Buông dịch vụ vàng
Southern Bank là một điển hình khi phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2013 đến 372 tỷ đồng. Trong đó có hoạt động kinh doanh vàng, do phải mua tất toán toàn bộ số lượng vàng đã huy động dưới hình thức chứng chỉ tiền gửi vàng trước đây vào ngày 30-6-2013 nên NH này đã mua vào số lượng vàng rất lớn, trong khi số dư nợ cho vay bằng vàng chưa thể thu hồi kịp đã làm hoạt động kinh doanh vàng phải chịu rủi ro tỷ giá, dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh vàng lỗ 115 tỷ đồng.
Thế nhưng, sau khi tất toán trạng thái vàng huy động và chịu khoản lỗ lớn nói trên, đến nay Southern Bank cũng chưa thể tất toán được trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng. Số dư nợ cho vay bằng vàng của NH này vẫn còn rất lớn, khoảng 1.000 lượng vàng và Southern Bank đang trong quá trình thương thảo với người vay để chuyển sang VNĐ.
Một số NH còn từ chối cả việc khách hàng bán lại vàng cho NH sau khi rút vàng đã nhờ giữ hộ trước đó, với lý do kinh doanh vàng thời buổi này khó khăn, giao dịch ảm đạm.
Tương tự, Sacombank cho biết hoạt động tất toán trạng thái vàng trong năm vừa qua khiến NH lỗ đến 524 tỷ đồng. Năm qua, ACB không còn phải “gồng mình” chống lại những thiệt hại do hoạt động kinh doanh vàng gây ra. Trước đó, do phải tất toán trạng thái vàng theo quy định của NHNN trong năm 2012, ACB đã phải chịu khoản lỗ lớn, nhưng đến quý III-2013, ACB đã thoát ra khỏi khoản lỗ vàng. Đến nay hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối mang về cho ACB xấp xỉ 10 tỷ đồng tiền lãi trong quý I-2014.
Thực tế, để tất toán được trạng thái vàng không ít NH thua lỗ nặng trong năm qua. Nguyên nhân dẫn đến việc kinh doanh ngoại hối và vàng của nhiều NH không đạt kết quả như mong đợi trong năm qua là do tỷ giá hối đoái đã đi vào ổn định, kinh doanh vàng miếng cũng có nhiều hạn chế từ Quyết định 24, khiến nguồn thu từ hoạt động kinh doanh vàng đóng góp vào lợi nhuận sụt giảm.
Hiện NHNN vẫn cho phép một số NH được kinh doanh vàng miếng, song trước diễn biến của thị trường vàng sụt giảm và mãi lực trong nước giảm cùng với quy định cấm huy động và không cho vay, khiến NH không còn mặn mà với mảng này.
Vẫn chưa tất toán hết trạng thái vàng
Số liệu đưa ra từ NHNN TPHCM cho thấy, khối lượng mua-bán vàng miếng của các NH trên địa bàn năm qua và ngay cả tháng 1-2014 (khi giá vàng giảm) đều không tăng. Doanh số mua vàng của các NH năm qua trên 6,5 triệu lượng và doanh số bán ra cũng chỉ thấp hơn chút đỉnh.
Trong tháng 1-2014, doanh số mua-bán vàng miếng của các NH trên địa bàn cũng chỉ khoảng 200.000 lượng. Qua đó cho thấy trạng thái kinh doanh vàng miếng của NH hiện nay đang ở thế cầm chừng. Tổng giám đốc một NHTM cho rằng, khả năng vàng sẽ giảm thêm trong thời gian tới nên các NH hạn chế giao dịch.
Hiện nay việc đóng trạng thái đối với dư nợ cho vay bằng vàng vẫn còn bỏ ngỏ nên NH chưa vội mua. Hiện vẫn còn 9 NH tại TPHCM chưa thể hoàn tất việc tất toán trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng. Tổng số lượng dư nợ bằng vàng chưa tất toán còn khoảng 4 tấn. Bởi nhiều khách hàng vẫn chưa muốn chuyển dư nợ bằng vàng sang tiền đồng, vì lãi suất cho vay vàng trước đây thấp nếu chuyển sang VNĐ lãi suất cao.
Việc tồn đọng số dư nợ bằng vàng nói trên được NHNN cho rằng sẽ không tác động đến NH từ biến động của vàng. Nhưng nếu các NH đồng loạt mua vàng tất toán cũng phần nào tác động đến thị trường. Tuy chưa có hạn định cuối cùng cho việc tất toán trạng thái dư nợ vàng, song NHNN yêu cầu NHTM phải sớm hoàn tất việc đàm phán với khách hàng chuyển đổi dư nợ cho vay bằng vàng sang VNĐ, hoặc mua vàng cân đối để sớm đóng trạng thái năm nay. Nhưng hiện các NH chưa vội mua vàng mà kỳ vọng giá giảm thêm.
Các NHTM không còn kỳ vọng vào mảng kinh doanh vàng và ngoại hối như trước đây, kể cả với những NH được kinh doanh vàng miếng. Trước đây, lợi nhuận NH ngoài tín dụng được kỳ vọng nhiều từ các mảng dịch vụ, trong đó có kinh doanh vàng và ngoại tệ.
Thế nhưng, với tình hình trong những năm gần đây, nguồn thu từ mảng hoạt động này không còn nhiều mà chủ yếu được kỳ vọng vào nguồn thu từ hoạt động tín dụng. Trước bối cảnh thị trường khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp yếu, tín dụng khó tăng trưởng, nguồn thu từ tín dụng giảm do chênh lệch lãi suất co hẹp, mảng kinh doanh vàng và ngoại hối không còn đem lại nguồn thu, khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]