Không biết về thái độ đối với tiền bạc của bạn đời
Cách mỗi người nhìn nhận về tài chính được xây dựng bằng kinh nghiệm với tiền bạc từ nhỏ cho đến lớn.
Biết về quá khứ của người kia sẽ giúp bạn hiểu hơn về thái độ đối với tiền nong của bạn đời, từ đó khiến bạn có những biện pháp xoa dịu người mình yêu thương, Brad Klontz – đồng tác giả cuốn “Mind Over Money” nhận định.
Klontz đưa ra một ví dụ: Một anh chồng nghèo khó từ nhỏ, luôn luôn được cha mẹ nhắc nhở: “Nhà mình không có tiền đi ăn hàng đâu con”, thường có xu hướng thích đi ăn hàng vì điều đó khiến anh ta cảm thấy mình giàu có hơn.
Vì vậy, mỗi lần người vợ nói câu tương tự, nó sẽ tác động vào tâm lý của người chồng, khiến anh ta muốn làm ngược lại, dẫn đến sự cãi vã.
Nhưng khi người vợ hiểu nguồn gốc của hành vi này, cô ấy có thể tránh nói những câu như vậy, thay vào đó là những câu hỏi giải quyết vấn đề tế nhị hơn như: “Hồi bé anh tiêu tiền như thế nào? Điều này có ảnh hưởng gì tới quyết định hiện tại của anh bây giờ không?”.
Cách mỗi người nhìn nhận về tài chính được xây dựng bằng kinh nghiệm với tiền bạc từ nhỏ cho đến lớn.
Xem nhẹ vai trò của quản lý tài chính trong gia đình
Mặc dù đã kết hôn bạn vẫn giữ thói quen chi tiêu của người độc thân. Hai vợ chồng không có một kế hoạch chi tiêu cụ thể, các khoản chi đều tùy hứng, tiện ai người đấy trả, đặc biệt là khi vẫn còn sống chung với bố mẹ. Chưa kể đến lối sống và cách chi tiêu khác nhau dẫn đến những hiểu lầm không cần thiết.
Sớm muộn, không lập ngân sách gia đình sẽ gây ra xung đột về tiền nong với bố mẹ hoặc giữa hai vợ chồng với nhau. Các chuyên gia cho rằng kể cả khi bạn mới cưới và còn sống chung với bố mẹ, hai vợ chồng cũng vẫn nên lập kế hoạch chi tiêu và duy trì một sự độc lập về tài chính nhất định với bố mẹ.
Mang các khoản nợ nần vào hôn nhân
Có hai trường hợp phổ biến. Trường hợp 1 là hai bạn chi quá nhiều cho đám cưới linh đình trong khi ngân sách eo hẹp. Thế là, sau khi cưới, hai vợ chồng phải oằn lưng trả nợ cho vài ngày xa xỉ đó.
Ngoài ra, cũng có một số người đem những món nợ từ khi còn độc thân của mình vào cuộc hôn nhân và biến nó thành trách nhiệm của hai vợ chồng mà không thảo luận từ trước với người bạn đời của mình. Sẽ thật không công bằng, khi đặt vợ/chồng của mình vào tình huống sự đã rồi như vậy.
Không biết về các bất đồng văn hóa
Giống như việc quãng đời trong quá khứ có thể quyết định các hành vi tài chính sau này, sự khác nhau về mặt văn hóa cũng có thể ảnh hưởng tới thái độ về tiền nong.
Ví dụ, người vợ có thể sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hỗ trợ về mặt tài chính ngay lập tức khi các thành viên trong gia đình cần.
Khi em ruột của cô cần tiền, cô đưa ngay cho em 200USD mà không cần hỏi han, và có thể người chồng sẽ nổi khùng khi biết chuyện vì đó là tiền chung của hai vợ chồng.
Vì vậy, việc xác định các giới hạn về mặt tài chính là điều cần thiết đối với các cặp đôi mới cưới.
Việc lén lút lập quỹ đen sẽ làm tổn thương niềm tin giữa hai người.
Trao quyền hoàn toàn quản lý tiền bạc cho một người
Đó có thể là người kiếm được nhiều tiền hơn hoặc người thạo hơn trong việc quản lý tiền bạc. Như vậy có vẻ dễ dàng hơn, nhưng thực chất sẽ gây ra nhiều vấn đề về lâu dài, bởi một người nắm hết chi tiêu và người còn lại không biết gì.
Như vậy, người quản lý ngân sách gia đình có thể phải chịu quá nhiều áp lực trong khi người bạn đời lại cảm thấy khó chịu vì không được tự chủ về tài chính. Chưa kể đến, trong trường hợp khẩn cấp, người không nắm rõ chi tiêu của gia đình sẽ không biết giải quyết vấn đề về tài chính như thế nào. Do đó, trách nhiệm tài chính được san sẻ đều giữa hai bên mới là nền tảng cho cuộc hôn nhân thành công.
Lập quỹ đen
Nền tảng của hôn nhân là sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, việc lén lút lập quỹ đensẽ làm tổn thương niềm tin giữa hai người. Theo các chuyên gia, tốt nhất mọi quyết định về tiền bạc nên được công khai và thống nhất giữa hai vợ chồng.
“Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”
Không ai phủ nhận vai trò của ngân sách chung trong cuộc sống gia đình, nhưng quá chi li trong chi tiêu và quản lý ngân sách sẽ gây phản tác dụng. Tất cả đều cần một thời gian để thích ứng với việc chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng của một cuộc sống chung, do đó, bạn không thể quá vội vàng áp đặt thói quen chi tiêu, hay quan điểm của mình cho đối phương.
Ngược lại hãy học cách thương lượng và thỏa hiệp. Bí quyết để thảo luận thành công về tiền bạc với người bạn đời của mình chính là kiên nhẫn. Đừng quên bạn kết hôn với người bạn đời của mình không phải vì tiền.
Không có quỹ dự phòng trường hợp khẩn cấp
Có lẽ đây là tâm lý chung của những người trẻ tuổi. Bạn mới kết hôn, và cuộc sống có vẻ đang mở ra với bạn. Chẳng có lý do gì để bạn tin rằng sẽ có chuyện xấu xảy ra. Thế nhưng, cuộc sống có bao giờ dễ dàng như vậy. Gia đình nhỏ của bạn luôn cần có một quỹ dự phòng trường hợp khẩn cấp bằng tiền mặt để đảm bảo chi trả sinh hoạt phí cho hai vợ chồng trong vòng từ 3-6 tháng khi có chuyện ngoài ý muốn như mất việc hay tai nạn xảy ra. Ngoài ra, các bạn cũng nên cân nhắc mua các loại bảo hiểm cần thiết.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]