Theo tục lệ, mùng 10 tháng Giêng hàng năm, nhà nhà lại nô nức sắm sửa lễ vật cúng vía Thần Tài - vị thần chủ quản về tài lộc để mong được một năm làm ăn suôn sẻ, đắc lộc đắc tài. Ngoài ra, một số công ty kết hợp khai trương vào ngày này, để may mắn thuận lợi hơn.
Tục thờ Thần Tài của người xưa phân biệt: Văn Thần Tài và Võ Thần Tài. Văn Thần Tài phù trợ cho người theo ngành văn như công việc văn phòng, sổ sách, giấy tờ, thơ ca hội họa… Còn Võ Thần Tài phù trợ cho gia chủ theo nghiệp võ như làm quan chức, chính quyền… Riêng giới kinh doanh thì dù nghiệp văn hay võ đều thờ thần Tài cả.
Hình tượng thần Tài phổ biến nhất là Văn Thần Tài, đội mũ cánh chuồn, râu đen 3 chòm, miệng cười rất tươi, tay cầm chậu tụ bảo hoặc thỏi vàng. Đây là vị thần được thờ cúng nhiều ở trong nhà, vì mang lại tài lộc và giữ tiền của cho gia chủ. Ông thường được thờ chung ở bàn thờ Thổ - Địa, tạo thành bộ ba là Ông Địa, Thần Tài, Thổ Địa.
Ngày vía Thần tài mua bao nhiêu vàng thì đủ may?
Với quan niệm mua vàng ngày vía Thần Tài (10/1 âm lịch) sẽ đem lại sự may mắn, làm ăn thuận lợi, tiền bạc rủng rỉnh cho cả năm, ngay từ sáng ngày 9/2, tại các cửa hàng vàng tại Hà Nội người dân đã xếp hàng dài để chờ mua vàng cầu may.
Dạo quanh các cửa hàng vàng tại phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), khoảng 1-2 ngày gần đây, đã có khá nhiều người đến giao dịch, thăm hỏi và đặc biệt hơn là đặt tiền trước để mai có thể lấy vàng đúng vào ngày “Vía Thần Tài”.
Chị Lan, chủ một cửa hàng bán quần áo trên Phố Huế (Hà Nội) cho hay: "Năm nào cũng vậy, vì là dân kinh doanh lâu năm nên cứ đến ngày mùng 10.1 ÂL hằng năm chị đều mua một ít vàng để cầu may mắn, tài lộc trong năm mới. Nhưng năm nay, trước ngày "Vía Thần Tài" nghe tin vàng giảm mạnh nên chị đã tới một tiệm vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) để đặt hàng, thanh toán trước và sẽ tới lấy vàng vào đúng ngày Thần Tài".
Đồng thời, để khởi đầu cho một năm kinh doanh với những thuận lợi và suôn sẻ các doanh nghiệp vàng bạc đã chuẩn bị rất chu đáo các sản phẩm mỹ nghệ vàng ta hình con giáp để phục vụ khách hàng trong dịp lễ “Thần tài cầu may” vào ngày mùng 10 ÂL. Vào ngày này hàng năm, nhà nhà, người người (tập trung chủ yếu là các thương nhân, giới văn phòng…) xếp hàng từ rất sớm để mua được chỉ vàng Kim Thân cầu cho một năm mới với những thuận lợi, mọi việc vạn sự như ý.
Theo một nhân viên của Bảo Tín Minh Châu, 2 ngày gần đây, lượng khách mua vàng đông hơn hẳn so với ngày thường. Đặc biệt khoảng 9h-10h sáng, khách đến không còn chỗ để xe. Cũng theo nhân viên này, trước giờ mở cửa 8h đã có khách đứng chờ, vào ngày Vía Thần Tài, khách hàng tới mua vàng lẻ là chủ yếu. Quầy giao dịch vàng miếng mấy hôm nay cũng được huy động vào giao dịch vàng lẻ (nhẫn tròn trơn).
Ngoài ra, nhân viên này còn cho biết thêm, theo ý nghĩa vàng nhẫn 1 lượng (Phúc), 1 chỉ (Lộc), 2 chỉ (Phát), 5 chỉ (Tài). Tuy nhiên, phần đông khách hàng tới chỉ mua 1-5 chỉ. Người mua một lượng hầu như rất hiếm.
Các công ty vàng cho biết đã chuẩn bị tranh thủ tung ra các sản phẩm được thiết kế riêng cho ngày Thần Tài như có công ty tung ra các miếng vàng “Kim Thân” với tên gọi lộc, phát, tài tương ứng loại 1 chỉ, 2 chỉ và 5 chỉ. Một số doanh nghiệp vàng thì dung chiêu tặng bao lì xì và giảm giá tùy theo loại sản phẩm. Ngày Thần Tài năm ngoái dù thị trường vàng nguội lạnh nhưng lượng người dân đi mua vàng cầu may mắn khá đông nên năm nay nhiều công ty vàng cũng muốn tranh thủ dịp này để kích thích sức mua của thị trường và tất nhiên là thu lời được nhiều hơn từ các khách hang “mê” vía thần tài.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bình luận: “Thị trường vàng trong nước hai ngày tới chắc chắn sẽ sôi động, kéo theo giá vàng sẽ biến động mạnh, bởi theo quan niệm của nhiều người, nhất là dân kinh doanh, buôn bán thì mua vàng đầu năm nhằm đúng ngày "vía thần tài" sẽ được may mắn, tài lộc trong cả năm mới. Chính vì thế ai nấy đều mong muốn mua cho mình và người thân, ít thì một vài chỉ, nhiều thì cả lượng vàng để lấy may”.
