ và chế tác sản phẩm mới theo đúng quy định và lựa chọn, xây dựng tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn áp dụng theo đúng quy định.
Dù đánh giá cao thông tư này nhưng các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều quy định chưa rõ ràng. Trong đó, Thông tư không cho biết khi người dân phát hiện sai lệch thì khiếu kiện ở đâu và nếu không đồng ý với kết quả kiểm định thì tìm tới cơ quan nào để nhờ can thiệp...
Còn trên thực tế, đã ba tuần triển khai nhưng các cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong việc xử lý. Đại diện Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM cho biết, đến ngày 18/6, chưa có đơn vị nào được chỉ định kiểm tra vàng thiếu tuổi và cũng chưa có quy chuẩn về chất độc hại trong vàng.
Theo quy định của Thông tư 22, việc sản xuất nữ trang vàng không đáp ứng tiêu chuẩn công bố sẽ bị phạt rất nặng. Mức phạt có thể gấp 40 lần giá trị sản phẩm nếu công bố sai chỉ số. Đó là chưa nói mức phạt do sản phẩm chứa chất độc hại trong khi Thông tư không đưa ra quy chuẩn, quy định như thế nào là chất độc hại.
Đã vậy, theo ông Phạm Văn Tám, chủ tiệm vàng Kim Hảo (Q.5, TP.HCM), quá trình triển khai vẫn còn nhiều điểm gây khó khăn cho DN. Chẳng hạn, muốn xác định chính xác tuổi vàng theo quy định, DN phải trang bị máy huỳnh quang tia X có giá hơn 300.000USD, nhưng có khi mỗi máy cho kết quả giám định khác nhau vì thiếu quy định máy phải được kiểm định bởi một đơn vị chức năng về đo lường.
Vì thế, DN bỏ tiền ra trang bị máy nhưng cũng có thể bị phạt. Đó là chưa kể, TP.HCM có khoảng 3.000 DN kinh doanh vàng, nếu cùng trang bị cân có giới hạn sai số thấp theo quy định Thông tư 22 sẽ khó tìm được hàng do số lượng DN cung cấp sản phẩm này còn khá khiêm tốn. Một số DN còn băn khoăn là đang sử dụng cân đã được kiểm định và dán tem, sau khi áp dụng Thông tư 22 thì tem kiểm định này còn có hiệu lực và các tiệm vàng có được sử dụng hay phải trang bị mới?...
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc quản lý chất lượng vàng nữ trang là điều hết sức bình thường và hiển nhiên phải thực hiện. Ở các nước phát triển đã có những quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ về chất lượng, hàm lượng vàng lẫn công bố thông tin về chất lượng và hàm lượng vàng.
Và dĩ nhiên cũng có các cơ quan kiểm định thường xuyên cũng như bất thường. Người dân nếu phát hiện hàm lượng vàng sai lệch với chứng nhận có thể thông qua hội bảo vệ người tiêu dùng để yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm định lại. Việt Nam cũng có Hội Bảo vệ người tiêu dùng nhưng chưa đủ mạnh để làm điều này. Hơn nữa, người dân Việt Nam cũng chưa có thói quen thưa kiện để tự bảo vệ mình.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]