Dễ thấy là bệnh nghề nghiệp. Đó là những phát thanh viên, diễn viên kịch nói, ca sĩ, giáo viên, nhân viên bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Đây là những đối tượng tạm gọi là “nói ra tiền”. Họ nói liên tục khiến dây thanh âm quá tải, chúng bị kéo căng hết cỡ và tiếng nói phát ra bị “rè”. Nếu đã làm nghề “nói ra tiền” lại hút thuốc lá thì nicotin trong khói thuốc đã làm viêm, phù nề thanh quản, tình trạng khàn tiếng sẽ xảy ra nhanh hơn, thậm chí có người phải bỏ việc.
Những người làm việc ở nơi có tiếng ồn, phải gào lên thì không chỉ dây thanh bị “rè” mà cả tai cũng quá tải sớm trở thành nghễnh ngãng. Những người làm việc trong môi trường khói bụi, hóa chất, dây thanh âm cũng được “hưởng” những “món” không ưa thích này nên bị viêm, dị ứng mà báo cho ông bà chủ biết bằng khàn tiếng. Bạn bị viêm a-mi-đan, bị nhiễm siêu vi đường hô hấp, bị viêm xoang rồi vi khuẩn chạy xuống họng vừa viêm họng vừa viêm thanh quản nên “máy phát thanh” kêu “è, è” cùng với những cơn ho ông ổng.
Lại có bạn dạ dày lẽ ra co bóp theo chiều xuống ruột, nay nó “ưa làm ngược” cứ đẩy dịch lên thực quản và thanh quản gọi là “Hội chứng trào ngược” khiến thanh quản bị bỏng cái món acid chua nồng của dạ dày. Dây thanh âm nằm đó chịu chung số phận nên tiếng nói vừa rè vừa méo. Có bạn bị nhiễm vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis), chúng không cư ngụ ở phổi mà lại chọn thanh quản đăng ký hộ khẩu, khàn tiếng dai dẳng, uống kháng sinh mãi không hết cho đến khi bác sĩ cho soi thanh quản mới thấy họ hàng nhà lao kia đã xây nhà bằng những ổ màu vàng như bã đậu nơi đây. Lại có bạn khàn tiếng, cảm thấy có “cái gì” hơi vướng khi nuốt, soi thanh quản thấy có một khối u nho nhỏ nằm chắn ngang đường. Đơn giản hơn, có bạn “tự gây bệnh” bằng cách uống nước đá suốt ngày. Nước đá làm thanh quản bị lạnh đột ngột, niêm mạc tổn thương mỗi ngày một chút và gây khàn tiếng. Đó là chưa kể khàn tiếng sau phẫu thuật tuyến giáp chạm vào dây thanh, chấn thương não gây liệt màn hầu… Đọc đến đây hẳn các bạn thấy không nên xem nhẹ “cái loa” mỗi khi thấy nó phát ra tiếng “rè”.
Không phải chuyện nhỏ
Với người bình thường khàn tiếng làm hạn chế khả năng giao tiếp. Đối với những nghề “nói ra tiền” thì đây là tai họa. Những người khàn tiếng kéo dài quá 3 tháng cần lưu ý nguy cơ mắc bệnh mãn tính như lao thanh quản hoặc ung thư thanh quản.
Tự chữa khàn tiếng
Bà con mình có nhiều kinh nghiệm chữa khàn tiếng. Chẳng hạn dùng giá đậu xanh nấu lên lấy nước uống hoặc pha trà đậm với chút muối uống, cũng có thể uống mật ong hòa nước ấm. Nhà nào có cây xạ can hái một nắm nấu nước uống cũng rất hiệu nghiệm.
Phòng bệnh đơn giản
Các nhà giáo nên có sẵn ly nước, cứ 10 phút nhấp giọng một lần để thanh quản không bị khô. Ca sĩ, diễn viên kịch nói sau một show diễn cần uống đủ nước (nước lọc, nước trái cây, không uống rượu, bia, nước đá). Khi trời lạnh nên mặc đủ ấm và quấn khăn kín cổ. Những người làm việc trong môi trường khói bụi nên mang khẩu trang dầy, mỗi ngày súc họng bằng nước muối 0,9% 3 lần. Nếu bị hội chứng trào ngược thực quản cần đến với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa chữa trị. Nếu có viêm nhiễm (sốt, ho) thì cần gặp bác sĩ để được dùng kháng sinh diệt nguyên nhân gây bệnh.
Khi khàn tiếng kéo dài nên đến với chuyên khoa Tai Mũi Họng để được nội soi thanh quản tìm nguyên nhân, không chủ quan vì “thấy vẫn khỏe”. Khàn tiếng bình thường có thể khỏi nhanh bằng cách chữa dân gian, tuy nhiên cũng không nên xem thường vì nó có thể là triệu chứng của những bệnh nguy hiểm.
Bác sĩ TỊT TUỐT - Tuổi trẻ Cười
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]