Sài Gòn có nhiều thứ miễn phí, từ thùng trà đá đặt bên đường những ngày nắng nóng, sửa xe, đóng giày dép miễn phí cho người khuyết tật… cho đến thùng bánh mì miễn phí mỗi sáng, nhà sách nơi có thể đọc và mượn về tự do... Những điều nhỏ bé như vậy khiến tình yêu, lòng bao dung của người Sài Gòn với nhau và với người lạ cứ hiện hữu mỗi ngày, đầy lên mỗi ngày.
Những thùng nước miễn phí thế này được bày ở khắp nơi trên đường phố Sài Gòn
Sài Gòn chẳng mấy người bán trà đá. Mặc dù cái nghề này ở Hà Nội hay nhiều tỉnh thành khác là nghề hốt bạc. Ở Sài Gòn, đi một đoạn lại thấy bình trà đá đặt bên vệ đường, thêm vài cốc nhựa hoặc nhôm để cạnh… cho những người dân nghèo lỡ bước qua đây dừng chân. Những tấm biển nhỏ ghi “Trà đá miễn phí” hay mĩ miều hơn chút thì “Nước sâm lạnh ngon, bạn cứ lấy uống nhé! Cảm ơn”... không khó tìm thấy trên những con đường Sài Gòn tấp nập.
Người Sài Gòn chân chất thật thà, không khách sáo lễ nghi. Người Sài Gòn nói ghét là ghét, nói thương là thương. Cách xưng hô của người Sài Gòn cũng gần gũi, thân mật, hơn nhau ít tuổi thì “anh chị”, xưng “em”, với người lớn tuổi hơn thì xưng “con”, gọi “cô”, “chú” “ngoại” như con cháu trong nhà. Ở Sài Gòn, khái niệm nhà giàu với đại gia nó cũng không rõ ràng. Ra đường đi xe cup, xe dream cũng chẳng ai cười chê. Một ông chủ giàu nứt đố đổ vách vẫn uống cafe lề đường, lai rai quán nhậu với bát cháo lòng, đĩa đậu phộng.
Người dân Sài Gòn sống tự nhiên, hồn hậu với nhau
Người Sài Gòn cứ mỗi sáng Chủ nhật lại kéo nhau ra nhà hát thành phố xem những buổi hòa tấu nhạc ngoài trời mà không phải mua vé. Trẻ con xem tạp kỹ, kịch, sân khấu "Cầu vồng tuổi thơ". Thông thường mỗi chương trình có 500 chỗ cho các bé đăng ký trước từ khắp các quận huyện, mái ấm, nhà mở. Rồi trong những công viên lớn như Tao Đàn, Lê Văn Tám, Gia Định... xuất hiện những nhà vệ sinh công cộng chuẩn 5 sao mà không hề thu phí. Nhà vệ sinh xây ra thì đắt đỏ, giá đến gần 1 tỷ đồng, lại có nhân viên dọn dẹp thường xuyên, nhưng hoàn toàn “free” với những người có “nhu cầu”.
Nhà vệ sinh "5 sao" nhưng miễn phí hoàn toàn
Góc đường Cống Quỳnh - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) vài năm nay luôn được đặt tấm biển sửa xe cho người khuyết tật, bơm vá miễn phí của ông Phạm Văn Lương. Ông Lương quê gốc Quảng Ninh, đã vào Sài Gòn hàng chục năm nay với đủ thứ nghề mưu sinh kiếm sống, hơn ai hết, ông hiểu cảnh khổ của những người nghèo khó, khuyết tật... Bao năm qua ông bơm vá xe miễn phí cho không biết bao nhiêu người bán vé số đi xe lăn, xe ba bánh, nhiều sinh viên lỡ hết tiền, xe hư cũng được ông sửa giúp...
Bơm vá xe miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật
Người dân hẻm 96 Phan Đình Phùng cũng tổ chức dịch vụ xe ôm miễn phí cho người già, khuyết tật... Ông Nguyễn Văn Phúc chạy xe ôm hơn 32 năm nay, chở miễn phí cho không biết bao nhiêu người có hoàn cảnh khó khăn. Ông bảo thương người khuyết tật, người già: "Nhằm nhò gì, một cuốc xe có đáng bao nhiêu đâu mà mình tính, giúp được họ tui thấy vui”.
Tủ thuốc từ thiện phố Ông Tiên, được rất nhiều người chung tay quyên góp
Người Sài Gòn sống với nhau bằng tình cảm, bằng những hạnh phúc vuông tròn mà tình cảnh giống nhau thì giúp nhau chút xíu. Chỉ thế thôi, mà Sài Gòn đã thànhh một miền “đất lành chim đậu”, là tình yêu từ những điều bình dị nhất.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]