Được đúc bằng xi măng, nhưng bảng quảng cáo mang tên Hành Thiện, Vĩnh Bảo, Lợi Ký, Đức Thịnh ở phố cổ Hà Nội... có tuổi thọ trên dưới trăm năm.Nhiều mặt tiền của các ngôi nhà trên những con phố buôn bán lâu năm của Hà Nội như Lãn Ông, Hàng Hòm, Hàng Thiếc, Hàng Ngang, Hàng Đào... vẫn còn giữ được biển quảng cáo từ rất xưa.
Hình ảnh những bảng quảng cáo cũ, được làm bằng xi măng đã trở nên quen thuộc với người dân phố cổ. Những cái tên như Hành Thiên, Vĩnh Bảo, Lợi Ký, Đức Thịnh... đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Hiện một số trong những cái tên trên vẫn còn buôn bán đúng mặt hàng từ ngày xưa.
Bà Phùng Thị Thực (Hàng Đồng) cho biết, ngôi nhà mình đang ở được xây từ đầu thế kỷ 19, tấm biển quảng cáo cũng có từ khi đó. Trước kia gia đình bà buôn bán đồ đồng, nay do cả hai
vợ chồng tuổi cao, không còn kinh doanh nữa, nhưng muốn bảo tổn kiến trúc ngôi nhà nên bà không tu sửa nhiều, và tấm bảng quảng cáo cũng được giữ lại.
Bảng quảng cáo Lợi Ký trên phố Hàng Hòm. Ông Thành, chủ nhà cho biết, trước kia phố có tên tiếng Pháp là Rue des Caisses, chuyên buôn bán hòm da khóa chuông, gia đình ông cũng vậy. "Tấm bảng quảng cáo đã có tuổi thọ trên 70 năm. Hiện các lối đi lại, cửa ra vào đều để nguyên không hề sơn sửa, Lợi Ký là tên của của các cụ ngày xưa", ông Thành nói.
Trên phố Hàng Ngang, thi thoảng người dân thủ đô lại bất gặp một phần xưa cũ của Hà Nội. Những tấm bảng quảng cáo đúc bằng xi măng nằm trên những mảng tưởng rêu phong.
Phố Lãn Ông là nơi có nhiều bảng quảng cáo cổ nhất. Trong ảnh là ngôi nhà của gia đình PGS TS Nguyễn Nhược Kim (hiện là phó Chủ tịch hội Đông Y Việt Nam). Ông cho biết, gia đình ông buôn bán thuốc đông y từ rất lâu, riêng tấm bảng quảng cáo ở ngoài cửa có tuổi thọ gần 100 năm, còn cái tên Hành Thiện lấy từ quê hương Hành Thiện, Nam Định.
Bảng quảng cáo tại số nhà 7, Hàng Bạc. Ông Dương, chủ ngôi nhà cho biết, tấm bảng này có tuổi thọ trên 70 năm. Trước kia gia đình buôn bán vải, mũ, nhưng nay bán tạp hóa. Ngôi nhà nằm trong diện bảo tồn phố cổ nên kiến trúc còn nguyên vẹn.
Chủ cửa hàng trên phố Hàng Ngang cho biết, bảng tên Phong Thịnh có từ trước Cách mạng Tháng 8.
Một ngôi nhà cổ trên phố Hàng Hòm chuyên sản xuất và thiết kế bảng quảng cáo hiện đại ngày nay nhưng vẫn giữ nguyên cái tên Thuận Thịnh đúc bằng xi măng.
Nhà ảnh nắng vàng trên phố Lương Văn Can, cái tên quen thuộc với giới yêu ảnh nửa thế kỷ trước đến nay vẫn còn tồn tại. Cửa hàng dù chuyển sang bán kính mắt nhưng vẫn giữ nguyên không gian, màu sơn của tiệm ảnh ngày trước.
Ngoài những bảng quảng cáo trên xi măng, quảng cáo khắc lên gỗ cũng là "mốt" thời bấy giờ. Chủ cửa hàng trên phố Hàng Bồ vẫn giữ nguyên tấm bảng quảng cáo trên gỗ với ba thứ tiếng Việt, Anh và Trung. Nó đã tồn tại gần 50 năm nay.
Theo Zing.vn