Sau một thời gian dài “yếu sức” đi xuống, giá vàng đang lội ngược dòng, tăng khá mạnh trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước cho rằng, chưa thể nói giá vàng sẽ có một tương lai sáng lạn vững chắc…
Giá vàng thế giới sáng nay 12.8 đã lên cao nhất 3 tuần qua do Trung Quốc phá giá nội tệ (giảm 2%). Giá vàng giao ngay đã phục hồi ở mức 1.108,66 USD/oz, giá vàng giao tháng 12 niêm yết tăng 0,3% tại 1.107,70 USD/oz.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước gần như giậm chân tại chỗ (vài ngày trước đó giá vàng trong nước có tăng lên). Cụ thể, lúc 8h sáng 12.8, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá mua vàng SJC tại TP.HCM là 32,93 triệu đồng/lượng, tăng 10.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua, đồng thời duy trì giá bán vàng ở mức 33,06 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng mạnh trở lại
Cùng thời điểm, tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI niêm yết giá mua – bán vàng SJC ở mức 32,98 – 33,05 triệu đồng/lượng, không đổi so với chốt phiên chiều 11.8.
Chênh lệch giá mua – bán vàng tại Hà Nội vẫn là 70.000 đồng lượng, trong khi ở TP.HCM mức chênh đã thu hẹp từ 140.000 đồng/lượng xuống còn 130.000 đồng/lượng. Hiện giá vàng thế giới thấp hơn vàng SJC trong nước 3,61 triệu đồng/lượng. So với giá vàng hôm đầu tuần thì giá vàng sáng nay mới chỉ tăng khoảng hơn 20.000 nghìn đồng/lượng.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế Tài chính), nhiều ngân hàng trung ương từ các nước hạ lãi suất hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ, đã tạo ra yếu tố thúc đẩy vàng tăng. Ngoài ra, việc FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) đưa thông tin khó tăng lãi suất trong tháng 9 cũng là yếu tố khiến giá vàng tăng lên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia này, chưa thể nói giá vàng sẽ có một tương lại sáng lạn vững chắc. Ông Thụy phân tích: Nền kinh tế nội địa Mỹ đang tốt lên và FED vẫn đang sẵn sàng đề tăng lãi suất bất cứ lúc nào. Người ta đang quan ngại có một “cuộc chiến tiền tệ” mới khi Trung Quốc bất ngờ phá giá tiền của mình. Song theo ông Thụy, việc điều chỉnh giảm đồng nhân dân tệ của Trung Quốc không có khả năng làm FED từ bỏ ý định tăng lãi suất. Hiện các nhà đầu tư vẫn đang bỏ vàng để đặt cược cho đồng đô la Mỹ với kỳ vọng Mỹ sẽ tăng lãi suất.
Nguyên phó viện trưởng Viện giá cả (Bộ Tài chính) - ông Ngô Trí Long cũng tỏ ra khá đồng tình với nhận định của các chuyên gia nước ngoài rằng, việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc làm tăng giá vàng tức thời, song khó có thể thúc đẩy nhiều giá trị của vàng trong dài hạn. Theo ông Long, trong dài hạn, việc hạ giá đồng tiền của Trung Quốc sẽ làm cho giá vàng sẽ trở nên đắt đỏ hơn với người mua Trung Quốc. Chưa kể, việc Trung Quốc phá giá nội tệ sẽ kéo theo hành động tương tự của rất nhiều ngân hàng trung ương các quốc gia khác, như vậy khó có việc giá vàng tăng lên đột biến thời gian dài tới.
Tuy nhiên, ông Long thừa nhận: Dự báo vẫn chỉ là dự báo. “Chúng ta còn phải chờ đợi thêm bằng chứng về triển vọng tăng lãi suất của Mỹ, chờ đợi xem các nước điều chỉnh tiền tệ như thế nào. Giá vàng tăng hay giảm phụ thuộc rất nhiều vào các hành động can thiệp này. Giá vàng vẫn có thể tăng mạnh trở lại bất cứ lúc nào” - ông Long nói.
Giao dịch vàng trong nước sáng nay, theo đại diện công ty vàng Bảo Tín Minh Châu, đã có xu hướng tăng. Giá vàng nhích tăng từ đầu tuần đến nay đã kích thích lượng khách bán ra. Đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết, dù có đà tăng nhưng giá vàng vẫn đang duy trì ở mức thấp, hấp dẫn nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư và người dân. Theo ghi nhận của Bảo Tín Minh Châu, phiên giao dịch sáng nay lượng khách mua vào tích trữ ít hơn so với lượng khách bán ra (40% khách mua vào 60% lượng khách bán ra).
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]