Cách phân biệt vàng thật - vàng giả
Quan sát
Dùng kính lúp soi vàng. Vàng thật, đủ độ già sẽ có bề mặt mịn, không có các chấm nhỏ li ti, không lồi lõm.
Kiểm tra ở các vết khắc, vết chạm trổ
Nếu vết khắc vẫn có màu đẹp, các cạnh của vàng không bị đổi màu, thì đó chính là vàng thật. Nếu ở các vết khắc vết chạm có màu xanh lá cây hoặc xanh đen: thì đó chính là vàng độn.
Thử cắn vàng
Đây là cách kiểm tra của người xưa. Nếu sau khi cắn vàng mà có để lại dấu răng thì là vàng thật (vàng thật rất dẻo, mềm hơn các kim loại khác). Nếu không để lại dấu vết gì rõ ràng thì đó là vàng giả.
Dùng nam châm thử vàng:
Vàng thật sẽ không bị nam châm hút. Nếu bị hút thì đó chính là vàng có pha sắt, hoặc vàng giả. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một cách. Vẫn có những loại vàng pha tạp không bị nam châm hút.
Tìm một mảnh gốm không tráng men để kiểm tra
Chà vàng lên bề mặt gốm. Nếu có vệt vàng có nghĩa là vàng thật, vệt đen là vàng giả.
Dùng axit nitric kiểm tra
Nếu vàng đổi thành màu xanh thì đó là kim loại mạ vàng. Nếu vàng vẫn nguyên vẹn hoặc hơi vàng nâu thì là vàng thật.
Đem thử lửa
Dùng mỏ đốt nung vàng từ 1.000 – 1.400 độ, nếu vàng sẽ nóng chảy như giọt nước, khi để nguội sẽ co vào với nhau thì đó là vàng thật, bởi khi đốt ở nhiệt độ cao nếu là vàng giả được làm bằng kim loại khác thì trong quá trình đốt sẽ bị cháy và bay hơi đi mất.
Kiểm tra vàng theo kinh nghiệm
Đây là cách đơn giản dựa theo kinh nghiệm của những người đi trước. Cụ thể bạn có thể cầm thử vàng xem độ nặng nhẹ, nhìn bằng, đặc biệt là gõ nghe tiếng kêu, thậm chí cắn, nhiều người có thể kết luận khá chính xác. Bởi vàng có màu sắc, độ nặng, độ mềm và tiếng kêu khá riêng biệt.
Riêng đối với vàng miếng người dùng có thể dùng lực uốn, hoặc xung lực tác động (dùng búa gỗ hoặc nhựa) nếu là vàng thật, miếng vàng sẽ cong đều còn nếu là vàng giả sẽ rất cứng thậm chí có thể đột ngột gãy.
Kiểm tra trên bề mặt vàng
Khi cầm miếng vàng, người dùng nên nhìn một cách cẩn thận, nếu có bất kỳ điểm màu xanh lá cây hoặc màu đen, thì đó không phải là vàng nguyên chất. Đặc biệt chú ý đến các cạnh và móc khi kiểm tra bề mặt vàng vì sự đổi màu thường xuất hiện ở đây.
Dùng huỳnh quang tia X
Với những loại vàng làm giả cực tinh vi, người tiêu dùng có thể dùng huỳnh quang tia X để phân biệt. Tuy nhiên cách này cần có vật thử chuyên dụng.
Ngoài ra, việc dùng huỳnh quang tia X đôi khi cũng không phát hiện được vàng nguyên chất hay pha trộn vì tia này chỉ bắn được chuyên sâu dưới 1 mm, không vào được lớp có bọc vonfram bên trong miếng vàng giả.
Cắt miếng vàng rồi dùng lửa khò kỹ
Cách tốt nhất để phân biệt vàng thật, giả là cần cắt thỏi vàng ra, dùng lửa khò thật kỹ. Nếu như vàng tan mà vẫn còn lớp bột ráp bám trên bề mặt cắt thì nhiều khả năng là vàng đã bị pha trộn kim loại khác.
Tuy nhiên, phải những người thợ cực giỏi và có kinh nghiệm mới nhận biết được vàng thật, giả thông qua máy khò. Khi khò, họ cũng phải nắm được các nguyên tắc về nhiệt độ, màu lửa, chất nào nóng chảy trước, chất nào chảy sau. Phương pháp đá thử vàng cũng có thể áp dụng tuy nhiên khá nhiều công đoạn và chủ tiệm phải mua thiết bị.
Phân kim
Các chuyên gia về vàng cho hay, đây thường là cách làm cuối cùng trong trường hợp những phương thức trên chưa chắc chắn. Bởi phân kim sẽ giúp phân định rõ ràng tỷ lệ, hàm lượng vàng nguyên chất. Tuy nhiên, nhược điểm là sẽ làm cho vàng bị đun nóng, trở về dạng nguyên thủy và có nguy cơ bị hao hụt trong quá trình xử lý. Do đó, cách làm này thường ít được lựa chọn.
Để hạn chế mua phải vàng giả, vàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên mua vàng ở những doanh nghiệp lớn uy tín, có hóa đơn chứng từ rõ ràng thay vì những cửa hàng nhỏ lẻ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]